Tết của đồng bào Thái
ĐBP - Hiện nay, dân tộc Thái chiếm gần 40% dân số toàn tỉnh. Do dùng lịch mặt trăng (âm lịch) nên người Thái cũng ăn tết trùng với tết Nguyên đán của người Kinh. Tuy vậy, tết của đồng bào Thái lại có những nét văn hóa đặc sắc riêng.
Phụ nữ Thái chơi trò Tó má lẹ.
Theo nghệ nhân Tòng Văn Hân, thì Tết của người Thái có một số yếu tố độc đáo mang tính bắt buộc như: Nhà nào cũng phải gói bánh chưng (bánh gù), khi luộc bánh thì phải luộc ngoài trời để cho các thần linh được hưởng cái hương thơm, cái tinh túy của bánh trước để phù hộ cho gia đình, con cháu. Mâm lễ cúng giao thừa của người Thái thường được bày rất nhiều món, trong đó là các nông sản, sản vật ngon nhất mà gia đình trồng được. Mỗi nhà đều mổ lợn để cúng tổ tiên, thần linh.
Ðêm 30 tết, hầu như mỗi gia đình người Thái đều thức thâu đêm để đón giao thừa, đèn luôn sáng, bếp luôn đỏ và hương trên bàn thờ tổ tiên không được tàn. Mọi người cũng chú ý lắng nghe xem thấy tiếng kêu của con vật gì trước để phán đoán vận hạn cho năm mới. Thời khắc giao thừa cũng là lúc đặt mâm lễ lên bàn thờ để cúng tổ tiên, cầu mong một năm mới an lành, gặp nhiều may mắn. Khi cúng xong, đồng bào dọn mâm để cả gia đình ngồi quây quần cùng ăn bữa cơm đầu năm mới. Bữa ăn có thể kéo dài đến 2-3 giờ sáng, họ vừa ăn, uống rượu và kể cho nhau những câu chuyện vui, dự định trong năm mới…
Sáng mùng một, mọi người dậy sớm đi lấy nước ở suối hoặc ở mó đầu bản để lấy lộc đầu năm. Người đi múc nước sẽ rửa mặt bằng nước năm mới rồi gánh nước về để cả nhà rửa mặt. Họ quan niệm rằng, nước là điều may mắn, đem lại sự sống, sự đầy đủ, sạch sẽ, tốt tươi nên ống nước cúng tổ tiên cũng phải được thay nước mới. Trong những ngày đầu năm, ai cũng vui vẻ, cởi mở trong không khí tưng bừng, ấm áp. Trẻ con, người già ai cũng được mừng tuổi, dù gặp nhau ngoài đường họ cũng hồ hởi bắt tay nhau và nói lời chúc tốt đẹp. Họ có thể nhập với nhau thành từng nhóm đông người để cùng đi đến các nhà trong bản chúc tết.
Theo tục lệ người Thái, trong mấy ngày tết, mỗi gia đình sẽ chọn một ngày để tổ chức ăn tết hay còn gọi là ngày cúng tổ tiên (sơ) để mời anh em họ hàng và người dân trong bản. Người Thái cúng tổ tiên theo lịch can chi (12 con giáp), có nơi 5 ngày cúng một lần, có nơi 10 ngày. Do vậy, nếu ngày cúng trùng một trong các ngày tết thì họ sẽ chọn đúng ngày đó để mời anh em họ hàng.
Tết, tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng khắp các bản, đặc biệt là buổi chiều và buổi tối sau khi mọi người đã đi chúc tết xong. Già trẻ gái trai cùng nắm tay nhau trong điệu múa xòe. Bên cạnh đó, họ cũng tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao và các trò chơi dân gian như: Tung còn, tó má lẹ... Các hoạt động văn hóa luôn diễn ra sôi nổi cho tới mùng 10 tết. Sau đó, mỗi gia đình lại bắt tay vào công việc với tinh thần vui tươi phấn khởi, tin tưởng một năm mưa thuận gió hòa, công việc thuận lợi, mùa màng tươi tốt.
Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/van-hoa/175246/tet-cua-dong-bao-thai