Tết của những người lính cứu hỏa
Ngày 30 Tết, đêm Giao thừa, 100% quân số chiến sỹ cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) Đội Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã đón Tết tại cơ quan để trực chiến, sẵn sàng thực thi nhiệm vụ khi có hiệu lệnh nhằm giữ một mùa Xuân bình yên, an toàn cho nhân dân.
“Đơn vị là nhà”
Tết đến, Xuân về, giữa lúc mọi người đang quây quần ấm áp bên nhau để đón chào khoảnh khắc Giao thừa thiêng liêng, thì cũng là lúc những chiến sĩ cảnh sát PCCC phải căng mình nhất. Các chiến sĩ PCCC quận Hoàn Kiếm (Hà Nôi) cũng vậy, nhất là khi đây là địa bàn quận luôn diễn ra nhiều sự kiện, lễ hội lớn của đất nước, đồng thời cũng là nơi có mật độ dân cư đông, nguy cơ cháy nổ xảy ra rất cao.
Từ tối 30 Tết, tức ngày 21/1/2023, hàng nghìn người dân thủ đô Hà Nội đã có mặt rất sớm tại Hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm) để nô nức xem bắn pháo hoa đêm Giao thừa, háo hức đón năm mới 2023 với sự kiện Countdown tại Quảng trường Cách mạng Tháng 8, trước cửa khu vực Nhà hát lớn thành phố Hà Nội. Để đảm bảo an toàn cho người dân, các chiến sỹ PCCC cùng lực lượng chức năng đã phải luân phiên kiểm tra, giám sát.
Mười một năm công tác tại đơn vị cũng là từng ấy thời gian, Thượng úy Nguyễn Viết Quân, sinh năm 1993 (Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ - Công an quận Hoàn Kiếm) không có mặt bên gia đình để đón Giao thừa. Đôi lúc, chiến sỹ Quân cũng có chút cảm giác bồi hồi, nhớ nhà, bố mẹ cùng vợ và con thơ. Thế nhưng, 11 năm đón Tết cùng đồng đội tại đơn vị, các chiến sỹ đều được lãnh đạo, chỉ huy đơn vị tạo điều kiện và chăm lo đời sống một cách đầy đủ nhất như tham gia gói và luộc bánh chưng, có mâm cơm tất niên với bánh chưng xanh, canh măng, chả giò, dưa hành… những món ăn truyền thống có trong bữa cơm ngày Tết của gia đình Việt.
Thượng úy Nguyễn Viết Quân hiện có 2 con nhỏ, cháu thứ 2 mới được hơn 10 tháng. “Đợt dịch bệnh COVID-19, tôi trực khá nhiều tại đơn vị nên cháu lớn gần 5 tuổi hay phàn nàn: Sao bố lâu về thế? Với đặc thù công việc, tôi cũng hay chuyện trò cùng con và bà xã để thêm hiểu và thông cảm nghề PCCC. Mọi người trong gia đình hóm hỉnh trêu: Lấy chồng là cảnh sát PCCC thì ‘đơn vị là nhà, nhà mình ở trọ’, Thượng úy Nguyễn Viết Quân chia sẻ với phóng viên báo Tin tức.
Theo chiến sỹ Phùng Nam Anh - cán bộ Đội Cảnh sát PCCC (Công an quận Hoàn Kiếm), lịch trực của các chiến sĩ cảnh sát PCCC kéo dài từ ngày 29 Tết, tức ngày 20/1/2023 đến hết ngày 6 Tết năm Quý Mão, ngày 27/1/2023. “Trong quá trình trực, chúng tôi luôn sẵn sàng xử lý mọi tình huống nhiệm vụ khi có yêu cầu”, chiến sỹ Phùng Nam Anh cho biết.
“Qua hoạt động gói và luộc bánh chưng, anh em trong toàn đội càng có cơ hội được gắn kết với nhau cũng như được hưởng không khí đón Xuân để vơi đi cảm giác nỗi nhớ nhà trong dịp Tết này. Trong quá trình trực, chúng tôi cũng thực hiện luân phiên 50% chiến sỹ đi làm, 50% chiến sỹ được nghỉ. Mỗi người một ngày trực, một ngày đi làm, tuy nhiên riêng 30 Tết, 100% quân số phải trực chiến tại đơn vị”, chiến sỹ Phùng Nam Anh chia sẻ.
Trước đó, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cũng tổ chức gói bánh chưng đón Tết vào ngày 28 tháng Chạp năm Nhâm Dần, tức sáng 19/1/2023, các chiến sỹ lại quây quần bên nhau trổ tài gói bánh chưng.
