Tết của lao động Việt giữa Seoul 20 năm chưa thể về quê hương
Rời Việt Nam từ 20 năm trước, Tết Canh Tý 2020 là tết thứ 19 của vợ chồng ông Minh, bà Hoa tại Hàn Quốc. Hoàn cảnh éo le khiến hai người chưa thể trở về quê hương.
19h30 tối ngày 28 tháng Chạp, thủ đô Seoul chìm trong cái lạnh dưới 0 độ.
Người phụ nữ Việt dáng người nhỏ bé đi xuyên qua thành phố đông dân nhất Hàn Quốc, trở về nhà sau 10 tiếng đồng hồ ở công xưởng.
Làm nốt sáng mai nữa là nghỉ Tết, nhưng bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa* không vui. Năm nay xưởng kinh doanh không tốt lắm, bà lại là lao động bất hợp pháp nên không được đồng tiền thưởng nào, ngay cả chai dầu ăn làm quà cũng không có.
“Đang yên đang lành tự dưng lại Tết”, người phụ nữ trung niên đùa.
Nói là vậy, Tết đến vẫn phải có bánh chưng, khúc giò. Trong căn phòng gác mái rộng 12 m2, chồng bà Hoa đang nấu cơm đợi vợ và rửa lá dong, nắm đỗ xanh. Tối hôm nay, đôi vợ chồng lao động bất hợp pháp sẽ chuẩn bị một cái Tết nhỏ cho riêng mình. Cái Tết thứ 19 ở Hàn Quốc.
Gói bánh chưng giữa lòng Seoul
Tấm đệm xanh chiếm hết 1/3 diện tích căn phòng gác mái. Trong khoảng trống duy nhất còn lại, ông Trần Văn Minh*, chồng bà Hoa, ngồi giữa 4 kg gạo nếp, 2 kg lá dong còn chưa ráo sạch nước và đỗ xanh, thịt lợn làm nhân. Qua cuộc gọi video từ điện thoại, đôi bàn tay người đàn ông trung tuổi hiện lên khi đang cắt từng chiếc lá, xếp ngay ngắn vào khuôn.
“Khuôn tự chế đấy, bằng bìa các-tông”, bà Hoa nói với Zing.vn.
“Tự chế một lúc là được cái khuôn ấy mà, rồi dán băng dính vào”, chồng bà giải thích thêm.
Dịp Tết nhớ nhà, lại được nghỉ lễ nên những lao động Việt Nam tại Hàn Quốc như bà Hoa, ông Minh thường mua đồ gói bánh, làm giò thủ để có chút hương vị quê hương.
“Hồi xưa chỉ có lá chuối, mấy năm nay mới có lá dong. Bây giờ bên này mua bán cũng thuận tiện hơn trước, người ta mang đồ sang bán nhiều, đủ hết, kể cả mộc nhĩ nấm hương”, ông Minh nói, tay múc gạo đổ vào khuôn lót lá xanh.
Bà Hoa ngồi đối diện chồng, liệt kê chi tiết giá từng loại nguyên liệu: lá dong 9.000 won/kg (khoảng 8 USD), lạt 2.000 won/bó (khoảng 2 USD), mộc nhĩ 3.000 won/gói 2 lạng (khoảng 2,5 USD)…
Sang Hàn Quốc từ 20 năm trước nhưng không năm nào ông Minh, bà Hoa không có bánh chưng dịp Tết. Những năm đầu chỉ gói 2-4 chiếc, năm nay mới gói 8 chiếc. Hai người định sẽ đem cho bạn bè.
Ông Minh được nghỉ làm từ hôm qua. Năm nay chủ lao động của ông cũng không cho được đồng tiền thưởng nào. Tết buồn, nỗi nhớ nhà bắt đầu ùa về từ 23 tháng Chạp, ngày ông Công ông Táo.
