Tết của tôi : Mở lòng để nội ngoại đều có Tết

T

GNO - Năm nay là tròn ba năm tôi ăn ết nhà chồng. Đã biết cuốn nem theo cách nhà chồng, nêm nếm bữa ăn theo khẩu vị nhà chồng, sắp mâm cơm cúng theo đúng cách nhà chồng. Và cũng biết thế nào là cô đơn ngày Tết khi xa vắng những người ruột thịt trong khoảnh khắc xuân về.

Khéo léo thu xếp bằng sự cảm thông, chia sẻ và thấu hiểu thì ngày Tết vẹn tròn - Ảnh minh họa

Giao thừa đầu tiên ở nhà chồng ra ngõ nhìn pháo hoa bắn bên sông, len lén đưa tay lau nước mắt. Lòng tự hỏi không biết giờ này ở nhà ngoại có ai thức đón giao thừa cùng mẹ hay không? Bố làm bảo vệ phải đi trực đêm. Anh và em trai có thể đã đi ngủ sớm vì men rượu từ bữa tất niên. Chị em dâu có lẽ cũng như mình, đang ngồi nhớ những cái Tết sum vầy trong lý ức. Khi những chùm pháo hoa rực rỡ tắt lịm trên bầu trời, tôi đi vào nhà cầm điện thoại lên thấy mấy cuộc gọi nhỡ của mẹ. Bấm máy gọi lại, giọng mẹ nghèn nghẹn hỏi “Tết bên ấy có vui không con?”

Cái Tết đầu tiên về nhà chồng loanh quanh trong bếp. Từ bếp nhà chồng đến bếp nhà bà nội chồng, bếp anh em bên chồng. Tay chân lúc nào cũng nhơ nháp dầu mỡ, thịt thà. Quần áo toàn mùi chả nướng, nem rán. Tay chân nứt nẻ, ửng đỏ không rõ vì trời lạnh, vì suốt ngày ngâm trong nước nóng hay vì ngồi bếp sưởi củi lửa cháy bùng bùng. Lúc bận rộn thì mệt mỏi nhưng cứ hễ nhàn rỗi tay chân là thấy lòng trống trải, nỗi nhớ ùa về. Lòng tự hỏi không biết giờ này ở nhà bố mẹ đã vớt bánh chưng chưa? Mấy anh chị em chắc đã về đông đủ? Mấy đứa cháu xách tòng teng cặp bánh chưng nhỏ xíu nô đùa vang từ nhà ra ngõ. Bếp ở nhà chắc cũng đang đỏ lửa, mẹ tất bật xào nấu chuẩn bị cỗ tất niên. Vậy mà mình còn ngồi ở nơi đây nấu những món ăn khác khẩu vị, ngồi chung mâm với những ấm cúng chưa kịp thân quen. Thôi thì cứ đốt lửa lên…

Từ lúc về làm dâu nhà chồng tay mình hay nhóm lửa. Có lúc không phải để nấu món gì. Cũng không phải vì cần sưởi ấm. Chỉ đơn giản là nhóm lên cho bớt cô đơn. Dường như chỉ có ngọn lửa là không phân biệt gần gụi hay lạ xa. Cứ nhóm lên là có bạn. Là thấy được những ngón tay gầy guộc và đen sạm của mẹ đang bẻ củi. Là thấy món bò sốt vang đang bốc hơi nghi ngút, thứ mùi vị dễ khiến người ta đói đến cồn cào. Ra vườn hái ít rau xà lách, cải chân là vào có món rau sống nhúng sốt vang ngon tuyệt. Góc bếp thì luôn có rành khoai. Thấy lửa to thì khơi ít than đỏ nướng khoai. Khách thân thiết đến chơi Tết không cần ngồi bàn pha nước rót chè, cũng chẳng thử uống thứ cà phê đắng chát. Níu nhau ngồi quanh bếp, chuyện tếu cười vang, đãi nhau món khoai nướng thơm lừng. Khoai giống gì mà lắm mật, chưa chạm môi đã thấy ngọt lòng. Giờ nhóm lửa lên là thấy cả những nhớ nhung thiếu thốn âm ỉ trong lòng.

