Tết của tôi: Làng ở trong tôi
GNO - Về quê, ghé quán cà phê góc chợ ngồi với mấy đứa em. Chủ quán là một thầy giáo dạy Văn cấp 3 cùng ngồi chuyện trò. Bàn bên cạnh là mấy chàng trai trẻ cũng là người trong làng nhưng khi được thầy giáo hỏi có biết chú này không thì họ không nhận ra tôi.
Mà cũng phải thôi, tôi đi học xa làng rồi ở lại luôn phố thị làm việc và sinh sống cũng đã ngót ba chục năm. Hồi đó chắc họ còn chưa ra đời...
Mỗi năm tôi về làng cũng nhiều lần nhưng cũng về nhanh rồi đi, nhiều lắm là vài ba ngày mà cũng chỉ loanh quanh trong ngôi nhà cũ và con đường xóm nhỏ của tôi mà thôi.
Làng tôi đã thay đổi nhiều từ cảnh quang, nhà cửa cho đến lối sinh hoạt của mỗi người mỗi nhà. Quán xá mọc lên nhiều, xe cộ rầm rập qua mấy con đường chính như phố. Buổi sáng, ghé ăn quán bún đầu làng hỏi chủ quán vốn là cô bạn học cùng lớp năm xưa - răng con khe Làng chừ ít nước rứa hè - mới biết là do hai bên bờ khe Làng đã lát bê tông kiên cố, lòng khe rộng hơn nên nước dưới khe nhìn ít đi cho dù đang là mùa mưa...
Xa làng ngót mấy chục năm, nhưng cái cảm giác ở trong làng, là người của làng của tôi chưa bao giờ đánh mất. Lạ lắm, chạy xe trên con đường quốc lộ 49, chỉ cần chạm địa phận làng tôi là tự nhiên có cảm giác khác hẳn; hơi hám, hương vị, âm thanh của làng nó đánh thức trong tôi bao nhiêu gần gũi, ân cần... Tôi khoan khoái hít vào lồng ngực cái dưỡng khí đó và trong lòng như thầm reo lên: “Về đến làng rồi!”.
Bởi vậy, trong bộn bề cuộc sống, có những khoảng thời gian sống chậm lại là tôi lại nhớ làng. Cái cảm giác nhớ làng thường là vào những buổi chiều cuối năm gió bấc hiu hiu báo tết đang về. Tôi nhớ con đường nhỏ dẫn vào xóm tôi, ở đó có ngôi nhà nhỏ và những người thân yêu ruột thịt của tôi nay đã khuất bóng trần gian. Những dấu chân trâu đọng thành vũng nước trên con đường dẫn vào xóm Kế của tôi tưởng chừng vô tri vô giác nhưng bây chừ đã trở thành một khoảng nhớ vơi đầy của tuổi thơ tôi.
Còn nữa, những cơn mưa dầm kèo dài lê thê mấy ngày và khí lạnh giá nên hơi bốc lên thành những màn khói mỏng từ những đụn rơm trong vườn nhà và mấy sợi nấm rơm mọc lên từ đó. Mới 5 giờ chiều mà trời đã tối, mấy con chim trời bay lẻ kêu bầy nghe tội nghiệp và ánh sáng của những ngọn đèn dầu leo lét trong từng mái tranh như làm ấm lại tiết trời lạnh giá...
Cuối năm làng vào vụ cấy. Cây lúa ngoài đồng mới cắm xuống bùn chấp chới theo ngọn gió đông. Chập choạng tối, sau một buổi ruộng, người cùng trâu bước vội về nhà. Những bếp lửa được đốt lên thơm mùi khói quyện cùng mùi ruốc kho... Ba tôi ngồi bên bếp, hong khô chiếc áo ngoài đã đẫm nước. Ông cũng không quên ngồi tính lại ruộng đã cấy được bao nhiêu sào, có kịp để xong xuôi trong vài ngày tới hay không mà còn lo chuyện dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mứt bánh đón tết...
Bà nội ngồi hút thuốc lá Phong Lai, đếm lại mấy đồng tiền lẻ bà mới bán được mấy bó chè xanh sau buổi chợ. Mạ lúi húi nêm nếm chuẩn bị mấy món ăn cho cả nhà...
Và bây chừ tôi mới sực nhớ rằng hơi hám, mùi vị của làng trong tôi chính là bữa cơm cuối năm dưới ngọn đèn dầu. Bữa cơm tối trong tiếng con chim vạc kêu tìm bầy, trong âm thanh nhịp nhàng của tiếng gõ mạn đò từ sông Ô Lâu vọng lại, trong âm thanh láo nháo của lũ heo gà vịt đòi ăn, giành nhau chỗ ngủ. Trước sân nhà, mấy bụi thọ đã thắp nụ chờ tết về. Bữa ăn không có những thức, những vị cao sang nhưng luôn thấm tháp từ bàn tay và tấm lòng của mạ nấu cho cả nhà. Đó cũng là thời gian ấm áp nhất những ngày cuối năm cũ của tôi...
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/tet-cua-toi-lang-o-trong-toi-post54911.html