“Ở nhà tôi có gói bánh bao giờ, sang đây mới thử. Chỉ là cố tổ chức ra chút gì cho vui, nhưng không thể nào quên đi được cái buồn đấy. Nồi bánh chưng tôi gói cũng méo mó lắm chứ có được vuông vắn đâu. Bày ra làm cho giết thời gian”, ông Minh giãi bày.
Những năm đầu, mỗi chiếc bánh chưng ông gói có một hình hài khác nhau, có chiếc thành hình chữ nhật. Lúc bóc ra, bên trong bánh lộn xộn hết cả, nhân không nằm giữa, “mọi thứ cứ tổng hợp ở trong đấy”.
Sau 19 cái Tết ở Hàn Quốc, ông gói cũng đẹp dần lên. Hồi mới sang, có một lần ông mua phải chiếc “bánh chưng thịt thối”.
“Nó thối quá, nên mới bảo không ăn nữa, đi mua đồ về gói. Nhưng ngày xưa bên này còn chưa có lá dong, tôi đi ăn bánh chưng nhà người ta, bảo người ta bóc khéo hai lớp lá bên ngoài, xin về gói được ba đồng bánh chưng bằng lá cũ. Ăn chán lắm. Lá tươi bánh chưng mới xanh, mới thơm”, ông Minh kể lại.
Ông ngồi chăm chút từng chi tiết nhỏ, từ đổ gạo, xếp đỗ, thịt, cho tới gấp lá, buộc lạt.
“Năm nào ông ý cũng làm hết, từ khâu chuẩn bị, tôi có biết gì đâu. Cắt lá cũng không biết cắt, sợ bị hụt”, bà Hoa miêu tả, tự cho mình “vô dụng” vì chẳng giúp được gì. Giữa căn phòng đang uốt mấy tiếng đồng hồ ngồi xem gói bánh, bà luôn cười nói hồ hởi khi kể về chồng, nét vui tươi toát lên.
“Vuông ra phết. Đấy, được một chiếc rồi”, người chồng cầm bánh giơ lên khoe với nụ cười tươi, như vừa đạt được “chiến lợi phẩm”.
“Về hay ở? Về hay ở?”
Vào năm 2001, khi ông Minh rời Việt Nam sang Hàn Quốc làm tu nghiệp sinh, ông và cả gia đình ở quê nhà không ai nghĩ tết năm đó là tết cuối cùng. Rồi đến hai thập kỷ sau, họ vẫn chưa được gặp lại.
“Vì tôi chuẩn bị đi nên tết đó ăn to lắm. Tôi về hết quê nội, quê ngoại chào mọi người. Cả nhà tổ chức ăn uống để cho tôi chuẩn bị đi. Cho đến tận bây giờ lúc nào tôi cũng nhớ hương vị cái tết cuối cùng đó, mọi thứ cứ in sâu mãi trong lòng”, ông kể.
“Lúc tôi đi ông bà nội thằng Thắng còn khỏe, tôi đi còn thanh thản”, ông Minh nói, đề cập đến con trai chung với vợ cũ, đang ở Việt Nam. “Giờ sau 20 năm, ông bà vẫn còn nhưng yếu quá rồi. Ông bị ung thư, tiểu tiện cũng khó khăn. Thế nên tôi rất buồn, lúc nào cũng suy nghĩ: ‘Về hay ở? Về hay ở?’”.
Ban đầu, ông Minh sang Hàn Quốc lao động hợp pháp nhưng được vài năm, gia đình ở nhà xảy ra biến cố. Ông mang một khoản nợ không biết khi nào mới trả đủ.
Suy sụp và chán nản, người đàn ông lúc đó tuổi còn trẻ lao vào chơi bời, cờ bạc, cho đến khi gặp bà Hoa. “Cô ấy là người tốt, đã kéo tôi ra khỏi con đường đấy”.
Nhưng khoản nợ vẫn còn đó. Không còn lựa chọn nào khác hơn, ông Minh quyết định ở lại Hàn Quốc “đi làm chui”. Hai mươi năm lao động nơi đất khách, ông làm đủ nghề, từ sửa chữa điện lạnh cho tới xây dựng công trình.
