Tết của những người lao động xa quê
Rời quê hương vào TPHCM mưu sinh, nhiều người lao động đã làm việc vất vả ngày đêm, mong cho cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn. Mỗi người một cảnh đời, một số phận khác nhau, nhưng trong họ đều đang háo hức, chờ đón khoảnh khắc được trở về đoàn viên, sum họp với gia đình nơi quê nhà.
Anh Trần Đình Vương (40 tuổi, đang tạm trú tại quận Gò Vấp, là công nhân Công ty Xây dựng Hòa Bình) tâm sự: “Vợ chồng tôi quê ở Quảng Bình, vào TPHCM làm phụ hồ đã 10 năm, nay đây mai đó. Do cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, nên phải vài năm hai vợ chồng mới về quê một lần. Lần gần nhất là năm 2016. Sắp tết, thấy thấm thía nhớ nhà, nhớ quê hương. Năm nay, gia đình tôi đã mua vé tàu từ 2 tháng trước. Cầm vé tàu trên tay, cứ nôn nao mong thời gian trôi qua nhanh để được đoàn tụ gia đình”.
Ở chung dãy trọ của anh Vương, chị Bùi Thị Hiền (25 tuổi, công nhân Công ty May Phương Nam) chia sẻ: “Quê tôi ở tỉnh Bình Định, vào TPHCM làm việc đã 2 năm nay. Năm trước, cuộc sống còn khó khăn nên không về quê đón tết. Từ nửa năm nay, tôi đã bỏ ống heo tiết kiệm tiền nên sẽ về thăm gia đình. Mấy ngày nay, tranh thủ khoảng thời gian rảnh, tôi đã đi mua ít bánh mứt để mang về làm quà, trang trí nhà cửa, bàn thờ tổ tiên. Có đi xa mới thấu hiểu được dịp tết có ý nghĩa như thế nào”.
Những ngày cận tết, tan ca làm, cứ về đến phòng trọ thì chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (39 tuổi, công nhân Công ty Parapex ở quận Bình Tân) lại cầm điện thoại gọi về thăm hỏi gia đình, bố mẹ ở quê nhà. Chị Hạnh kể: “Quê tôi ở Hà Nam, vào TPHCM làm công nhân đã 18 năm, dù đã quen với việc đi làm xa, nhưng cứ mỗi lần tết đến trong lòng lại nao nao nhớ gia đình, nhớ quê hương. Tết ở TPHCM vẫn có hoa đào, bánh mứt, bánh chưng, thịt kho tàu, nhưng rất buồn bởi thiếu đi khoảnh khắc đoàn viên, bữa cơm ngày cuối năm. Chỉ những người con xa quê hương mới thấu hiểu ngày tết sum họp quý giá đến nhường nào”.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tet-cua-nhung-nguoi-lao-dong-xa-que-641145.html