Tết đọc sách: Đọc 'Mở lòng thì được tất cả' của Trần Huy Minh Phương để cố gắng sống 'mở lòng'
Cuốn sách 'Mở lòng thì được tất cả' của Trần Huy Minh Phương bước đầu tiên dẫn dắt chúng ta cách mở lòng với thiên nhiên và con người.
Quảng cáo
Trở về với tâm là trở về với gốc của đời sống tâm hồn. Trong hằng hà sa số những việc diễn ra trong đời sống của mỗi con người thì những câu hỏi như: Tại sao con người lại có cảm giác buồn? Làm thế nào để hết buồn? Vì sao chúng ta đau khổ và làm sao bớt khổ? Vì sao niềm vui thì mau mà nỗi đau thì khó dứt? Làm thế nào để được người khác yêu mình và làm sao để hết ghét một người?… Đó là những câu hỏi thể hiện sự băn khoăn muôn đời vạn kiếp của nhân sinh. Nhiều tôn giáo cũng đã đề cập đến những vấn đề này. Đặc biệt là Phật giáo với những triết lí uyên áo về con đường giải thoát nỗi khổ niềm đau.
Là Phật tử thuần thành anh nhìn cuộc sống và lí giải theo cách riêng của mình nhưng tựu trung lại cũng là những suy nghiệm thấm đẫm tinh thần Phật đạo trong cách diễn đạt dung dị, bằng những câu chuyện đời thường. Từ những điều giản dị gần gũi trong cuộc sống, Trần Huy Minh Phương mong muốn giải đáp được nguyên do của những nỗi khổ, những nhân duyên đến và đi, làm thế nào để duy trì sự thương mến cảm thông với những thân phận người, có thể chấp nhận được mọi hoàn cảnh số phận mang lại…
Bài pháp vô ngôn của ba vị: Bồ-tát Di Lặc, Bồ-tát Quán Thế Âm và Đức Phật Bổn Sư đã làm nhóm bạn sống gần nhau hơn với nhau, hiểu trọn vẹn về bản thân. Sự mong muốn, đua đòi theo chúng bạn, theo những gì không phù hợp phút chốc bị quăng xuống và được dựng lên khúc ca yên lành. Vậy là không uổng phí mùa hè xanh, mùa hè tập làm công quả và mùa hè tham gia nhóm gia đình Phật tử. Một mùa hè thú vị và ý nghĩa biết bao…
(trích tản văn Tập Cười - Mở lòng thị được tất cả)
Như tựa đề của tập sách đã viết, “Mở lòng thì được tất cả” vậy khi chúng ta "khép lòng" thì mãi mãi nỗi khổ niềm đau sẽ luôn dày vò thân tâm trong lửa tham, sân, si và khi chúng ta "mở lòng" thì Bồ-đề tâm rộng mở cũng là lúc mà con người sẽ cảm nhận được những ý vị tốt đẹp trong cuộc sống trần thế.
Trần Huy Minh Phương sinh năm 1979 tại Phú Lộc, Thạnh Trị, Sóc Trăng. Các bút danh đã sử dụng: Huy Phương, Hàn Thanh Nhân, Trần Xuân Anh, Tâm Anh, Tâm Huy, T.H.M.P…
Anh bắt đầu sáng tác từ năm 1996. Đã có bài phát sóng trên đài phát thanh, tạp chí, báo từ năm 1998. Là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng từ ngày 1-8-2003, hội viên Hội Nhà văn TP.HCM từ ngày 26-1-2015. Hiện là phóng viên, công tác tại Tuần Báo Văn nghệ TP.HCM.
Anh đã đạt nhiều giải thưởng như: Giải nhất kì 11 cuộc thi viết ngắn Tìm hiểu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (2007, Báo Sóc Trăng), Giải ba Thơ Mùa xuân (2011), Giải nhì Truyện ngắn Mùa xuân (2011), Giải ba Thơ Cánh Buồm (2011), Giải tư Thơ ca và nguồn cội lần hai - làng Chùa (2011), Giải ba Nói lời tri ân (Diễn đàn trao đổi Phật học Vườn Tâm, 2012), Giải ba Cuộc thi thơ đồng bằng sông Cửu Long lần V/2012-2013; Giải nhì (không có giải nhất) thể loại thơ Cuộc thi sáng tác văn học trên báo Văn nghệ Thái Nguyên (2014 - 2016), Giải Lục bát trăng bạc cuộc thi thơ Tổ quốc và Đạo pháp (2016), Giải Tư cuộc thi Thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội (2015 - 2016), Giải Nhì (11-2016) và giải Nhất (3.2017) cuộc thi Viết về cánh đồng quê hương do (Đài phát thanh truyền hình Sóc Trăng tổ chức, 2016 - 2017), Giải Nhì cuộc thi Viết về cánh đồng quê hương (Đài phát thanh truyền hình Sóc Trăng, 2016 – 2017).
Trần Huy Minh Phương cũng đã xuất bản các sách như: Gió mặn (thơ) - NXB Hội Nhà Văn, 2014; Túi (tản văn) - NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2016; Một hơi thở một đời người (tản văn) - NXB Văn hóa Văn nghệ & Phương Nam Book, quý III năm 2018…