Tết cổ truyền với nghệ sĩ quê Hải Dương

Trong tiềm thức mỗi người dân đất Việt, Tết cổ truyền luôn có một vị trí quan trọng bởi đó là dịp đoàn viên, sum họp của mỗi gia đình.

Với những người nghệ sĩ quê Hải Dương thành danh và đang lập nghiệp ở một miền đất khác thì Tết càng đặc biệt hơn. Các nghệ sĩ Trần Nhượng, Thanh Hương, Thùy Chi đã chia sẻ với phóng viên báo Hải Dương nhiều điều thú vị về Tết cổ truyền.

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Nhượng: Nhớ lắm phong vị Tết xưa

Thời của tôi gắn với những kỷ niệm thiếu ăn, khốn khó nên cả năm ai cũng mong đến Tết, vì chỉ Tết mới có thịt ăn, có manh áo mới để mặc. Tôi nhớ thời ấy, Tết nhà nào cũng phải có một nồi bánh chưng, muốn biết nhà nào khá giả, cứ nhìn nồi bánh là rõ.

Tết ngày xưa lạnh lắm chứ không như bây giờ. Lạnh một phần do thiếu cái ăn cái mặc. Ngày tất niên cả gia đình quây quần chất bánh, ai cũng háo hức.

Chúng tôi hay nướng khoai, nướng sắn nhâm nhi ăn cả đêm, đến rạng sáng bánh chín, thầy u sẽ vớt những chiếc bánh nhỏ lên chia cho các con. Tôi nhớ mãi cái cảm giác sung sướng khi được thưởng thức miếng bánh đầu tiên ấy, chao ôi sao mà ngon thế.

Rồi còn tục đụng lợn, đốt pháo, chơi trò chơi dân gian ngày Tết, trẻ con chúng tôi sẽ được lì xì... Ngày xưa, lì xì lấy may nên chỉ một chút thôi, chứ không mừng tiền mệnh giá lớn như bây giờ. Mùng 1 Tết, chúng tôi sẽ theo thầy u đi chúc Tết bên nội, bên ngoại, hàng xóm láng giềng rất vui vẻ.

Chính vì những kỷ niệm đẹp đó mà tôi vẫn cố gắng giữ nếp Tết cổ truyền. Hoạt động nghệ thuật dù rất bận rộn nhưng tôi vẫn sắp xếp trở về nhà trước đêm giao thừa và tránh nhận show ngày Tết.

Tuy nhiên, làm nghệ sĩ cũng không thể tránh mãi. Khi còn công tác ở Đoàn Ca múa kịch Hải Hưng hay sau này thỉnh thoảng cũng có dịp đi diễn phục vụ bà con dịp Tết, tuy hơi chạnh lòng vì xa gia đình nhưng đành chấp nhận và coi đó là kỷ niệm trong quãng đời hoạt động nghệ thuật của mình.

Tết bây giờ không còn được như xưa, những phong tục cổ truyền cũng nhạt bớt. Người ta bảo “phú quý sinh lễ nghĩa” nhưng lễ nghĩa bây giờ nặng về hình thức, không ấm cúng như Tết xưa.

Thôi thì cũng do thời thế, tôi chỉ mong các địa phương có hình thức tổ chức, khôi phục lại một số trò chơi dân gian như đánh đu, chơi cờ tướng, kéo co, đánh vật… Nếu không tổ chức được rộng khắp thì làm điểm, sẽ góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ. Địa phương nào còn lưu giữ được thì càng đáng quý.

Diễn viên Thanh Hương: Vui Tết đoàn viên

Hương đi lấy chồng hơn 10 năm rồi, Tết chủ yếu là ở nhà chồng nhưng rất may bố mẹ chồng và chồng tâm lý nên năm nào cũng tạo điều kiện để Hương về ăn Tết với gia đình bên ngoại 2-3 ngày.

Những ngày chuẩn bị Tết, Hương và mọi người trong gia đình cùng chia việc, sửa soạn đón Tết. Sau đó, Hương sẽ ở nhà nội mùng 1, mùng 2-3 cả gia đình về Tết nhà ngoại, có thời gian hơn thì đi thăm thầy cô, bạn bè.

Với Hương, điều thú vị nhất của Tết là được tận hưởng không khí đoàn viên. Bố mẹ đẻ của Hương cũng đã chuyển lên Hà Nội mấy năm nhưng ngôi nhà ở phố Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) vẫn còn giữ.

Tết năm nào cả gia đình Hương cũng về Hải Dương để thắp hương tổ tiên. Đó là phong tục mà Hương cảm thấy ấm áp, thiêng liêng trong dịp Tết cổ truyền.

Vào những ngày Tết, Hương thích mặc áo dài, đi lễ chùa. 2019 cũng đánh dấu thêm một năm thành công của Hương vì mình được thử sức ở nhiều lĩnh vực, có những vai diễn mới, tham gia gameshow tạo được ấn tượng… Hương tạm cảm thấy hài lòng nên Tết này Hương muốn dành trọn vẹn cho gia đình.

Cứ nghĩ đến những ngày Tết bên nhau, cùng nấu những món ăn ngon, cùng nhau nhâm nhi một ly trà nóng, cùng ăn uống rồi xem ti vi… đơn giản nhưng ấm áp. Không khí này giúp mình cảm thấy được bù đắp rất nhiều sau một năm bận rộn, nhiều căng thẳng. Hương mong rằng ai cũng sẽ được hưởng trọn vẹn ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền là Tết sum họp, Tết đoàn viên.

Ca sĩ Thùy Chi: Bận đến mấy cũng về Hải Dương ăn Tết

Trong sâu thẳm con tim, khối óc mỗi người Việt thì dấu ấn về Tết cổ truyền có lẽ luôn đẹp nhất, sâu đậm nhất. Chi đã có rất nhiều kỷ niệm đẹp về Tết và sẽ theo Chi đến suốt cuộc đời. Cảm xúc nhất phải nhắc đến là Tết Ất Hợi 1995, năm đó Chi vừa lên 6 tuổi, bước vào lớp 1.

Chi được bố mẹ mua cho rất nhiều quần áo, váy mới, về thăm ông bà hai bên nội, ngoại. Đó cũng là năm cả họ mừng thọ ông bà nội bước sang tuôỉ80.

Năm ấy, bố của Chi đã làm tặng ông bà một thước phim tên là “Tám mươi mùa xuân cuộc đời”, ghi lại hình ảnh của ông bà và những người thân yêu trong gia đình.

Khi ấy dù còn bé nhưng Chi vẫn cảm nhận được tình cảm gắn bó, đầm ấm gia đình. Chi hiểu đó là phong vị Tết cổ truyền của người Việt mình. Thế nên, sau này lớn lên dù có ở đâu, bận thế nào thì Chi cũng đều cố gắng trở về Hải Dương đón Tết cùng gia đình.

Hải Dương bây giờ ngày càng phát triển, thành phố đang chuyển mình cùng nhịp điệu chung của đất nước. Tết bây giờ cũng đổi khác, từ trong cách ăn mặc, cách chơi, trong các hoạt động tinh thần của đa số người dân quê mình.

Đó là sự thay đổi theo hướng tiện nghi, hiện đại, giảm bớt cầu kỳ, rườm rà của các phong tục, lễ nghi, hướng tới sự thoải mái theo sở thích cá nhân. Tết vì thế cũng khác xưa. Chi vẫn luôn thèm ước có được những cảm xúc của cái Tết tuổi thơ nên mong muốn Tết cổ truyền được gìn giữ.

HUYỀN ANH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/tin-tuc/tet-co-truyen-voi-nghe-si-que-hai-duong-125538