Tết của những phụ nữ làm công việc chăm sóc cho người đã khuất

Với những người phụ nữ làm công việc chăm sóc mộ phần, trong những ngày Tết, họ vừa trọn vẹn việc sửa biện lễ vật, dâng cúng bàn thờ gia tiên, vừa lo trọn cho những mộ phần không quen biết, không thân thích nơi nghĩa trang cô quạnh.

Chị Bạch Thị Cúc (SN 1979, ở xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) là nhân viên chăm sóc, dọn dẹp mộ phần tại công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình) gần 10 năm nay.

Cũng ngần ấy thời gian, chị Cúc vừa tự tay sắm những trái cây, gói kẹo, cành hoa, chuẩn bị những mâm cơm tươm tất nhất để dâng lên bàn thờ gia tiên, vừa dâng những mâm lễ, nén nhang cho các mộ phần ở nghĩa trang.

Với những người phụ nữ làm công việc chăm sóc mộ phần, trong những ngày Tết, họ vừa trọn vẹn việc sửa biện lễ vật, dâng cúng bàn thờ gia tiên, vừa chăm sóc cho những mộ phần không quen biết, không thân thích nơi nghĩa trang cô quạnh. Ảnh: Bảo Loan

Với những người phụ nữ làm công việc chăm sóc mộ phần, trong những ngày Tết, họ vừa trọn vẹn việc sửa biện lễ vật, dâng cúng bàn thờ gia tiên, vừa chăm sóc cho những mộ phần không quen biết, không thân thích nơi nghĩa trang cô quạnh. Ảnh: Bảo Loan

Năm nay, chị Cúc may mắn không phải "trực" những ngày đầu năm mới nhưng vào những ngày đầu kỷ nghỉ Tết (trước giao thừa), chị Cúc vẫn phải trọn vẹn với công việc nhiều năm tại các ngôi mộ.

Những ngày đầu của kỳ nghỉ Tết, chị Cúc tỉ mẩn đặt từng viên gạch xuống khuôn viên mộ phần mới để chuẩn bị làm nền và trồng cỏ tạo cảnh quan.

Chị Cúc cho biết, những công việc đo đất, đặt đá là của đàn ông nhưng do khối đá không quá nặng và cũng không cần trộn vữa, trát xi nên chị Cúc kiêm luôn phần việc này.

"Chỉ cần giăng dây, đặt viên đá xuống từng ô đất đã định sao cho cân bằng, phẳng là được", chị Cúc vừa nhướn mắt đo tỉ lệ cân bằng, vừa cho hay.

Theo chị Cúc, người Việt có tâm niệm "trần sao, âm vậy". Khi ở còn sống mong muốn được ở trong một ngôi nhà, nơi ở thoáng mát, sạch sẽ thì khi rời sang thế giới bên kia, cũng mong mỏi được an táng ở một nơi mát mẻ, sạch sẽ.

Bởi vậy, công việc chăm sóc, làm đẹp mộ phần ra đời với mong muốn giúp các gia chủ trọn việc đạo hiếu.

Những ngày đầu của kỳ nghỉ Tết, chị Cúc tỉ mẩn đặt từng viên gạch xuống khuôn viên mộ phần mới để chuẩn bị làm nền và trồng cỏ tạo cảnh quan. Ảnh: Bảo Loan

Những ngày đầu của kỳ nghỉ Tết, chị Cúc tỉ mẩn đặt từng viên gạch xuống khuôn viên mộ phần mới để chuẩn bị làm nền và trồng cỏ tạo cảnh quan. Ảnh: Bảo Loan

Theo chị Cúc, với các gia đình ở xa như ở nước ngoài, gia chủ sẽ "giao" lại những phần việc bày biện mâm lễ và thắp nhang tại mộ phần cho nhân viên nghĩa trang.

Không chỉ hỗ trợ các gia chủ trọn việc đạo hiếu tại mộ phần vào các ngày rằm, mùng 1, lễ, Tết, nhân viên nghĩa trang kiêm luôn cả những công việc tưới cây, cắt cỏ, lau chùi, dọn dẹp sạch sẽ khuôn viên mộ phần.

Chị Bùi Thị Ngân (34 tuổi, ở xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) cũng là nhân viên chăm sóc mộ phần tại công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên.

Sở dĩ chị Ngân lựa chọn công việc này cũng bởi nghĩa trang chỉ cách nhà chị 3km. Chị Ngân cho biết, trước đây, khi nghĩ đến những công việc trong khuôn viên nghĩa trang là nghĩ ngay đến những người lớn tuổi. Bởi chỉ những người lớn tuổi mới đủ bản lĩnh, đủ can trường để làm công việc chăm sóc "nơi an nghỉ của người đã khuất".

Chị Bùi Thị Ngân (34 tuổi, ở xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) là nhân viên chăm sóc mộ phần tại công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên. Ảnh: Bảo Loan

Chị Bùi Thị Ngân (34 tuổi, ở xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) là nhân viên chăm sóc mộ phần tại công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên. Ảnh: Bảo Loan

Đến nay, chị Ngân đã có gần 6 tháng bắt tay vào công việc chăm sóc nhà của người đã khuất. Bởi vậy, biết đến và gắn thời gian với công việc này, chị Ngân tin rằng vào chữ "duyên".

Chị Ngân cho biết, do làm theo ca 8 giờ một ngày nên những ngày cận Tết Nguyên đán, để không bị ùn việc nhà, chị Ngân đã tranh thủ thời gian ngoài giờ làm việc để mua sắm hàng hóa, bánh kẹo cho ngày Tết.

"Tranh thủ thời gian ngoài giờ làm việc, tôi đã mua tất cả những thực phẩm, bánh kẹo, mứt, trái cây cho ngày Tết. Khi xong công việc dọn dẹp, bày biện mâm lễ, thắp nhang ở từng phần mộ ngoài nghĩa trang, tôi về nhà là chỉ việc bày mâm ngũ quả, dâng lên bàn thờ", chị Ngân cho hay.

Theo chị Ngân, làm công việc chăm sóc mộ phần đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ, chỉn chu, tận tâm và định kỳ.

"Vì liên quan đến mộ phần nên chúng tôi không được phép để xảy ra sai sót, phải đặt chữ tâm lên đầu. Cũng vì đòi hỏi sự tỉ mỉ, chỉn chu mà những người phụ nữ trẻ, mới lập gia đình như tôi thấy mình trưởng thành hơn", chị Ngân cho hay.

Bảo Loan

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/tet-cua-nhung-phu-nu-lam-cong-viec-cham-soc-cho-nguoi-da-khuat-172230120194601554.htm