Đây cũng là dịp để các anh em đi trước hướng dẫn cho các chiến sỹ trẻ kinh nghiệm gói bánh chưng ngày Tết. Đơn vị hiện có 48 cán bộ chiến sỹ, trong đó có 7 chiến sỹ nghĩa vụ. Song song với việc gói bánh chưng, mỗi đêm các chiến sỹ vẫn phải ứng trực và đi kiểm tra an toàn PCCC tại các cơ sở trong khu vực.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, Thiếu tá Phạm Thị Hải Bình, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ, Công an quận Hoàn Kiếm chia sẻ: Khác với mấy năm trước, đặc biệt 2 năm bùng phát dịch bệnh, thời gian qua, tại quận Hoàn Kiếm diễn ra dày đặc các sự kiện, hàng tuần phố đi bộ ở Hồ Gươm; 2 trận địa bắn pháo hoa cho dịp Xuân Quý Mão 2023 nên công tác bảo vệ của các chiến sỹ cũng như lực lượng chức năng của quận Hoàn Kiếm càng vất vả.
“Nhân dịp Xuân Quý Mão, chúng tôi mong người dân tăng cường hơn nữa công tác tự bảo vệ mình, quản lý tài sản, nguồn lửa, nguồn nhiệt. Hiện địa bàn quận Hoàn Kiếm có rất nhiều ngõ nhỏ, phố cổ. Tại cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn cần phân công người trực hợp lý để xử lý kịp thời khi có phát sinh sự cố cháy nổ”, Thiếu tá Phạm Thị Hải Bình chia sẻ.
“Nghề chọn người” và lời chúc mong người dân nâng cao ý thức PCCC
Năm 2022 được xem năm sóng gió của lực lượng PCCC. Vụ việc 3 chiến sỹ của Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ quận Cầu Giấy hy sinh khi thực thi nhiệm vụ đã để lại nỗi tiếc thương không chỉ cho người nhà, đồng đội mà còn cả người dân Việt Nam.
Chính vì vậy, các chiến sỹ PCCC Việt Nam đều mong mỏi người dân trên cả nước nâng cao hơn nữa ý thức PCCC, phối hợp tích cực với lực lượng chức năng trong việc thực hiện tốt mô hình “Hộ gia đình an toàn PCCC theo phương châm Bốn tại chỗ”, đó là chỉ huy tại chỗ, lực lượng, phương tiện và hậu cần tại chỗ, trong đó lực lượng chữa cháy tại chỗ chủ yếu là người dân.
"Sau Giao thừa, cảm giác được về quê ăn Tết, dù chỉ 1 ngày cũng khiến chúng tôi, các chiến sỹ PCCC cảm thấy rất xúc động. Ở quê, ông bà, bố mẹ và người thân đều duy trì tới nhà nhau để chúc Tết nên thèm lắm cảm giác sum vầy. Tuy nhiên, vì nhiệm vụ cao cả, dù có nguy hiểm, dù có không ít lần 'được' người thân khuyên chuyển công việc nào an toàn hơn, nhưng chúng tôi luôn xác định 'nghề chọn mình' là công việc PCCC luôn là niềm tự hào của các chiến sỹ, là nghề được nhân dân yêu quý, nghề nhân đạo, cứu người", Thượng úy Nguyễn Viết Quân chia sẻ.
Mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân đã yêu cầu UBND các phường xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác PCCC năm 2023, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC bằng nhiều nội dung và hình thức phong phú, nâng cao ý thức, nhân thức của nhân dân trong công tác PCCC.
“Duy trì hoạt động của đội dân phòng tại tổ dân phố đáp ứng với yêu cầu và phương châm ‘4 tại chỗ’; đồng thời phải rà soát và trang bị đầy đủ phương tiện cho lực lượng này theo đúng quy định của Bộ Công an, có hình thức kiểm điểm đối với Chủ tịch UBND phường không chỉ đạo thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước tại địa phương; không tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ giai đoạn ban đầu khi xảy ra cháy, nổ trên địa bàn; đặc biệt xem xét xử lý trách nhiệm đối với các vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại về người...”, ông Nguyễn Anh Quân cho biết.
Về công tác xã hội hóa về PCCC tại địa bàn quận Hoàn Kiếm, lực lượng chức năng đã vận động được 100% hộ gia đình tạo lối thoát nạn, cửa dự phòng tại ban công, lồng sắt, chuồng cọp và hướng dẫn lập phương án chữa cháy; 22.778/34.351 hộ dân trên địa bàn phường đã tự trang bị bình chữa cháy (đạt tỷ lệ 66,31%).
Theo thống kê, hằng năm có khoảng 50% tổng số vụ cháy xảy ra tại các hộ gia đình. Nguyên nhân gây cháy chủ yếu là do người dân sơ suất bất cẩn trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt (đun nấu, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã…); chất dễ cháy (xăng dầu, gas, cồn, hóa chất…); sử dụng điện (hệ thống điện, thiết bị điện) không an toàn… Do đó cơ quan Công an khuyến cáo người dân, các hộ gia đình cần nâng cao kiến thức và kỹ năng cơ bản để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trong các hộ gia đình.
Khi xảy ra cháy phải nhanh chóng báo động cho mọi người xung quanh; nhanh chóng ngắt nguồn điện; sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu (như bình chữa cháy xách tay, họng nước chữa cháy vách tường, chăn chiên…); đồng thời gọi ngay số điện thoại 114 báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, đồng thời tích cực tổ chức chữa cháy, cứu người bị nạn...