Tết đến, nỗi lo cháy nổ từ việc đốt vàng mã

Tết Nguyên Đán là thời điểm người dân thực hiện phong tục đốt vàng mã, tuy nhiên, việc này lại tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, nhất là khi đốt ngoài đường, vỉa hè, gần khu dân cư.

Vào dịp Tết, nỗi lo hỏa hoạn do đốt vàng mã luôn thấp thỏm trong các khu dân cư đông đúc. Thói quen đốt vàng mã ngay trước nhà hoặc trong hẻm chật hẹp, nơi dễ bắt lửa, khiến nguy cơ cháy nổ tăng cao. Chỉ cần một tia lửa nhỏ bay ra, gió lớn thổi qua, đám cháy có thể bùng lên, đe dọa tài sản và tính mạng của nhiều người.

Dù đã có cảnh báo, nhưng sự bất cẩn của một số hộ gia đình khiến không ít người dân luôn thấp thỏm lo sợ mỗi khi thấy khói vàng mã bay lên.

Tiểm ẩn nguy cơ hỏa hoạn

Chia sẻ với PV, bà NTL, sống tại phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM, không giấu được nỗi lo lắng mỗi khi thấy hàng xóm đốt vàng mã trong khu dân cư đông đúc.

“Tết năm trước, gia đình ông H sống cách nhà tôi vài căn, đốt vàng mã ngay trước sân nhà. Do gió lớn, tàn lửa bay vào một chậu cây khô gần đó, bốc cháy dữ dội và chỉ vài phút sau, ngọn lửa suýt lan lên mái che bằng nhựa của nhà bên cạnh. Nhờ có người dân phát hiện kịp thời và dùng bình chữa cháy mini dập lửa nên hậu quả nghiêm trọng đã được ngăn chặn” - bà L chia sẻ.

Bà L mong mọi người có ý thức hơn, bởi một lần bất cẩn có thể trả giá bằng tài sản, thậm chí là tính mạng của cả cộng đồng. Sự việc khiến cả khu phố thêm phần cảnh giác, nhưng nỗi lo vẫn còn đó khi thói quen đốt vàng mã vẫn chưa được kiểm soát triệt để.

Tương tự ông LVT, sống tại phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại vụ hỏa hoạn suýt xảy ra ngay trong hẻm nhỏ nơi ông sống. Rằm tháng Chạp năm trước, hàng xóm đối diện nhà ông T tổ chức đốt vàng mã sau khi cúng. Do sơ ý, chủ nhà để đống giấy vàng mã cháy quá lớn, lửa bén sang một tấm bạt che gần đó, làm bùng lên đám cháy lớn. Ngọn lửa chỉ được dập tắt sau khi hàng xóm hô hoán và sử dụng nhiều xô nước để khống chế.

Ông T lo lắng: “Hẻm này chật hẹp, nhà cửa san sát nhau, nếu đám cháy lan rộng thì hậu quả sẽ rất khó lường. Cứ mỗi dịp lễ lớn là tôi lại lo lắng vì nhiều gia đình không cẩn thận khi đốt vàng mã”. Ông cũng bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương tăng cường nhắc nhở và hướng dẫn người dân cách cúng lễ an toàn để tránh những sự cố tương tự.

Cẩn trọng khi đốt vàng mã

Luật sư Phùng Thị Huyền, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết trong trường hợp chưa xảy ra thiệt hại về tài sản, sức khỏe hoặc tính mạng của người khác, tại khoản 3 Điều 35 Nghị định 144/2021 quy định mức phạt tiền từ 3- 5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nguồn lửa ở những khu vực có quy định cấm. Tuy nhiên, về phòng cháy chữa cháy hiện không có quy định cụ thể về việc lòng đường, vỉa hè là khu vực cấm sử dụng nguồn lửa, trừ khi một số địa phương có quyết định cấm sử dụng lửa tại các khu vực này.

Về mặt lý thuyết, cơ quan chức năng vẫn có thể vận dụng quy định xử phạt hành vi gây cản trở giao thông theo điểm b khoản 5 Điều 12 Nghị định 100/2019 để xử lý hành vi đốt vàng mã trên lòng đường, vỉa hè. Cụ thể phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4-6 triệu đồng đối với tổ chức.

 Hình ảnh người dân vô tư đốt vàng mã gây nguy cơ hỏa hoạn. Ảnh CTV

Hình ảnh người dân vô tư đốt vàng mã gây nguy cơ hỏa hoạn. Ảnh CTV

Theo LS Huyền, trên thực tế, việc xử phạt hành vi đốt vàng mã ngoài lòng đường, vỉa hè vẫn còn nhiều khó khăn, phần vì thiếu các quy định rõ ràng để áp dụng, phần vì liên quan đến tính chất tâm linh, quan niệm dân gian của người Việt.

Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để người dân giảm dần việc đốt vàng mã, đặc biệt cảnh báo về nguy cơ cháy nổ từ việc đốt vàng mã ngoài lòng đường, vỉa hè. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật và tiến hành xử lý các hành vi vi phạm vào thời điểm thích hợp để đảm bảo an toàn, trật tự trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy.

Bên cạnh đó, khi việc đốt vàng mã dẫn đến cháy nổ, gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác, thì người thực hiện hành vi hoàn toàn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 10 triệu đồng theo Điều 50, Điều 51 Nghị định 144/2021, thậm chí có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự.

Người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong PCCC và CNCH, tự trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH. Thực hiện nghiêm các quy định, nội quy an toàn PCCC và CNCH.

Khi phát hiện cháy phải nhanh chóng báo động cho mọi người xung quanh; ngắt nguồn điện; sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu để dập lửa.

Đồng thời, báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, số điện thoại 114 (sử dụng ứng dụng Help 114) và tích cực tham gia chữa cháy, cứu người, cứu tài sản…

Công an TP.HCM

THẢO HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tet-den-noi-lo-chay-no-tu-viec-dot-vang-ma-post830992.html