“Chỉ có vài năm gần đây là tôi làm để cho tôi, còn hơn 10 năm về trước chỉ làm để trả nợ”, ông Minh chia sẻ.
Trong thâm tâm người đàn ông trung niên luôn khát khao trở về quê hương nhưng chưa thể. Ông Minh nghĩ mình tuổi đã cao, giờ về “chẳng biết làm cái gì cho đời”. Thắng cũng đã trưởng thành, có thể tự lập. “Thôi thì vẫn còn sức khỏe, ở đây lao động thêm được ngày nào hay ngày đấy, sau này về đỡ khổ. Coi như hy sinh đời bố củng cố đời con”.
Xa bố từ năm 3 tuổi, cậu bé Trần Văn Thắng* ngày đó giờ đã tốt nghiệp loại giỏi một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội. Trong tâm trí, ký ức của Thắng về lần cuối gặp bố vô cùng mờ nhạt.
“Mình chỉ nhớ được khi ấy tiễn bố ra sân bay, được mẹ bế đứng nhìn qua cửa kính, thấy máy bay đang bay lên. Rồi có ai đó mua cho mình gói thịt bò khô ăn”, Thắng nói với Zing.vn.
Những cái Tết tiếp theo, hai bố con ở cách xa nhau hơn 2.700 km chỉ có thể gọi điện, nhìn nhau qua màn hình.
Sau 20 năm, Thắng nói không còn nhớ bố quá nữa. Biết bố phải ở lại làm việc, trả nợ rồi lo cuộc sống nên Thắng cũng không đòi hỏi bố về. Cô Hoa cũng khiến Thắng vui vẻ, yên tâm hơn về bố. “Cô quan tâm mình hơn mọi người trong nhà. Chắc vì cô thương bố nên cô cũng thương mình”.
“Đêm giao thừa tôi chẳng ngủ được tí nào”
Trong tâm trí ông Minh, thời điểm rời Việt Nam không tính bằng mốc ngày tháng mà luôn luôn là “năm thằng Thắng được 3 tuổi”. Suốt cuộc nói chuyện kéo dài vài tiếng đồng hồ, ông thường xuyên bắt đầu câu nói bằng hai từ “hồi xưa” mỗi khi hồi tưởng lại chuyện cũ. Có lẽ 20 năm là khoảng thời gian quá dài, kỷ niệm về những cái Tết vì thế cũng lộn xộn, tan hòa vào nhau.
“Những cái tết trước đông đủ anh em bạn bè lắm, nhưng càng về gần đây tết càng buồn”, ông Minh nói, gắp khúc giò luộc dở lên khoe. Miếng “thịt cuốn buộc lạt” vẫn còn nghi ngút khói. “Đây là giò thịt ba chỉ. Còn cái giò thủ xào tẹo nữa mới bó. Không có khuôn nên cứ xào lên rồi ấn vào chai nhựa là thành cái giò thôi. Có khi còn chắc, còn ngon hơn bó khuôn ấy chứ”.
“Mấy ngày trước ông ý cũng làm một cái giò. Nhưng khổ là chưa mua được lạt, lại không tìm được dây dứa thay. Thế là ông ý giặt thật sạch hai cái dây giày, đem ra buộc giò. Xong xuôi ông ý lại giặt thật sạch, xỏ lại vào giày”, bà Hoa vừa miêu tả vừa cười thành tràng.
“Bên này dù có bày ra tổ chức thế nào cũng không thể đầy đủ, chỉnh tề bằng ở Việt Nam, cứ làm cho có vậy thôi”, ông Minh tiếp tục câu chuyện.
Nhiều năm trước, bạn bè cùng trang lứa ở lại còn đông, cứ mỗi dịp Tết đến ông Minh ra trang trại mua gà, đặt con lợn 30 kg về bó giò, đón anh em đến chơi, tụ tập ăn uống. Đến bây giờ họ về gần hết, ông cũng bỏ dần tiệc tùng bởi trong thâm tâm không còn muốn nữa.
