Tết của mẹ

QĐND Online - Thấm thoát cũng đã gần năm chục cái Tết trôi qua với tôi chứ không phải là ít. Nhưng cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, khi những cánh hoa đào nở, trong sâu thẳm lòng mình lại trào dâng, bâng khuâng nỗi niềm khó tả, nhớ về những cái Tết năm xưa nơi quê nhà yêu dấu.

Tết quê luôn in đậm trong tâm trí tôi bởi sự lo toan tươm tất của cả bố và mẹ dành cho anh em chúng tôi để có cái Tết đủ đầy hơn, nhất là với mẹ tôi. Vì vậy, những năm tháng ấy chúng tôi thường bảo “Tết của mẹ”.

Vào khoảng cuối thời kỳ bao cấp, đầu giai đoạn đổi mới, cuộc sống của nhiều gia đình ở nông thôn vùng ven sông Hồng quê tôi còn vô cùng khó khăn. Bốn anh em chúng tôi đều đang ở độ tuổi “choai choai”, ăn không biết no mà lo cũng chưa tới. Dù vậy, Tết nào bố mẹ tôi cũng chuẩn bị, lo xa nhiều thứ cho cả nhà ăn Tết. Mẹ tôi mong muốn cả nhà được ăn Tết bằng những thứ “cây nhà lá vườn”. Từ trước Tết vài ba tháng mẹ đã chủ động nuôi lợn hoặc đăng ký ăn đụng lợn với nhà hàng xóm; chăm vài con gà, để dành ít trứng; cấy lúa nếp, thu hoạch, phơi khô đợi ngày xay xát để gói bánh chưng. Mẹ thường nói với anh em chúng tôi, ngày Tết dù khó khăn đến mấy cũng không được thiếu một trong ba thứ: Bánh chưng xanh-dưa hành-thịt mỡ. Có lẽ vì thế nên mẹ tôi chuẩn bị ba món ăn trên rất cầu kỳ, vừa để cúng gia tiên vừa cho cả nhà thưởng thức.

Một gia đình ở Đại Từ, Thái Nguyên chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi (1959). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Một gia đình ở Đại Từ, Thái Nguyên chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi (1959). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Dưa hành mẹ thu hoạch ở ruộng về, rửa sạch, phơi tái vài ba nắng sau đó mới cho vào vại làm trước Tết độ mươi ngày. Mẹ rất có kinh nghiệm trong làm dưa hành. Dưa vừa trắng vừa giòn. Mẹ nghe ngóng thời tiết nếu rét đậm, rét hại dưa sẽ lâu được ăn thì phải làm với nước ấm. Còn thời tiết mà nắng ấm vào dịp gần Tết thì chỉ lấy nước sôi để nguội và muối trắng, làm sao cho dưa chín tới vào đúng mấy ngày Tết.

Xong dưa hành mẹ lại bắt tay vào lo món bánh chưng. Đây là món ăn cần nhiều gia vị và tốn nhiều thời gian, công sức nhất. Ngoài gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, hạt tiêu còn phải mua lá dong, lạt giang gói buộc cẩn thận. Gạo mẹ chọn mua là gạo nếp hạt tròn đều. Năm sau bao giờ mẹ cũng gói nhiều hơn năm trước. Mẹ bảo, nhà đông miệng ăn nên năm nào cũng phải gói 15-20 cân gạo. Lá dong tìm mua phải là loại lá bánh tẻ, lá đều, không già quá hoặc non quá. Cây giang và lá dong thường được mua ở vùng núi cao ở Yên Bái, Hà Giang. Mẹ mua giang về là bố miệt mài tranh thủ mấy buổi tối ngồi chẻ lạt, buộc thành từng xiên một treo sẵn trước hiên nhà từ độ ngoài rằm tháng Chạp. Lá dong được mẹ rửa và lau sạch úp vào một cái rổ. Ngày gói và nấu bánh chưng có lẽ là ngày rất vui nhất với cả xóm, đặc biệt là với lũ trẻ chúng tôi lúc bấy giờ. Cả xóm cùng nhau luân phiên đến gói bánh cho từng nhà, chuyện trò rôm rả làm vui nhộn cả xóm. Ngoài việc gói bánh vuông, bánh tày, bố mẹ và các bác hàng xóm thường gói cho mỗi anh em chúng tôi một chiếc bánh nhỏ. Loại bánh này luộc nhanh chín hơn và chúng tôi sẽ được thưởng thức ngay. Còn những chiếc bánh chưng to phải luộc âm ỉ từ 10-12 tiếng, dành để thắp hương và ăn dần trong chục ngày Tết. Có lần mẹ gần như thức trắng để trông nồi bánh chưng. Bất chợt đêm thức giấc tôi mới biết mẹ ngồi trực để tiếp nước, nhóm củi cho nồi bánh. Như giấu đi sự mệt mỏi mẹ vẫn bảo, mai sáng các con có bánh ăn rồi!

Ngày mổ lợn đụng với anh em và bà con xóm giềng cũng vui không kém gì ngày gói bánh chưng cả. Thường thì ngày 29 hoặc 30 tháng Chạp mẹ dậy từ sớm đun nước sôi, bố pha ấm trà nóng đợi những người đăng ký ăn đụng lợn đến tập trung mổ lợn, chia phần đủ các món. Sau đó, nhà nào nhà ấy í ới gọi nhau mang thịt lợn về chế biến để cúng bữa 30 Tết. Ngày cuối cùng của năm, dù bố và anh em chúng tôi làm nhiều việc nhưng mẹ vẫn tất tả ngược xuôi làm đến đêm mới đi tắm giặt. Bữa cơm tất niên bố mẹ thường nói chuyện như là việc “tổng kết” năm của gia đình. Nhưng mẹ thường bảo các con sang năm mới phải chăm ngoan hơn, học giỏi hơn.

Lớn lên, vào quân ngũ, ít khi được về chuẩn bị Tết với mẹ và gia đình, nhưng âm hưởng Tết quê - Tết của mẹ vẫn in đậm trong tâm trí chúng tôi.

Tản văn của ĐÀO DUY TUẤN

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=155469&title=tet-cua-me