Tết của người Mường

Tính cộng đồng rất cao của người Mường thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Những dịp Tết đến, xuân về, tinh thần ấy như là sự sâu thẳm của tâm linh và rạng rỡ nụ cười.

Ai mà biết được núi có từ bao giờ. Chỉ biết rằng lúc nào núi cũng trầm ngâm, tự tại. Ai đến với núi, núi cũng rộng lối cho thỏa thuê mà khám phá. Lộ thiên có, trầm tích có. Hỏi người đến có thực lòng? Núi không giấu ai điều gì. Núi mở lòng đón tiếp và chở che. Đến rồi đi là sự tất nhiên của cơ học. Đến rồi gắn bó là sự mong muốn của con người.

Người ngay đi tới đâu quang đến đấy, người gian thì ngược lại, như người miền núi nói: “Chưa nhấc chân thì tay đã kéo rong gai rào lối”. Đối với núi, ai đến, ai đi, cứ tùy. Đọng lại trong nhau thì quý. Bỏ nhau đi, núi cũng không bao giờ “rũ áo kiểm tra”. Ấy là phong thái của người quân tử.

Có nhiều người đến với núi rừng. Mỗi người ghi nhận núi rừng ở một góc độ. Riêng tôi, núi rừng có một vẻ đẹp quyến rũ và bền lâu. Nhất là tình người. Nhân dịp Tết đến, xuân về, tôi thổ lộ lòng mình với cách đón nhận và cư xử của cộng đồng người Mường Hòa Bình về Tết – nơi tôi được đắm chìm trong bạt ngàn văn hóa.

Trước đây, người Mường không phân tán ra nhiều cái Tết như những dân tộc khác. Cái Tết gốc của người Mường là Tết Nguyên đán. Từ Tết Nguyên đán tỏa ra Tết Khai hạ, Tết Cơm mới. Tết Khai hạ là Tết xuống đồng thường vào ngày mồng bảy tháng Giêng mở đầu cho một năm mới, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, người dân no ấm. Tết Cơm mới thường vào tháng mười âm lịch để tạ ơn trời đất phù hộ nên một năm sản xuất được mùa, những bát cơm thơm được dâng cúng trời đất, tổ tiên… Chỉ vậy, người Mường không cúng Rằm và ngày mồng một hằng tháng như người Kinh.

Đoàn sắc bùa đi chúc Tết - Ảnh Bùi Thanh Bình.

Đoàn sắc bùa đi chúc Tết - Ảnh Bùi Thanh Bình.

Cũng vẫn nằm trong đời sống văn hóa tâm linh, người Mường không có ngày giỗ riêng cho từng người. Hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán, người Mường có một lễ cúng chung cho tiên tổ. Thường vào các ngày từ 25 đến 27 tháng Chạp, con cháu theo bố mẹ tới phát dọn mồ mả các cụ rồi có trầu, hương xin phép thổ địa mời các cụ về ăn Tết cùng con cháu. Ngày này gọi là ngày làm Tết. Ra Giêng, mới làm mâm cỗ cúng thổ địa và chia tay các cụ về với Mường Ma tại nghĩa địa giống như ngày Thanh minh. Như vậy, không chỉ có Tết của người sống, mà người Mường còn có Tết của người đã chết ở Mường Ma.

Trong mâm cỗ cúng ngày Tết thể hiện rất rõ. Mâm cỗ chọn đủ các bộ phận của con vật mổ thịt, như thịt lợn chẳng hạn. Tất cả các bộ phận được thái rất mảnh, rất đẹp rồi bày trên mâm lá theo hình tròn kiểu rẻ quạt – cỗ lá. Ở giữa bày một ít xương băm, thịt nạc, ruột già. Phía trên của mâm lá, bày vài miếng gan quay ngược là để cho thần, cho người Mường Ma ăn. Trái với cho người sống ăn thì bày theo chiều xuôi.

