Tết của những người 'bắt mạch' trời
19h một ngày cuối năm, không gian đặc quánh bởi màn đêm. Từng cơn gió lạnh buốt lùa qua những kẽ hở như cứa vào da thịt, chúng tôi theo chân nữ quan trắc viên đi đo lượng mưa và đo nhiệt độ nước, mực nước dưới sông Hồng. Đường từ trạm xuống sông chỉ khoảng vài chục bậc cầu thang nhưng khá dốc, trơn trượt. Ánh đèn pin lấp loáng di chuyển trên mặt nước bắt đầu cho một ca làm việc của những người 'bắt mạch' sông Hồng. Không gian tĩnh lặng giữa núi đồi đối lập hoàn toàn với không khí Tết đang lan tỏa khắp phố phường của Thủ đô.
Những người “đo” giông bão
Lúi húi với công việc chừng 15 phút, nữ quan trắc viên nhanh chân về phòng làm việc để thảo mã điện gửi về Đài khu vực. Mỗi lần như vậy diễn ra trong vòng 30 phút. “Là một quan trắc viên, lúc nào chúng tôi cũng phải tập trung vào công việc.
Có những ngày, ngoài trời mưa như trút nước, sét đánh ầm ầm nhưng cứ đúng giờ đó, anh em vẫn phải thực hiện ca trực. Bằng mọi cách phải có dữ liệu gửi đi đảm bảo đúng giờ, chính xác từng con số, bởi chỉ một sơ suất nhỏ cũng sẽ gây ra hậu quả khôn lường”, chị Trần Thị Hồng Hạnh, quan trắc viên trạm Thủy văn Sơn Tây nói. Chia sẻ về công việc của mình, chị Hạnh cho biết, công việc hàng ngày của một quan trắc viên là tiến hành đo lưu lượng nước, mực nước, nhiệt độ nước… dưới sông; hoàn thiện số liệu, sổ sách, đảm bảo số liệu được cập nhật liên tục 24/24h vào các bốt quan trắc: 1h, 4h, 7h, 10h… Đây là các khung giờ phải báo cáo theo quy chuẩn quốc tế và quy định chung của ngành. Sau đó tổng hợp, báo cáo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. “Công việc lặp đi lặp lại có phần tẻ nhạt nhưng nhiều khi nghĩ cảm thấy mình may mắn hơn những đồng nghiệp đang công tác ở các trạm thủy văn khu vực miền Trung như Thạch Hãn, Lý Sơn… Năm nay, mưa bão bất thường, họ thiệt thòi hơn nhiều so với chúng tôi”, giọng chị Hạnh trùng xuống, hướng mắt ra cửa sổ vào không gian đêm đen tĩnh lặng.
Năm 2020, miền Trung hứng chịu liên tiếp các cơn bão và áp thấp, gây mưa lũ rất lớn, với lượng mưa cao lịch sử, ngang mốc trận lụt lịch sử năm 1983. “Mực nước lúc 23h ngày 17/10/2020 trên các sông Hiếu tại trạm Đông Hà là 5,16m, trên báo động 3 là 1,16m; sông Thạch Hãn 7,38m, trên báo động 3 là 1,38m... Các sông khác ở Quảng Trị lên mức báo động 3 và trên báo động 3”... Những bản tin cảnh báo về tình hình mưa lũ trong cơn bão lịch sử số 9 được phát đi liên tục. Anh Phan Ngọc Tính, Trưởng trạm thủy văn Thạch Hãn, Đài khí tượng thủy văn Quảng Trị, cho biết, để có những bản tin đó, đội ngũ cán bộ thủy văn của trạm phải hoạt động liên tục 24/24h. Thời điểm đó, trên những con sông cuồn cuộn nước xiết, lũ càng cao, mưa càng lớn thì việc cập nhật dữ liệu càng phải thường xuyên, mà muốn có những con số ấy, người quan trắc viên phải ra sông đo đạc khi mà dòng nước dữ như muốn nuốt trọn cả tàu và người. Dẫu vậy, anh em động viên nhau vượt khó, quan trọng nhất là cố gắng có những con số chính xác nhất để gửi đi các cơ quan chức năng, cảnh báo lũ lụt, góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai…”.
Sông Thạch Hãn đoạn qua địa bàn phường An Đôn, thị xã Quảng Trị. Một trong những điểm xung yếu nhất trong lũ lụt cũng là nơi làm việc của những quan trắc viên thủy văn. Ngày mưa lũ dâng cao thì tần suất họ phải xuống sông nhiều hơn dù đó là đêm hay ngày, dù mưa gió hay bão bùng. Anh Trần Nghĩa Bình, quan trắc viên Trạm thủy văn Thạch Hãn, Đài Khí tượng thủy văn Quảng Trị, cho biết: “16 năm công tác ở trên hai con sông Gia Vòng và Thạch Hãn, có những đêm lũ lên nhanh, mọi người thì tìm nơi trú ẩn, nước xiết lắm chúng tôi vẫn phải xuống sông để cập nhật mức nước, cập nhật số liệu để gửi về cơ quan chuyên môn… Nguy hiểm không đếm hết được nhưng chúng tôi vẫn động viên nhau cố gắng hoàn thành tốt công việc”.
Tết thầm lặng
Trạm thủy văn Thạch Hãn có 7 người, hầu hết là ở các tỉnh xa như Đắk Nông, Nghệ An, Quảng Bình… mỗi năm quan trắc viên chỉ được nghỉ phép vài ngày để về thăm gia đình dịp Tết, nhưng sẽ phải nghỉ luân phiên. Anh Phan Ngọc Tính, Trưởng trạm thủy văn Thạch Hãn, chia sẻ: “Khi thời tiết có diễn biến phức tạp, vì nhiệm vụ anh em sẽ gác lại chuyện gia đình để tập trung cho công việc. Những ngày cận Tết, ai cũng mong muốn về đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên để đảm bảo tính chất công việc đặc thù, chúng tôi phải thường xuyên cập nhật số liệu. Công việc không được xao nhãng nhưng đêm Giao thừa, anh em cũng chuẩn bị mâm cơm Tết đủ đầy cầu mong mưa thuận gió hòa, may mắn”.
Trong không gian tĩnh lặng ở khu nhà công vụ lẻ loi giữa núi đồi, có những người âm thầm, lặng lẽ gắn cuộc đời mình với công việc đo nắng, đo mưa… để có những cảnh báo về thời tiết, góp phần giúp mọi nhà đón một năm mới bình an. Những người như chị Hạnh, anh Tính, anh Bình… họ không nhớ hết được những khó khăn, bao nhiêu lần đối mặt với nguy hiểm, sợ hãi, lo lắng trước sự giận dữ của thiên nhiên. Ngay cả những ngày lễ, Tết, họ vẫn lặng lẽ quan sát “tâm trạng” của đất, trời, “bắt mạch” sông nước. Tết đối với những quan trắc viên cũng lặng lẽ như chính công việc họ đang làm...
Ngoài kia, Xuân đang về!
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tet-cua-nhung-nguoi-bat-mach-troi-117794.html