Tết bàn chuyện... ham chơi
Không hiểu sao những ngày Tết tôi cứ ấn tượng cảnh ở bến xe buýt với một người luống tuổi đứng đợi chuyến. Hẳn họ đang trên đường đến một chỗ nào đó đông vui hơn để hàn huyên. Nói chung đi chúc Tết một mình thấy nó cứ kỳ kỳ… Đi vãn cảnh một mình cũng thế. Chắc do tâm lý không thích ra ngoài một mình nên tôi cứ suy bụng ta ra bụng người vậy.
Nhưng năm nay bỗng nhiên tôi thấy mình hay họ đều không thực sự chơ vơ. Vì cả bọn đều đang đi trong không gian của Tết - một phát minh lâu đời của cư dân lúa nước.
Chính sự chộn rộn, xum xuê, đua chen của Tết đối lập với những người độc hành tạo nên cảm giác thương vay như vậy. Nhưng thực sự chúng mình không hẳn bơ vơ, mà đang ở trọn trong Tết, tiếp tục trải nghiệm nó, thám hiểm nó...
Năm nay cảm giác mến thương, thân thương tràn lên rõ rệt hơn. Cảm giác dành cho Tết sau gần nửa thế kỷ được sống trong nó đều đều mỗi năm một lần. Trong những ngày này tôi cảm nhận rõ có sự chuyển vận trong không thời gian. Thấy nguồn năng lượng trong mình như được tiếp thêm, được làm mới.
Chắc chắn nhiều người cũng chung cảm giác đó và Tết xuất hiện như một sự phụ họa của con người với đất trời xuân sang. Với những người như chúng mình chả có lý do gì để bỏ Tết cả.
Còn những ai không có nhu cầu hưởng Tết cũng chả thể ngăn cản. Họ cứ làm những gì có thể để tránh Tết.
Bao giờ số người không thích Tết Nguyên đán áp đảo chả cần đòi bỏ, Tết cũng tự kết thúc sứ mệnh. Bất cứ cái gì trên đời này đều có sinh diệt. Ta chấp nhận và nhận biết hiện tại ta đang ở trong thôi.
Bản thân ta cũng biến đổi. Nếu ta sinh ra trong một thời đoạn khác ở một miền đất khác, không biết đến Tết Nguyên đán ta cũng vẫn biết cách vui hưởng mọi thứ xung quanh. Sống trọn với tất cả những gì mình (đang) có chắc là một bí quyết của hạnh phúc vậy.
Đã thành thông lệ, Tết nào tôi cũng phải diện kiến người anh là nhà cổ nhạc học số một Việt Nam. Cũng không hẳn để cùng nhau thưởng thức những băng ghi âm ca trù cổ nhất, hay để được anh đố xem trong dàn chiêng đang chơi kia có chiếc nào bị phô... Mà là để yên tâm vẫn còn đó người đau đáu với các bộ môn âm nhạc đích thực của người Việt.
Anh như đi ngược với đại đa số dân Việt hiện nay. Nhưng thực ra anh đang sống trong một không thời gian dài rộng hơn chúng ta mà thôi.
Vì thế anh luôn thấy còn vô số việc phải làm để giữ gìn, bảo tồn, để cứu lấy những vốn liếng ông cha đang từng ngày từng giờ mai một. Anh nhìn thấy nên anh đau. Anh vẫn làm tất cả gì có thể nhưng trong một trạng thái thoải mái. Làm để bản thân thấy vui, để lan tỏa kiến thức chuẩn xác tới những người cùng chí hướng.
Bởi sự tồn tại của mỗi người cùng bộ nhớ của họ là hữu hạn. Ta không nên cưỡng lại để đời sống thêm mệt mỏi. Trong lịch sử tồn tại của nhân loại chắc cũng có không ít những kiến thức, phát minh, sáng tạo hay ho nhưng rồi cũng bị quên lãng để nhường sân khấu cho cái khác…
Chúng ta đến với đời sống này rút cuộc chỉ để tìm kiếm cảm giác hài lòng với bản thân. Rằng mình đã làm được cái gì đó, để lại cái gì có ích cho càng nhiều người càng tốt. Thành tựu nếu có nằm ở hành động và cảm giác thỏa mãn cá nhân hơn là kết quả.
Trở lại ông anh không hại đến cái cây ngọn cỏ của tôi, một mặt anh đau đáu luôn cảm thấy có trách nhiệm phải làm anh hùng cứu… cổ nhạc, nhưng anh cũng biết chấp nhận sự bất lực không phải của anh mà của bản thân hành động cứu vớt đó.,
Nên sau khi hoàn tất một dự án (để rồi nhận ra vẫn còn đầy thứ để nghiên cứu tiếp) anh đã tự tách mình ra, đổi gió bằng cách chẳng hạn quay lại chơi guitar một thứ nhạc không liên quan đến các cụ. Đó là rock. Dần dần sau nhiều lần sức khỏe lên tiếng báo động anh đã biết cái cần bảo tồn trước hết chính là sự tồn tại của bản thân. Khỏe đã, thư thái đã rồi làm gì thì làm.
Điều cơ bản làm nên hạnh phúc trên cõi trần là sức khỏe. Mà để có sức khỏe nghĩa là phải làm xen kẽ chơi. Cũng như những ngày thường phải có ngày Tết, ngày hội… để cân bằng vậy.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tet-ban-chuyen-ham-choi-post1611792.tpo