Trên nhà sàn của người Mường, ban thờ chạy dài nhiều gian nhà ngoài và lấy cửa voóng (cửa sổ hướng chính) làm căn cứ để đặt mâm cúng. Theo đó, mâm ngoài cùng cúng bố, mẹ. Vì bố mẹ là gần nhất với gia chủ (tất nhiên người đứng cái là thế hệ cao nhất còn sống trong gia đình); mâm thứ hai đặt ở gian thứ hai cúng ông, bà; mâm thứ ba đặt ở gian trong để thờ cụ kỵ. Nếu biết phong tục người Mường, thì chỉ cần nhìn cách bài trí mâm cúng ngày Tết, là biết mâm ấy cúng những ai.

Thí dụ: Mâm cúng bố mẹ, ông bà thì chỉ có hai đôi đũa. Mâm cúng cụ, kỵ thì có một nắm đũa, người Mường gọi là “Cơm đống, đũa nắm”, ngụ ý thờ, cúng nhiều cụ, kỵ… mà con cháu không nhớ hết. Một điều đặc biệt là người Mường còn thờ cả bên ngoại. Ở voóng trong đặt mâm thờ tổ tiên bên ngoại, với cách nghĩ chỉ mình người đàn ông thì không thể sinh ra con người. Do đó các gia đình thờ cả bên nội, bên ngoại. Điều này hoàn toàn khác người Kinh và nhiều dân tộc khác chỉ cúng giỗ bên nội.

Khi các mâm lễ đã đủ, đã đặt vào đúng vị trí, ông mo thay mặt buổi lễ ra lệnh cho thắp hương. Trong khói tỏa hương trầm, ông mo bắt đầu hành lễ. Bài khấn gọi là lời mo rất dài, tỷ mỷ, con cháu như nhìn thấy tiên tổ đang về. Khi người ở Mường Ma đã về đủ, ông mo mời các vị rửa chân rồi trèo màn thang lên nhà. Mọi người yên chỗ thì mo mời uống nước, ăn trầu và trò chuyện, hỏi thăm nhau. Sau đó mời món nước thanh sạch để tráng miệng rồi vào bữa chính. Đa số các dân tộc khác ăn xong rồi tráng miệng, người Mường thì tráng miệng trước khi ăn.

Trong bữa ăn (tượng trưng) của các cụ ở Mường Ma về, ông mo thể hiện nhiều bài mời dí dỏm, súc tích như mời món này, món kia, xen vào các câu chuyện làm vui không khác gì đối với người sống. Khi các cụ “ăn” xong, ông mo khấn lại: “Cơm ăn không hết dậy thu vào sọt/ Rượu uống không hết dậy thu vào vò/ Thu hết lễ lạt con cháu dâng cho/ Mang về cho người ở Mường cái Ma. Rồi xin mời các cụ trở về Mường Ma. Con cháu ở lại xin được “rút mâm lui, lùi mâm xuống” để hưởng lộc của các cụ”. Lúc này, những miếng gan bày ngược cho người Mường Ma sẽ được quay xuôi cho người sống ăn.

 Gói bánh Tét ngày Tết - Ảnh Bùi Thanh Bình.

Gói bánh Tét ngày Tết - Ảnh Bùi Thanh Bình.

Những mâm cỗ được sắp xếp lại, đặt vào đúng vị trí. Tất cả con cháu xếp hàng đứng phía dưới làm động tác lạy kính bậc cao niên, ông bà, bố mẹ. Một người già có uy tín đứng lên cảm ơn con cháu và chúc một năm mới nhà nhà đoàn kết, ai ai cũng đều khỏe mạnh, làm ra nhiều lúa gạo, lợn, gà để cung phụng người già.