Rồi mình thấy thương mấy chị em dâu trong nhà. Họ đã nhiều tết không được làm cỗ tất niên, đón giao thừa cũng bố mẹ anh em ruột. Họ đến nhà mình luống cuống, dè dặt học cách làm dâu con hiếu thảo. Họ cũng nén đâu đó tiếng thở dài nhớ nhung, tủi thân sau nụ cười buồn hiu hắt đầu môi. Mình cũng đã từng vài lần bắt gặp họ ngồi chống cằm lặng im bên bếp lửa, tay khời than, mắt đăm đăm nhìn đống tro tàn bên cạnh. Hóa ra đó là hình ảnh của bà, của mẹ, của mình. Và biết đâu sẽ là của cả đứa con gái đang nằm trong bụng mình. Phận làm dâu vui vay khóc mướn đâu có gì lạ. Rồi ân hận nhẽ ra mình phải thương chị em dâu nhiều hơn nữa như là một cách để tự thương mình. Giờ này biết đâu ở nhà mình họ cũng đang ngồi nhóm bếp. Tết ở nhà chồng, may mà có lửa…

Bố chồng mất sớm. Hai em gái chồng đều đã yên bề gia thất. Nhà chỉ còn mẹ chồng vào ra sớm tối. Nên tôi không dám nghĩ đến việc đón Tết ở nhà ngoại vì chẳng lỡ để mẹ chồng lủi thủi một mình. Chỉ mong sao ba ngày Tết cũng kịp về nhà ngoại sum vầy với người thân. Kịp vào bếp nhóm lên ngọn lửa ấm áp, nấu cho những thương yêu ruột thịt những món ăn ngon. Kịp nghe tiếng bát đũa lao xao trong căn bếp thân quen mình đã được mẹ chiu chắt tình thương nêm nếm những món ăn yêu thích.

Thật ra Tết vui nhất không phải ngày mồng một, mồng hai. Với tôi hết mồng một là Tết đã tàn. Tết chỉ thực sự nôn nao từ ngày 23 tháng Chạp cúng ông Công, ông Táo. Đến những ngày giáp Tết chộn rộn gói bánh, dọn nhà ngày Tết, đi chợ Tết, cúng tất niên… Những ngày bận rộn mà cũng đầm ấm nôn nao ấy đàn bà thường quanh quẩn nhà chồng. Nhà chồng mà dễ tính thì mồng hai Tết cho con cháu dắt díu nhau về ngoại. Có nhà còn giữ con dâu đến tận hôm hóa vàng, Tết đã tàn đến tận cõi âm mới thả con dâu về ngoại.

Năm ngoái chồng tôi đi làm xa, Tết cũng phải ở lại trực không được về nhà. Tôi ở nhà chồng đến mồng 2 Tết thì xin phép về nhà ngoại nhưng mẹ chồng không cho đi. Dù con gái, con rể của bà ở gần đều đã qua lại thăm bà từ giao thừa, mồng một. Bà nói “con đi thì lấy ai nấu nướng thắp hương. Con gái đi lấy chồng thì phải lo xong việc nhà chồng rồi đi đâu mới đươc đi”. Tôi chỉ nhẹ nhàng bảo với bà “Tết bà mong con gái cháu ngoại thế nào thì bố mẹ con cũng mong ngóng con như thế. Nếu để mấy hôm nữa mới về thì mọi người đã ra đồng làm việc hết rồi. Con chơi Tết với ai?” Tôi rất sợ những quan niệm cổ hủ dẫn đến thói “độc đoán” của nhà chồng. Bắt con dâu phải thế này thế kia mà không thèm quan tâm xem con gái người ta làm dâu nhà mình có sống vui không? Hạnh phúc không? Tôi cũng sợ những bà mẹ chồng hà khắc với con dâu với lý do “ngày xưa mẹ làm dâu khổ lắm”. Đấy là nguyên nhân dẫn đến việc mẹ chồng luôn thấy con dâu sướng hơn mình ngày trước nên cứ phải “nén cho chặt”.

Tôi thường nói với chồng: “Tết mà, nghĩ thoáng ra để mọi người cùng vui. Nội ngoại hai bên đều có công sinh thành, dưỡng dục. Đều ao ước mấy ngày Tết con cái sum vầy. Khéo léo thu xếp bằng sự cảm thông, chia sẻ và thấu hiểu thì ngày Tết vẹn tròn. Phân chia nội ngoại làm chi để cả năm có mấy ngày Tết mà lòng như mắc cửi. Để phụ nữ nhiều khi sợ Tết…”.

Vũ Thị Huyền Trang (Phú Thọ)

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//bandoctoasoan/2020/01/21/32c2d8/