Bao nhiêu người anh em sang Hàn Quốc mới quen nhau rồi trở thành thân thích, sống với nhau như ruột thịt, đến khi họ về chỉ còn ông Minh ở lại. Mỗi lần có người nào về, ông Minh miêu tả mình “như bị khủng hoảng tinh thần, như mất đi một cái gì quý giá lắm”.
Năm nay, nhóm đồng nghiệp của ông cũng thịt lợn, mời vợ chồng ông đến ăn Tết. Nhưng như bà Hoa miêu tả, họ “toàn người trẻ, chỉ bằng tuổi con cháu, không hợp với lứa tuổi của mình”. “Tôi với ông ấy đến cũng không hòa đồng được, không thấy gần gũi. Ngồi đó nói chuyện chỉ thấy đơn độc, nên cũng ngại”.
Giao thừa năm nay, vợ chồng ông Minh sẽ đến nhà một người bạn ngoài Seoul. “Đêm 30 bên này tôi hầu như chẳng ngủ được tí nào. Mấy anh em ngồi uống rượu, nhớ về quê hương, rồi cứ trằn trọc vậy thôi”, ông Minh kể.
“Năm nào giao thừa, mùng 1 tôi cũng gọi điện về nhà. Ở quê gia đình có lệ tụ tập đến nhà ông bà cho đến hết sáng mùng 1, chúc Tết người già, mừng tuổi trẻ con…”, người đàn ông trung niên hồi tưởng rồi bỗng cúi đầu, lặng đi mất mấy giây.
“Nói đến Tết là lại nhớ nhà”, ông nói tiếp, cố kéo một nụ cười xuề xòa để che giấu cảm xúc như đang nghẹn lại, đọng lên từng nếp nhăn.
“Tết ở Việt Nam bây giờ chắc vui lắm”
Trong căn gác nhỏ giữa Seoul, người đàn ông hồi tưởng lại căn nhà nhìn ra cánh đồng lúa ở quê. Nhà hiện tại thuê với giá rẻ nên nhỏ hẹp, ông Minh cũng không tụ tập được đông bạn bè. Không chỉ riêng ông Minh, đa phần lao động bất hợp pháp đều ở trong những căn nhà như vậy để tiết kiệm chi phí.
“Như những năm trước tôi đi chúc Tết, mình đến nơi thấy nhà người ta đã chặt ních người, không nhét được thêm ai. Chẳng được như ở Việt Nam, nhà cửa rộng rãi, mọi người đến chơi thoải mái, còn đi ra đi vào, phòng nọ phòng kia”, ông Minh so sánh.
Nghĩ đến ngày về, ông tưởng tượng: “Ở Việt Nam bây giờ kinh tế khá giả hơn nhiều, Tết chắc vui lắm, đủ đầy hơn. Hồi xưa có chai rượu ngoại là quý lắm rồi”.
Seoul mùa này rất lạnh, không có màu xanh cỏ cây, nên ông Minh ước ao có một lọ hoa hay cây quất, cành đào bày trong nhà.
“Rồi còn thèm cả cháo lươn. Món ăn ngày Tết thì thèm xôi gấc”, ông Minh nói.
“Không biết bao giờ tôi mới có con dâu. Giờ tất cả chỉ còn mình thằng Thắng, nó lấy vợ chắc tôi cũng thu xếp về”. Câu nói của ông Minh bị bỏ lửng bởi chiếc bánh chưng cuối cùng đã gói xong.
Nồi chỉ đủ xếp 6 chiếc nên phải luộc làm 2 lần. Mỗi lần luộc hết 4 bình gas mini, tương đương 8 tiếng bánh mới chín. “Phải luộc thâu đêm. Đêm nay chắc ông ý thức trông bánh, còn tôi tẹo phải đi ngủ để mai ‘đi cày’”, bà Hoa nói.
Đêm nay là một đêm dài, ông Minh còn hai nồi bánh phải trông.
(*):Tên nhân vật được thay đổi để đảm bảo không ảnh hưởng đến nhân vật.