Tết biển đảo ấm tình quê hương
Những người có mặt trên các chuyến tàu mang quà Tết ra đảo chia sẻ: Tết ở đâu trên dải đất hình chữ S này cũng đầm ấm, thân thương như thế. Tết ở đảo đặc biệt hơn vì chỉ có đồng đội sum vầy bên những nghĩa tình chất chứa, đong đầy yêu thương từ đất liền gửi đến.
Rạng ngời gương mặt các chiến sĩ đón đoàn đất liền tới thăm đảo. Ảnh: Trần Thành
Những cánh thư vượt sóng
Từ trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng, các chuyến tàu thay quân, chở quà Tết ra đảo đã cập một số điểm đảo, mang nhiều vật phẩm mùa xuân đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa. Bánh kẹo, mứt, trà, thực phẩm Tết là đương nhiên nhưng trong từng gói quà được bao bọc cẩn thận còn có đặc sản các địa phương tặng quân dân Trường Sa như: Tinh bột nghệ, quất (Hưng Yên), bưởi Diễn (Hà Nội), mì gạo (Phú Thọ)...
Những món quà ý nghĩa này do CLB Tuổi trẻ vì biển quê hương vận động, tiếp nhận trên toàn quốc. Có đến 3.600 phần quà cá nhân, 110 phần quà tập thể được gửi tới quân dân đang công tác, làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 và cụm đảo Tây Nam.
Đặc biệt, CLB còn trao tặng lá cờ Tổ quốc có chữ ký của huấn luyện viên Park Hang Seo và các tuyển thủ U22 Việt Nam vừa đoạt vô địch SEA Games 30 tới Trường Sa thân yêu. Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã tiếp nhận lá cờ với nghi thức trang trọng.
Một trong những câu chuyện gây xúc động trong mùa thay quân, trao quà Tết năm nay, đó là hình ảnh những chiến sĩ trẻ lứa tuổi mười tám, đôi mươi đứng trên mạn tàu chào đất liền sau khi ba hồi còi tàu chào quân cảng cất lên. Bên dưới cầu cảng, nhiều thiếu nữ Hà Nội vào tiễn quân đã cùng hát vang những bài ca truyền thống tiễn các anh lên đường làm nhiệm vụ. Những món quà mang giá trị tinh thần như: Hoa cúc họa mi Hà Nội, sách “Nơi đầu sóng”, “Mắt trùng khơi” của nhóm tác giả Lữ Mai – Trần Thành... được đại diện CLB trao ngay trong giờ phút xúc động đó.
Kỹ sư Trần Thành – Chủ nhiệm CLB cho biết: “Sách và hoa trên tay những người lính, họ đưa lên vẫy chào, quân phục chiến sĩ Hải quân ngời sáng nơi quân cảng. Đặc biệt, ba chuyến tàu thay quân đã chở theo 5.300 cánh thư viết tay, thiếp chúc Tết của học sinh, sinh viên cả nước gửi các chiến sĩ Hải quân. Số thư, thiếp này đã được CLB chia đều cho các đảo, nhà giàn... để cán bộ, chiến sĩ cùng đọc vào khoảnh khắc đón chào năm mới.”
Qua gần mười lần đi đảo, cũng có năm tôi được chứng kiến cảnh bộ đội đọc thư trong mùa xuân mới với niềm xúc động dâng trào. Thư được đọc chung, họ cùng cười, cùng rưng rưng ánh mắt. Những người lính miền Nam đọc thư của thiếu nữ Hà Nội, có cả những người lính người dân tộc ở Tây Nguyên lần đầu tiên nghe các em học sinh tả về miền núi phía Bắc đầy hoa ban, hoa mận, hoa đào...
Nhiếp ảnh gia Trần Thành
Chia sẻ về món quà đặc biệt và đầy ý nghĩa này, kỹ sư - nhiếp ảnh gia Trần Thành, chủ nhiệm CLB cho biết: “Nhiều năm nay, CLB duy trì hoạt động trên với mong muốn cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên đảo sẽ cảm nhận được tình thương mến nơi đất liền gửi tới các anh. Và đặc biệt là đợt lính mới ra nhận nhiệm vụ, đón cái Tết đầu tiên trên đảo sẽ thêm sự sẻ chia ấm áp từ đất liền.
Năm nay, tôi và nhà thơ - nhà báo Lữ Mai đã tặng hai ấn phẩm sách ra Trường Sa nên ngay khi những người lính mới bước lên tàu, họ đã “gặp” được hòn đảo mình đóng quân qua sách. Qua sách, họ biết thêm cả đảo của các đồng đội khác với câu chữ, hình ảnh cụ thể. Đôi câu đối có mặt trên khắp các đảo và nhà giàn của chúng ta: “Canh giữ đảo để nhân dân đón Tết/ Gác biển trời cho Tổ quốc vào xuân” được in trang trọng trên một chiếc hộp đựng quà. Đó là tình cảm chân thành của chúng tôi gửi những người lính dũng cảm, kiên cường nơi đầu sóng”.
Phía sau chữ ký của đội tuyển U22
Ngoài tiêu chuẩn Tết theo quy định, các cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa còn nhận được những món quà đặc biệt từ đất liền như: Bưởi Diễn, quất Văn Giang, mì gạo Phú Thọ, chè Thái Nguyên... cho tới sách vở, thư tay, bưu thiếp từ học sinh - sinh viên gửi... Tất cả gói trọn tình cảm yêu thương của đất liền hướng về biển đảo.
Sau chiến thắng tại SEAGames 30, đội tuyển U22 Việt Nam về nước với một lịch trình bận rộn, gần như không có thời gian tiếp xúc người hâm mộ. Thế nhưng, kỹ sư Trần Thành vẫn ấp ủ dự định sẽ gặp gỡ, xin chữ ký của huấn luyện viên Park Hang Seo và các tuyển thủ vào lá cờ Tổ quốc và hai ấn phẩm “Nơi đầu sóng”, “Mắt trùng khơi” để tặng ra đảo xa.
Do lịch trình bận rộn, anh chỉ có thể gặp đội tuyển tại sân bay, trước khi họ lên đường tập huấn tại Hàn Quốc. Dù thời gian gấp rút, hành lý nhiều... song, huấn luyện viên và tất cả các tuyển thủ đều vui vẻ, nhiệt tình và tự hào ký tên mình vào quốc kỳ Việt Nam và từng cuốn sách để trao lại cho kỹ sư Trần Thành.
Tình cảm ấy khiến anh xúc động và nhớ lại, thời điểm đội tuyển U23 dưới thời huấn luyện viên Park Hang Seo trở về sau trận đấu ở Thường Châu (Trung Quốc), họ cũng đã dành thời gian gặp gỡ CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương, ký vào quốc kỳ, áo đấu, bóng... tặng cho CLB mang ra biển đảo. Phía sau tinh thần thi đấu đỉnh cao, huấn luyện viên và đội tuyển bóng đá Việt Nam còn hướng đến biển đảo Tổ quốc bằng tình cảm mộc mạc, nhiệt thành.
Lá cờ Tổ quốc có chữ ký của những người hùng vô địch SEA Games 30 tung bay nơi quân cảng, xuất hiện trang trọng trong nghi thức trao tặng giữa CLB và lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã tiếp thêm động lực cho những người lính trẻ lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Các tuyển thủ và những người lính cùng chung thế hệ, họ đều đang cống hiến tuổi trẻ của mình theo từng cách riêng và đều ấm nồng, nhiệt huyết, vững vàng.
Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/tet-bien-dao-am-tinh-que-huong-4060376-bt.html