Tết Đoan Ngọ nghĩ về 'sâu bọ' tâm hồn
Tết Đoan Ngọ đâu chỉ thông thường ở mục đích diệt trừ sâu bọ, bệnh tật. Trong cái sâu thẳm văn hóa ấy, là thời khắc để mỗi người nhìn lại mình, diệt trừ trong mình những ích kỷ, tham lam và cố chấp.
Năm nay, Tết Đoan Ngọ mùng 5/5 âm lịch diễn ra giữa lúc dịch Covid-19 đang hoành hành. Ít tụ tập hơn, nhiều gia đình cũng không thể đoàn viên con cháu xa gần. Thế nhưng, vì là Tết nên mọi việc diễn ra vẫn theo những thông lệ cổ truyền tốt đẹp.
Đã có thời gian, nhiều người phản kháng với Tết Đoan Ngọ. Họ cho rằng, đó là văn hóa ngoại lai, phát xuất từ Trung Quốc để tưởng nhớ tới ông Khuất Nguyên gieo mình xuống dòng Mịch La.
Thực tình thì ở Trung Quốc, giai thoại này được cho là đúng. Để ma quỷ không lại gần được thi thể của Khuất Nguyên, người nước này đã đánh trống, vẩy nước bằng mái chèo để tỏ rõ sự tiếc thương một người trung nghĩa.
Nhiều người nước ta, thấy sự trùng hợp của Tết Đoan Ngọ với ngày giỗ - Tết Đoan Ngọ bên Trung Quốc thì lại nhầm lẫn. Họ không biết rằng, ở châu Á nhiều nước cũng có ngày Tết Đoan Ngọ - và giống như Việt Nam, sự phát xuất cốt lõi không hề liên quan gì đến văn hóa Trung Quốc.
Ở nước ta, Tết Đoan Ngọ còn được gọi với cái tên khá dân dã đó là ngày “giết sâu bọ”. Hiểu đơn giản, đây chính là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng. Cũng là thời khắc nhìn lại bản thân, “bắt sâu bọ” tâm hồn.
Vào năm 1942, GS Nguyễn Văn Huyên từng cho đăng trên tạp chí Indochine số 95 một bài viết rất sâu về Tết Đoan Ngọ. Ông nói rằng, đó là thời khắc đánh dấu thời điểm khi khí dương lên tới đỉnh cao nhất, khí âm bắt đầu xuất hiện.
Người ta có nhiều hoạt động ngăn chặn bệnh tật, từ lấy thuốc cỏ cây cho đến đeo bùa. Tiến hành giết sâu bọ sống trong ruột bằng cách ăn hoa quả đào, mận, xoài, dưa hấu, rượu nếp…
GS Nguyễn Văn Huyên cũng khẳng định, Tết Đoan Ngọ thực là lễ kỳ lạ nhất trong lịch sử của người Việt. Đó là văn hóa Việt Nam, có tầm quan trọng hàng đầu trong tôn giáo dân gian.
Việc giết sâu bọ, thực ra chỉ là “cái cớ nhỏ” của ngày Tết. Điều quan trọng nhất, cũng là mục đích chính của Tết Đoan Ngọ là nhìn lại bản thân, diệt trừ “sâu bọ” trong tâm hồn mình. Đó là thói ích kỷ, tham lam, tính cố chấp và các tật xấu gây họa cho mình và cộng đồng.
Thế nhưng, có mấy ai hiểu được ý nghĩa thật. Cho nên, vô tình nét văn hóa dân gian dần thành một cái cớ để ăn nhậu, như uống bia rượu để diệt giun sán. Và rồi, trong khi lãng đãng say sưa người ta tưởng lầm, mình đang theo một tập tục văn hóa ngoại lai.
Nếu như Nhật Bản coi Tết Đoan Ngọ là thời khắc các bé trai “vượt vũ môn”. Hàn Quốc trân trọng ngày này và đề nghị công nhận là “di sản văn hóa phi vật thể”. Còn ở nước ta, chẳng lẽ Tết Đoan Ngọ chỉ quẩn quanh ở việc tranh cãi “của Ta hay Tàu”?! Và chìm đắm trong cuộc bia rượu, để quên đi tâm hồn mình đang trống rỗng – đang khuyết đi một nét văn hóa tiên tổ.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/tet-doan-ngo-nghi-ve-sau-bo-tam-hon-iswqsDg7g.html