Người đại diện ngồi xuống, con cháu rửa tay bằng nước sạch, nếu trời lạnh thì pha nước ấm rồi bắt đầu ngồi mâm theo thứ bậc và giới tính. Đó là: “Đàn ông voóng ngoài/ Đàn bà voóng trong”. Và cách ngồi: “Con trai xếp bằng/ Con gái xếp mái” thì bắt đầu buông cỗ. Khách cảm ơn và chúc gia chủ:“Năm cũ đã qua/ Bước chân ra mùa năm mới/ Gia đình tổ chức cái bữa hôm nay/ Trước là dâng tổ tiên, thần thánh/ Để được phù hộ, bênh bao/ Cháu con mát mẻ, khỏe mạnh/ Dưới sân đầy lợn, đầy gà/ Đồng ruộng đầy lúa, đầy thóc/ Gấm vóc đầy cửa, sáng nhà…/ Sau lại còn có mâm cỗ nhắm/ Thết đãi chúng tôi là ông, là bà/ Là chú, bác, anh em/ Ăn uống nhờ no say/ Xin cám ơn nhiều nhiều”.

Chủ nhà đáp lại: “Vâng! Xin cám ơn lời đẹp, lời lành/ Mỗi năm một kỳ/ Lễ cũ không dám qua/ Lễ ma không dám bỏ/ Hôm nay thờ phụng tổ tiên/ Ơn các bố, các mế/ Các anh, các chị/ Còn về ở chơi/ Làm cho vui cửa vui nhà/ Lẽ ra phải có/ Đồ ăn thức uống/ Thết đãi anh em, họ hàng mới phải/ Nhưng đến bữa chẳng có gì/ Chút cơm khô, muối trắng/ Thấy sao/ Các bố, các mế/ Các anh, các chị/ Thương lấy gia đình chúng tôi/ Xin mời ở chơi, ăn uống”. Thế rồi trong bữa Tết, mọi người mời ăn, mời uống, chúc nhau rất vui vẻ.

Đặc biệt trong văn hóa chúc nhau, mời rượu của người miền núi nói chung, người Mường nói riêng rất bài bản. Lời chúc, lời mời đều là lời ví, đúm đối đáp với nhau. Những câu hát, câu mời vừa xa xôi, vừa gần gũi. Có khi cao độ, cuộc hát mời kéo dài nửa giờ mà chưa uống chén rượu. Chính trong những cuộc như thế, khách lạ thường bị say nếu không biết cách uống rượu của người Mường. Nếu nói là mình say thì người mời nói đó là “say tình, say nghĩa” chứ không phải say rượu. Thật đúng là“Câu mời bỏ bùa khách xuôi, khách ngược/ Vầng trăng bỏ bùa sừng rượu hây hây/ Tiếng gà mon men đêm ví đúm” là vậy.

Ngày nay đa số các gia đình người Mường Hòa Bình ở quê vẫn tổ chức cho cái Tết Nguyên đán và các bữa Tết bài bản như trên. Nhiều nơi đã khôi phục đi chúc Tết theo đoàn sắc bùa. Đó là một đội chiêng có nam, có nữ đến từng nhà tấu bài chiêng chúc Tết. Gia chủ rất vui mời đoàn sắc bùa chiêng trèo màn thang lên nhà ăn Tết, uống rượu và hát Mường đối đáp rất thông minh, tình tứ xao động khắp bản Mường. Ngày Tết khách đến chơi nhà, khi ra về đều được gia chủ biếu đôi bánh chưng dài hoặc bánh ốc (gạo nếp gói bằng lá cây chít giống như củ ấu) làm quà.

Kinh tế thị trường sôi động. Nhiều nơi ở miền núi đã “làng rừng đang phố”. Hiện tại nhà sàn truyền thống ít dần. Tuy vậy nhà sàn bê tông lại đang phát triển, nhất là tại huyện Lạc Sơn, Kim Bôi… Khi đời sống vật chất khá giả thì bà con lại quan tâm khôi phục đời sống tinh thần, mà rõ nhất là trong những ngày Tết, bữa Tết mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mường!

Linh Anh

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/tet-cua-nguoi-muong-630070/