Tết Độc lập trong ký ức người lính
Với những cựu chiến binh đã từng lăn xả giữa bom đạn chiến trường, ngày Quốc khánh 2-9 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi Tết Độc lập nhắc nhớ họ về giá trị của độc lập, tự do, thống nhất non sông được đánh đổi bằng sự hy sinh của cả dân tộc.
Với những cựu chiến binh đã từng lăn xả giữa bom đạn chiến trường, ngày Quốc khánh 2-9 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi Tết Độc lập nhắc nhớ họ về giá trị của độc lập, tự do, thống nhất non sông được đánh đổi bằng sự hy sinh của cả dân tộc.
Dịp 2-9 năm nay, tôi đã gặp và trò chuyện với một số cựu chiến binh ở xã Yên Đổ (Phú Lương) về ký ức đón Tết Độc lập nơi chiến trường, để càng thêm yêu và trân trọng cuộc sống bình yên, sung túc hôm nay.
2-9 ở chiến trường
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những cái Tết Độc lập giữa chiến trường khốc liệt luôn là kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời của ông Trần Xuân Hiển, xóm Hạ, xã Yên Đổ. Là cựu chiến binh của Trung đoàn Pháo phòng không 210, có nhiều năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, song kỷ niệm sâu sắc nhất với ông là lần đón Tết 2-9 bên các đồng đội ở “tọa độ lửa” ngã ba Đồng Lộc năm 1968.
Năm đó, đơn vị nhận nhiệm vụ đánh máy bay Mỹ trong mọi tình huống để bảo vệ các đoàn xe vận tải, bảo vệ lực lượng thanh niên xung phong, công binh, ngã ba Đồng Lộc và các chân hàng trong khu vực. Cuộc chiến đấu bảo vệ vị trí, bảo đảm giao thông chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam này diễn ra từ 8-6 đến 3-11-1968.
Giữa mưa bom, bão đạn, đơn vị tổ chức ăn Tết Độc lập cùng dân quân, thanh niên xung phong để động viên, khích lệ tinh thần mọi người trước khi bước vào trận đánh lớn.
“Sau bữa ăn, chúng tôi kỷ niệm ngày 2-9 với chương trình văn nghệ rất sôi nổi, quân dân tham gia đông vui. Trưởng Ban Tuyên huấn của Trung đoàn là đồng chí Đào Duy Quát chỉ đạo nội dung để anh em diễn vở kịch tái hiện sự kiện cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Pháo phòng không 210 liên tiếp bắn rơi chiếc máy bay 999 và 1.000 của không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc và chiếc máy bay F88 của địch ở sân bay Vinh, làm nức lòng quân và dân cả nước. Vở kịch với những vũ điệu được anh em tập dượt kỹ lưỡng, mọi người hào hứng đón xem và vỗ tay nhiệt liệt”. – Ông kể lại.
Đôi mắt ánh lên niềm tự hào, ông Hiển bảo, không khí Tết Độc lập đã tiếp thêm sức mạnh để cán bộ, chiến sĩ quyết tâm thực hiện nhiệm vụ như khẩu hiệu hành động được mọi người viết lên mũ, lá chắn của khẩu pháo: “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm…”.
Chiến thắng tại ngã ba Đồng Lộc có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ, đảm bảo tiến hành cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân 1968, buộc Tổng thống Giôn-xơn, ngày 1-11-1968 phải tuyên bố ngừng ném bom không điều kiện toàn miền Bắc.
Cũng như ông Trần Xuân Hiển, trải qua nhiều cái Tết Độc lập ở chiến trường với bao hiểm nguy là những kỷ niệm đời lính mà thương binh Trần Xuân Tính, xóm Khe Thương, xã Yên Đổ, không thể nào quên. Năm 1969, ông Tính khi đó là Tiểu đội trưởng Tiểu đội súng DK75 thực hiện nhiệm vụ của đơn vị đánh chặn xe tăng giặc ở huyện Tam Kỳ (Quảng Nam).
Ông Tính nhớ lại: “Tết Độc lập ở chiến trường được tổ chức đơn sơ, nhưng thật ý nghĩa và tràn đầy khát vọng chiến thắng vì độc lập tự do trong trái tim mỗi cán bộ, chiến sĩ trước khi bước vào trận chiến mới”. Rồi hôm sau... Nhận tin truyền đến Bác Hồ đã mãi mãi ra đi. Anh em vừa chiến đấu, vừa khóc, biến sự đau thương thành sức mạnh hành động”.
Trong trận đánh với địch, ông Tính đã chỉ huy Tiểu đội hạ gục nhiều xe tăng. Không may trong lúc di chuyển, ông và một số đồng đội bị trúng loạt đạn của máy bay giặc làm bị thương nặng, hai đồng chí của ông đã dũng cảm hy sinh…
Trọn vẹn niềm vui trong ngày hội non sông
Căn nhà giản dị ở xóm Khe Thương dịp 2-9 năm nay của gia đình ông Trần Xuân Tính được các hội viên cựu chiến binh xóm lựa chọn là nơi gặp mặt đón Tết Độc lập.
Từ sớm, ông Tính đã cùng vợ dọn dẹp nhà cửa, cắm bình hoa tươi và ra vườn lựa những trái cây ngon nhất để đón các cựu chiến binh. Ông không quên vuốt ve phẳng phiu rồi cẩn thận treo cờ Tổ quốc ngoài cổng, lau chùi sạch sẽ tấm ảnh Bác Hồ đặt trang trọng ở vị trí giữa nhà.
Họ đến thăm, cùng nhau ôn lại chuyện chiến trường, động viên nhau góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp. Họ thắp hương, xúc động tưởng nhớ những đồng đội không may hy sinh nơi chiến trường hay qua đời do tuổi cao, bệnh tật.
Tôi chợt suy tư, trước đây, cuộc sống còn thiếu thốn, việc tổ chức ăn Tết Độc lập còn đơn giản. Nhưng nay, khi cuộc sống no ấm, Tết 2-9 ngày càng được các gia đình trân trọng, chuẩn bị chu đáo hơn. Việc gặp mặt, tổ chức ăn Tết Độc lập ở mỗi gia đình không chỉ là dịp đoàn tụ con cháu, giáo dục truyền thống tốt đẹp của dòng họ, quê hương mà còn để bày tỏ lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ kính yêu.
Tôi nhớ đến bố chồng mình, mỗi năm vào ngày Quốc khánh 2-9, ông đều tổ chức liên hoan đón Tết. Sau bữa ăn, ông lại lấy những kỷ vật hồi còn ở chiến trường ra ngắm nghía, xúc động kể lại cho các cháu nghe những trận chiến đấu khốc liệt mà từng chi tiết nhỏ ông vẫn không quên.
“Được sống trong thời bình, hưởng những cái Tết Độc lập như ngày hôm nay, chúng tôi dạy con cháu phải luôn trân trọng nền độc lập này và không ngừng cống hiến xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”. – Ông Lã Quý Thịnh, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh xóm Khe Thương, xã Yên Đổ, chia sẻ. Tôi hiểu, đó không chỉ là suy nghĩ của ông Thịnh, mà chính là những lời gan ruột mà các cựu chiến binh đều muốn bày tỏ.