Tết đặc biệt trong đời binh nghiệp của một Anh hùng!
Trong đời binh nghiệp, Thượng tướng-Viện sỹ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu - nguyên Thứ trưởng bộ Quốc phòng đã trải qua những cái Tết đặc biệt.
Sẵn sàng cầm súng bảo vệ Tổ quốc
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đặc biệt nhớ về cái Tết năm 1965. Khi ấy, chàng trai Nguyễn Huy Hiệu mới 17 tuổi, với khát vọng, nhiệt huyết của tuổi trẻ. "Có lẽ đó là cái Tết vui nhất và cũng là cái Tết chia tay bạn bè để lên đường nhập ngũ. Khi đó, tôi cũng như các thanh niên trong làng đều háo hức, hừng hực khí thế, sẵn sàng lên đường. Non sông đang chia cắt 2 miền, lứa tuổi 17 - 18 như chúng tôi nguyện cầm súng chiến đấu, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước", ông bồi hồi nhớ lại.
Tướng Hiệu kể tiếp: "Những thanh niên nhập ngũ năm ấy được mời ra hiệu ảnh Chương ở Chợ Cồn (Hải Hậu, Nam Định) để chụp hình làm kỷ niệm. Dù chưa được cấp phát quân phục, nhưng chúng tôi được mượn bộ quân phục mặc rất đẹp, nghiêm trang. Mỗi người đều có một tấm ảnh chân dung mang về để lại cho gia đình, treo trong nhà. Đón Tết xong, tháng 2/1965, chúng tôi lên đường nhập ngũ.
Lúc bấy giờ, khắp làng quê chăng cờ hoa, tết lá dừa, treo khẩu hiệu "Đảng Lao Động Việt Nam muôn năm!", "Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!". Trong lễ tòng quân, các bạn gái trong thôn thường mang những chiếc khăn tay có thêu đôi chim bồ câu, gói thêm vài nhành hoa bưởi để đem tặng người lính mà mình thương nhớ. Trong khi đó, các tân binh thì thường hái vài nụ hoa ép trong một cuốn sổ để tặng lại bạn gái ở quê nhà. Họ còn làm thơ tặng nhau, gửi gắm tình cảm, với niềm tin sẽ chiến thắng trở về đoàn viên... Những ký ức ấy tôi không thể nào quên!".
Vừa đón Tết, vừa đánh giặc
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã tham gia 67 trận đánh ác liệt trên chiến trường, ông là vị tướng trưởng thành từ người lính nghĩa vụ mang quân hàm binh nhì. Những năm tháng ở chiến trường, Nguyễn Huy Hiệu đã kề vai sát cánh cùng đồng đội, lập nhiều chiến công. Qua hồi ức của ông, có những cái Tết vừa đón Xuân, vừa đánh giặc không thể nào quên.
Tết Mậu Thân 1968, ông cùng đồng đội đón Tết trong khi hành quân, chuẩn bị cho Tổng tấn công. Để khích lệ tinh thần cho bộ đội, nhất là đối với chiến sĩ trẻ, chương trình làm báo tường được phát động. Các chiến sĩ hưởng ứng rất nhiệt tình, khí thế. Các bài báo, bài văn, bài thơ được sáng tác, đăng lên đều hừng hực khí thế, thể hiện tinh thần quyết chiến quyết thắng, lạc quan yêu đời của những người lính trẻ, động viên nhau khi đón Tết phải xa nhà, đó là vì lý tưởng cao cả... Nguyễn Huy Hiệu, khi đó đang giữ cương vị Trung đội trưởng, đã làm bài thơ Tết xa quê mẹ. Thật thú vị là bài thơ được các anh em yêu thích, ai cũng thuộc lòng, đọc cho nhau nghe trong suốt thời gian đón Tết ở rừng.
"Khi tiếng pháo Giao thừa nổ vang, cuộc tấn công của quân ta ở các đô thị như: Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng... diễn ra, tin vui thắng trận liên tiếp báo về, khiến cho các chiến sĩ phấn chấn tinh thần, cảm thấy vui không thể tả xiết. Lúc ấy, anh em hào hứng đọc cho nhau nghe bài thơ chúc Tết của Bác Hồ "Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/Thắng trận tin vui khắp nước nhà/Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta". Nghe thơ chúc Tết của Bác và nghe tin thắng trận liên tiếp, anh em chúng tôi ôm chầm lấy nhau, hát vang trong rừng, hái hoa dại tặng nhau... để bày tỏ niềm vui, tin tưởng vào cách mạng, chuẩn bị tinh thần chiến đấu cho giai đoạn tiếp theo", Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu hồ hởi nhớ lại.
Nhắc về mùa Xuân, về những cái Tết, vị Tướng nói: Đối với ông, trong cuộc đời quân ngũ còn có một cái Tết nữa thực sự sâu đậm, không thể nào quên. Đó là Tết 1975. Trước đó, khi chiến dịch Tây Nguyên nổ ra thì Binh đoàn Quyết Thắng vẫn đang huấn luyện ở miền Bắc và chờ lệnh sẵn sàng chiến đấu. Nguyễn Huy Hiệu và đồng đội được ở miền Bắc đón Tết, chuẩn bị tâm lý, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm vào trận là quyết thắng giải phóng miền Nam.
Lúc bấy giờ, Nguyễn Huy Hiệu đang là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 (còn gọi là Trung đoàn Triệu Hải anh hùng) của Sư đoàn 320B, Quân đoàn I. Theo phân công của cấp trên, đơn vị vẫn làm nhiệm vụ đắp đê ở Yên Khánh (Ninh Bình) để nghi binh địch. Nhìn bề ngoài, địch không thể ngờ rằng chúng ta đang chuẩn bị mở chiến dịch lớn.
Ngày 18/3/1975, đơn vị của Nguyễn Huy Hiệu nhận được lệnh của cấp trên, đưa toàn bộ Trung đoàn 27 lên tàu và xe ô tô, hành quân thần tốc vào Đông Hà (Quảng Trị). Khi đơn vị của ông và các đơn vị bạn hành quân đến đèo Ăng-bun (trên đường Trường Sơn) thì nhận được bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đài 15 oát với nội dung: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!".
Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu tự hào nhớ lại: "Sau khi nghe xong mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các chiến sĩ đều quên hết mệt mỏi, tiếp thêm ý chí để hăng hái tiến về tiền tuyến... "
"Cuộc hành quân thần tốc Mùa Xuân năm 1975 được coi là có 1 không 2 để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Nếu theo đúng kế hoạch ban đầu thì đến năm 1976 chúng ta mới giải phóng miền Nam, tuy nhiên, khi mặt trận Tây Nguyên bùng nổ làm rung chuyển quân địch, tạo thế và lực mới cho ta, Bộ Chính trị và quân ủy Trung ương đã uyển chuyển lãnh đạo trận đánh, thừa thắng xông lên, đưa tổng lực vào giải phóng miền Nam một cách nhanh chóng, thống nhất đất nước. Đây chính là tài thao lược của Đảng và Trung ương".