Tết giếng
Với người Việt Nam, tết Nguyên đán không chỉ là thời khắc giao hòa giữa đất trời, chuyển giao giữa năm cũ và năm mới âm lịch, mà đặc biệt còn chứa đựng rất nhiều ý nghĩa tâm linh, văn hóa, kết nối và vun đắp giá trị gia đình Việt. Ở giá trị tâm linh, tết Nguyên đán là khoảng không gian quan trọng để cháu con không chỉ tỏ lòng biết ơn ông bà, cha mẹ, những đấng sinh thành, mà ngày tết, mọi người thường dành thời gian và không gian thiêng liêng để cảm tạ các đấng linh thiêng, những bậc bề trên và cầu xin một năm mới an lành, mạnh khỏe, mọi việc hanh thông, mưa thuận gió hòa…
Cùng với phong tục cúng ông Táo, cúng tất niên, cúng giao thừa, cúng tạ…, làng quê Phú Yên tôi ngày trước đặc biệt coi trọng việc cúng giếng. Nước được coi là khởi nguồn sự sống. Trong nông nghiệp người xưa có câu: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, trong bốn yếu tố thì nước là quan trọng nhất và được ông cha ta đặt lên hàng đầu. Các dân tộc Việt xưa nay luôn kính trọng, tạ ơn những vị thần đã đem đến cho họ mùa màng bội thu, cuộc sống đủ đầy, no ấm.
Thủy thần là vị thần mà họ vô cùng kính trọng. Nếu như các dân tộc Ê Đê, Ba Na có tục cúng bến nước thì người Kinh có phong tục cúng giếng. Lễ cúng giếng thường được thực hiện vào sáng mùng một, ngày khởi đầu của năm mới. Ý nghĩa lớn nhất của lễ cúng giếng là tạ ơn thủy thần và cầu một năm nguồn nước luôn dồi dào, mạch nước không bị khô cạn, lúa thóc đầy bồ, sắn bắp đầy sân, cuộc sống vạn vật mát lành…
…Ngày cuối năm, những công việc của một năm cũ dường như đã vãn, các cô, các chị gội đầu, hong tóc, nói cười quanh giếng. Gió xuân mơn man hương hoa hồng, hoa cải và thoảng hương bồ kết… Vạn vật thay áo mới đón xuân sang, mọi thứ cũng cần được nghỉ ngơi, không ồn ã, không bận rộn vất vả trong những ngày tết. Và giếng cũng vậy...
Trước lễ cúng, chiều ngày cuối cùng năm cũ, gia chủ phải lấy nước giếng trữ đầy các lu, bộng để sang năm mới thì nước luôn đầy đủ, ba ngày tết tuyệt nhiên không ai được ra giếng để múc nước. Bước sang năm mới, trước khi lễ cúng diễn ra, gia chủ không được đụng vào giếng, không được làm cho mặt nước giếng xao động mà phải thật sự tĩnh lặng. Người xưa tin rằng, làm như vậy để mạch nước được nghỉ ngơi, giúp một năm thủy thần nhiều năng lượng và nước đủ đầy. Người xưa cũng tin rằng khi chưa cúng tạ ơn thủy thần mà làm cho mặt nước giếng xao động là điều không tốt, gia đình sẽ lục đục, xáo trộn.
Vì vậy, gia chủ chỉ có thể dùng nước đã dự trữ trong lu, bộng mà không được đụng tới giếng. Lễ cúng giếng thường gồm một con gà cồ đầy đủ lòng mề, bánh kẹo, chè xôi và một vật lễ không thể thiếu là bánh tét. Người đứng ra hành lễ phải là chủ hộ, phía sau là cả gia đình. Xưa, một giếng dùng chung cho vài nhà, có khi là cả xóm thì người hành lễ là vị cao tuổi, có uy tín nhất, còn lại tất cả thành viên các gia đình phải chắp tay thành khẩn phía sau. Nội dung của câu lễ, là tạ ơn thủy thần đã phù hộ cho gia chủ, xóm giềng một năm đủ nước dùng, cầu một năm mới nguồn nước dồi dào, trong sạch để gia chủ luôn được khỏe mạnh, bình an, vật nuôi chóng lớn, mùa màng bội thu. Không gian yên tĩnh, lòng người cũng tĩnh lặng hàm ơn, tiết trời đầu năm huy hoàng tỏa sáng…
Chiều mùng ba tết, cùng với lễ cúng tạ, ba tôi tạ giếng và múc gàu nước đầu tiên để cả nhà cùng uống và rửa mặt. Nước mát lành, thanh tân… Chim én chao liệng trên bầu trời cao xanh. Những áng mây trắng muốt bay qua bầu trời, đáy giếng soi thấu những ước nguyện của con người và vạn vật đang độ xuân thì…
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/313160/tet-gieng.html