Tết đặc biệt giữa bầu trời của nam tiếp viên hàng không
Trong thời gian gắn bó với nghề tiếp viên hàng không, anh Trần Ngọc Trung trải qua những cái Tết giữa bầu trời với những cảm xúc rất đặc biệt.
Tình yêu trên những chuyến bay
Đến nay, anh Trần Ngọc Trung gắn bó với nghề tiếp viên hàng không được 5 năm, trong đó có 3 năm không được đón Giao thừa cùng bố mẹ.
Anh Trung đùa rằng, chẳng cần sắm sửa quần áo đón Tết, vì những ngày đó đều mặc đồng phục bay. Tết Nguyên đán 2023 cũng không ngoại lệ, anh đón năm mới ở Nhật Bản.
Nhắc lại cơ duyên đến với nghề tiếp viên hàng không, anh Trung cho biết, bản thân đã chọn ngã rẽ đúng. Năm 2017, Trần Ngọc Trung đang làm việc ở lĩnh vực ngân hàng, tình cờ thấy bài viết của người bạn cùng đại học, đăng ảnh mặc đồng phục tiếp viên Vietnam Airlines.
Ngay lúc ấy, anh Trung nghĩ mình cũng đủ điều kiện nên thử theo nghề xem sao, và năm 2018, khi Vietnam Airlines mở đợt tuyển ở Hà Nội, anh đã không bỏ lỡ cơ hội.
Sau 5 năm vào nghề, nam tiếp viên hàng không lưu giữ rất nhiều kỷ niệm đặc biệt. Trong chuyến bay vào tháng 4/2020, khi máy bay chuẩn bị cất cánh, nam tiếp viên nhận thông tin có khách nằm cáng do bị tai biến.
“Vị khách đặc biệt ấy đi cùng chồng. Cả hai người lớn tuổi hơn bố mẹ tôi. Người đàn ông kể vợ chồng ông vào Đà Nẵng chơi với con, thế nhưng, cả hai vừa đến hôm trước thì hôm sau vợ ông bị tai biến. Vợ chồng ông phải bay ngay về Hà Nội để nhập viện điều trị”, anh Trung kể.
Điều khiến anh Trung ấn tượng suốt chuyến bay ấy là tình yêu mà vợ chồng hành khách dành cho nhau. Những khoảnh khắc ấy khiến chàng trai trẻ hiểu thêm được giá trị của tình thân.
Anh Trung nói: “Thực sự, tôi không làm được gì nhiều để giúp đỡ cô chú ngoài việc làm đúng vai trò của một tiếp viên hàng không. Tuy nhiên, hình ảnh chú nắm tay cô, rồi thủ thỉ "bà yên tâm, mình sắp về nhà rồi" khiến tôi rất xúc động”.
Những cái Tết giữa bầu trời
Mỗi lần đón Giao thừa trên không trung đều khiến anh Trung xúc động và ấn tượng. Tuy nhiên, nam tiếp viên nhớ nhất là Tết năm 2019 trên chuyến bay CXR-PEK-CXR.
Anh Trung chia sẻ: “Trước khi đi làm, tôi ăn cơm tất niên với gia đình một cách vội vã. Mọi người chúc mừng năm mới và động viên tôi an tâm hoàn thành nhiệm vụ”.
Vào những ngày cuối năm, tổ bay luôn được cung cấp thêm bánh chưng, dưa hành, hoa đào… Các nữ tiếp viên còn được phép mặc áo dài tự chọn với màu sắc rực rỡ, tăng thêm sự tươi vui cho những chuyến bay.
Hành khách trên các chuyến bay đón Giao thừa vui vẻ gửi cho nhau những lời chúc mừng năm mới. Trong không gian ấm áp ấy, bài hát Happy New Year vang lên báo hiệu một năm mới cận kề.
“Đó là lần đầu tôi không được đón Giao thừa cùng người thân. Thế nhưng, đón Tết ở độ cao 36.000ft cũng rất thú vị. Dù phải xa gia đình ở thời khắc quan trọng của năm mới, nhưng bù lại tôi nhận được lời chúc mừng của những hành khách trên chuyến bay, đó là cảm xúc thật hạnh phúc. Tôi thấy tự hào với nghề tiếp viên hàng không của mình”, anh Trung chia sẻ.
Trong ký ức đón Giao thừa trên các chuyến bay, anh Trung vẫn nhớ rất rõ kỷ niệm lần đầu tiên được hành khách lì xì.
Khi đó, một nữ hành khách đã lì xì cho nam tiếp viên và tổ bay mỗi người 10 Nhân dân tệ kèm theo lời chúc mừng năm mới vui vẻ, hạnh phúc và may mắn.
“Số tiền không lớn nhưng khi nhìn hành khách lì xì với những lời chúc chân thành, tôi rất xúc động. Đến bây giờ mỗi lần nhìn lại tờ tiền được lì xì ấy tôi vẫn thấy rất hạnh phúc”, anh Trung nói.
Theo anh Trung, ngành nghề nào cũng có những đặc thù và nghề tiếp viên hàng không cũng thế. Anh luôn trong tư thế sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bất kể nắng mưa, sáng chiều hay lễ tết.
Anh Trung chưa lập gia đình nên có phần thuận lợi hơn các đồng nghiệp phải xa con cái, người thân vào dịp Tết đến. Trên những chuyến bay ấy, anh thường nghe đồng nghiệp kể về nỗi nhớ con cái, vợ chồng… Thậm chí, có người không cầm được nước mắt, lén khóc một mình.
Tuy nhiên, công việc tiếp viên hàng không mang lại cho anh Trung và các đồng nghiệp cơ hội đưa những người con xa xứ về nhà. Nhìn hành khách hạnh phúc, những tiếp viên hàng không biết mình đã hoàn thành nhiệm vụ.