Tết - cuộc tranh cãi quốc tế chưa có hồi kết
Việt Nam chúng ta, Trung Quốc và Hàn Quốc và nhiều nước khác ở châu Á vừa qua kỉ nghỉ năm mới theo lịch mặt trăng. Đây là kỳ nghỉ dài, có lúc và có nước nghỉ đến 10 ngày.
Đây cũng là dịp các gia đình sum họp sau một năm xa cách do phải làm việc ở những chỗ khác nhau trong một nước, thậm chí là ở nước ngoài. Đây là hoạt động có ý nghĩa văn hóa, truyền thống và ẩm thực của từng nước.
Kỳ nghỉ này được gọi là Tết ở Việt Nam, Hội Xuân ở Trung Quốc (Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore cũng dùng từ này do kỳ lễ này được người gốc Trung Hoa tham gia là chính), Seollal ở Triều Tiên. Tuy nhiên, do thói quen người nước ngoài vẫn thường gọi chung đó là Năm mới Trung Quốc (Chinese New Year). Đã có rất nhiều tranh cãi về từ này do kỳ nghỉ này có nguồn gốc từ Trung Quốc và ảnh hưởng của Trung Quốc với các nước láng giềng.
Những người ủng hộ cho việc dùng từ năm mới theo lịch mặt trăng thường lập luận rằng, năm mới theo lịch mặt trăng được chào đón ở nhiều nước, mỗi nước có cách ăn mừng riêng, ẩm thực riêng, lịch sử riêng. Tất cả những đặc điểm riêng này bị đồng nhất bằng từ "Năm mới Trung Quốc".
Trong khi đó, nhiều người cho rằng dùng từ "Năm mới Trung Quốc" không còn thích hợp vì dù có nguồn gốc từ Trung Quốc, kỳ nghỉ này đã phát triển thành của riêng mỗi nước và mỗi nước đều có từ riêng.
Một sự kiện gây tranh cãi gần đây nhất là thông báo của Bảo tàng Anh về buổi biểu diễn của một nhóm nhạc truyền thống. Ngày 12 tháng Một vừa qua, bảo tàng đã chia sẻ trên mạng Twitter: "Hãy cùng chúng tôi mừng năm mới Triều Tiên theo lịch mặt trăng với buổi biểu diễn làm mọi người say mê". Ngay sau đó, nhiều thành viên của mạng Twitter đã phản ứng mạnh mẽ. Một người đã viết rằng: "Đó là Năm mới Trung Quốc". Bảo tàng Anh đã phải xóa tin nhắn twitter đó đi. Ngày 22 tháng Một, ngày đầu tiên của năm lịch mặt trăng, Bảo tàng Anh đã đưa lên Twitter ảnh của một bức tranh Trung Quốc với dòng chữ "Happy New Year" và sau đó là lời dịch ra tiếng Trung. Một giải pháp sáng tạo, làm vừa lòng nhiều người.
Những người am hiểu truyền thống và chính trị của thế giới cho rằng cuộc tranh cãi về sử dụng từ này có hai mặt: xung đột bản sắc văn hóa giữa các nước châu Á và môi trường địa chính trị hiện tại. Điều này giải thích cho cố gắng của các nước châu Á xác lập và gìn giữ bản sắc văn hóa độc lập của mình.
Ví dụ như Tết là hoàn toàn Việt Nam, có phong tục tập quán, ẩm thực riêng. Tết Việt Nam có lẽ còn biết đến hơn vì Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 được mô tả tương đối cặn kẽ trong cuốn TẾT của Don Oberdorfer xuất bản ở Mỹ.
Về phần mình, tôi cho rằng tốt nhất là dùng từ thích hợp cho mỗi dân tộc hoặc dùng một từ chung nhất có thể là từ New Year bằng tiếng Anh để tránh mọi sự hiều nhầm hay mọi định kiến dân tộc chủ nghĩa.
Trong khi chờ cuộc tranh cãi này ngã ngũ, nhiều người tìm cách dùng từ để chiều tất cả các bên. Thủ tướng Canada Jusstin Trudeau đã làm điều này trong dịp năm mới vừa qua. Ông đã có lời chúc: "Thay mặt tất cả người dân Canada, tôi và vợ tôi là Sophie chúc tất cả những người đang mừng năm mới Triều Tiên một năm thỏ nhiều hạnh phúc và sức khỏe". Sau đó, ông lại chúc riêng cộng đồng người Việt Nam ở Canada Tết Quý Mão đầy hạnh phúc. Lời chúc thứ ba tiếp sau là "新年快樂" (chúc mừng năm mới), cùng với lời chúc mừng năm mới được viết bằng tiếng Trung đã được La-tinh hóa. Chắc chắn lời chúc mừng năm mới với các cộng đồng khác nhau bằng nhiều ngôn từ khác nhau của ông Trudeau đã làm tất cả các cộng đồng đều hài lòng.