Tết Độc lập của những người con quê Bác tại Gia Lai

Như một lời hẹn ước, 2-9 hàng năm, những người con của mảnh đất Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) hiện sinh sống tại Gia Lai lại hội tụ cùng nhau. Với họ, đó là một ngày Tết Độc lập rất đặc biệt khi được ngồi bên nhau hàn huyên trong niềm tự hào là người con của mảnh đất nơi Bác Hồ sinh ra.

Hội đồng hương Nam Đàn tại Gia Lai thành lập từ năm 1995. Từ đó đến nay đều tổ chức gặp mặt vào dịp kỷ niệm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 2-9. Như thường lệ, ông Lê Văn Thân (SN 1954, quê xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn) lại có mặt tại Quảng trường Đại đoàn kết (TP. Pleiku) từ khá sớm để dâng hoa trước Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên và dâng hương tại nơi thờ Bác Hồ.

Đông đảo người con của mảnh đất Nam Đàn đang sinh sống tại Gia Lai đã tham gia dâng hoa trước Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: Văn Ngọc

Đông đảo người con của mảnh đất Nam Đàn đang sinh sống tại Gia Lai đã tham gia dâng hoa trước Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: Văn Ngọc

Đứng trước Tượng đài Bác, ông Thân bồi hồi nhớ lại câu chuyện 50 năm về trước lúc ông chỉ là chàng trai 20 tuổi hăm hở lên đường nhập ngũ. Sau nhiều ngày hành quân từ quê hương Nam Đàn, ông đã có mặt trên mảnh đất Tây Nguyên khi ấy thâm u, heo hút với những cánh rừng. Ông không nghĩ nơi đây lại trở thành quê hương thứ 2 của mình. Nhưng sau khi chiến tranh kết thúc, do công việc của đơn vị, ông quyết định ở lại bám trụ với nắng gió cao nguyên.

Những người con quê Bác dâng hương tại Nơi thờ Bác Hồ trong Quảng trường Đại đoàn kết. Ảnh: Văn Ngọc

Những người con quê Bác dâng hương tại Nơi thờ Bác Hồ trong Quảng trường Đại đoàn kết. Ảnh: Văn Ngọc

“Mới ngày nào còn khoác trên mình màu áo lính mà giờ đã 50 năm rồi. Thời của tôi chỉ một số ít người lính Nam Đàn ở lại với Tây Nguyên. Phải đến đầu những năm 80, người Nam Đàn mới lên nhiều, hầu hết đều trong ngành Công an, Bộ đội. Dù gian khó biết nhường nào, có những người không ở lại được nhưng chúng tôi vẫn bám trụ. Đến bây giờ đã 3 thế hệ và khi ngồi lại với nhau trong những buổi thế này, chúng tôi lại kể nhau nghe những câu chuyện cùng nhau vượt khó, góp phần xây dựng Gia Lai như thế nào”-ông Thân thổ lộ.

Theo ông Nguyễn Thạc Phượng (SN 1958, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn), Hội đồng hương Nam Đàn chọn ngày 2-9 hàng năm bởi mang theo niềm tự hào của quê hương. Ngày 2-9-1945, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập để khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người con kiệt xuất của huyện Nam Đàn. Đây cũng là mảnh đất địa linh nhân kiệt khi đã sinh ra những danh nhân như Phan Bội Châu, Mai Thúc Loan, Tạ Quang Bửu…

Trước Tượng đài Bác, ông Phượng đã báo cáo với Bác: “Hôm nay, những người con của huyện Nam Đàn đang lao động, học tập và công tác tại Gia Lai đã hội tụ đông đủ về đây để tỏ lòng biết ơn vô hạn, kính cẩn dâng những đóa hoa tươi thắm để tưởng nhớ công ơn trời biển của Bác và xin được báo công với Bác về thành tích mà con cháu quê hương đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong năm qua”.

Cũng theo ông Phượng, năm học vừa qua, các thế hệ con cháu của quê hương Nam Đàn đã có thành tích học tập nổi bật với 56 cháu đạt học sinh giỏi, 6 cháu đạt giải tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh. Nhiều cháu đỗ vào các trường Cao đẳng, Đại học…

Hội đồng hương Nam Đàn tặng quà các cụ ông trên 70 tuổi. Ảnh: Văn Ngọc

Hội đồng hương Nam Đàn tặng quà các cụ ông trên 70 tuổi. Ảnh: Văn Ngọc

Sinh ra từ mảnh đất Kim Liên, ông Nguyễn Đức Hiền (SN 1965) cũng không giấu được niềm xúc động trong ngày đặc biệt này. Tuổi thơ ông là những tháng ngày cùng chúng bạn nô đùa ở Khu di tích lịch sử Kim Liên-nơi Bác sinh ra và đã từng sinh sống. “Sau mỗi giờ học, chúng tôi lại rủ nhau ra đó chơi, có khi ngủ thiếp đi dưới những bóng cây mát rượi. Bây giờ đã xa quê hương, con cháu cũng đã định cư tại Gia Lai nhưng đi đâu chúng tôi cũng tự hào là người con quê Bác và luôn dặn cháu con phải giữ truyền thống chịu thương, chịu khó, kiên trung của quê cha, đất mẹ”-ông Hiền thổ lộ.

Tại buổi gặp mặt, gần 150 người thuộc các thế hệ người con Nam Đàn đã hội tụ cùng nhau. Hội đồng hương Nam Đàn đã tặng quà những người trên 70 tuổi và các học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi. Được biết, trong năm, Hội còn thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình có việc hiếu, hỉ hay huy động giúp đỡ các trường hợp hoạn nạn.

Hội đồng hương Nam Đàn tặng quà các học sinh đạt giải tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Ảnh: Văn Ngọc

Hội đồng hương Nam Đàn tặng quà các học sinh đạt giải tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Ảnh: Văn Ngọc

Em Phạm Như Quỳnh (học sinh Trường THPT Phan Bội Châu)hồ hởi: “Em sinh ra tại Gia Lai nhưng vẫn luôn nhớ về quê hương Nam Đàn. Ngay từ nhỏ, cha mẹ vẫn hay cho em về quê thăm ông bà và họ hàng. Mỗi lần về em đều đến thăm Khu di tích lịch sử Kim Liên. Em luôn tự hào là người con của mảnh đất Nam Đàn quê Bác và đó cũng là động lực để em nỗ lực, phấn đấu đạt kết quả tốt trong học tập”.

VĂN NGỌC

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/tet-doc-lap-cua-nhung-nguoi-con-que-bac-tai-gia-lai-post291419.html