Tết hòa bình đầu tiên trên đất Quảng Trị

Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1972, mà cao điểm là 'mùa hè đỏ lửa', toàn quân, toàn dân ta đã dồn sức, đánh một đòn chí tử vào đầu Mỹ - ngụy. Quân ta thừa thắng xông lên như vũ bão từ Quảng Trị đến Tây Nguyên, Nam Bộ, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán Hội nghị Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

 Cầu Hiền Lương. Ảnh: Thành Dũng

Cầu Hiền Lương. Ảnh: Thành Dũng

Từ 0 giờ ngày 27/1/1973, tiếng súng im bặt trên toàn lãnh thổ nước Việt Nam. Một sự kiện trọng đại làm nức lòng nhân dân cả nước và bè bạn khắp năm châu. Nhân dân Quảng Trị hân hoan trở về làng cũ, bắt tay hàn gắn vết thương chiến tranh. Tài sản của mỗi một gia đình vỏn vẹn trên đôi quang gánh, bên hố bom, hố pháo, nền nhà xác xơ, đồng hoang cỏ cháy. Chính quyền các địa phương huy động lực lượng thanh niên, du kích lên rừng cắt tranh, đốn gỗ về giúp dân dựng tạm mấy túp lều, vào căn cứ Mỹ - ngụy tháo từng tấm ri, tấm tôn về làm nhà. Cuộc sống diễn ra hối hả với khẩu hiệu: “Hàn gắn vết thương chiến tranh, cùng dựng xây cuộc sống mới”.

Xã Triệu Phước phát động 13 thôn đồng loạt dựng lên 13 cổng chào. Với phong trào này, có những việc làm đầy quả cảm như thanh niên thôn Phước Lễ lên rừng đào hai gốc cây cổ thụ, có bộ rễ kì diệu, dùng thuyền máy chạy hơn 30 km chở về dựng thành cổng chào trước làng. Thanh niên làng Duy Phiên lên Đông Hà tìm sắt từ các dãy nhà đổ nát đem về, rồi đánh cá gây quỹ mua xi măng xây dựng cổng chào kiên cố; đường làng ngõ xóm đều được sửa sang thẳng tắp. Các lớp học vỡ lòng, cấp I - II được mở ra, sớm chiều tiếng hát, tiếng học bài lại rộn vang. Cuộc sống mới đang sinh sôi nảy nở. Nếu như trong chiến tranh có khẩu hiệu “Tiếng hát át tiếng bom” thì nay hòa bình có “Hát ra lúa, múa ra khoai”, đất càng ấm tình người đơm bông kết trái.

Tôi còn nhớ đêm đón giao thừa Tết Quý Sửu năm 1973. Xã Triệu Phước tổ chức liên hoan văn nghệ, đổ dầu vào ống tre lồ ô, lấy vải mộc làm tim đèn, thế là ánh sáng bừng lên. Tiết mục đồng ca “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” vang lên trên sân khấu. Âm thanh lúc bấy giờ chỉ có một máy bán dẫn, chạy bằng pin 10, ba mươi diễn viên cùng hát một micro mà hàng ngàn người vẫn lắng nghe một cách say mê. Nhạc cụ là một cây đàn ghi ta, một cây đàn măng - đô - lin, trống làm bằng thùng phi cắt ra, lấy một phần ba, dùng áo mưa của Mỹ bịt lại, dùng hai que gỗ đánh, cứ thế mà xập xình, đầy đủ các nhịp điệu, hành khúc, thôi thúc lòng người. Lúc đó tôi chuyên lắc tăng - mô - ranh. Cái tăng - mô - ranh ấy cũng là một chiến lợi phẩm do một anh người cùng quê với tôi lấy được của địch mang về tặng cho đội văn nghệ. Chiếc tăng - mô - ranh ấy theo tôi đến nay đã 47 năm.

 Chợ hoa ngày tết. Ảnh: Thành Dũng

Chợ hoa ngày tết. Ảnh: Thành Dũng

Năm 1973, đội văn nghệ biểu diễn chào mừng Chủ tịch Cuba Phidel Castro đến thăm Đông Hà, chào mừng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Bình về thăm Quảng Trị và tham gia hàng trăm hội diễn các cấp. Năm 1973, ở huyện Triệu Phong có nhiều đội văn nghệ, tiêu biểu có đội văn nghệ xã Triệu Phước. Nói đến đội văn nghệ xã Triệu Phước, cần nhắc đến thời kì năm 1972, nhân dân xã Triệu Phước sơ tán ở khu vực Vĩnh Linh, ít nhiều có ảnh hưởng phong trào văn nghệ cách mạng nên có cơ sở phát triển, hoạt động có hiệu quả cao. Ngày mồng 5/1 Tết Quý Sửu năm 1973, được sự chỉ đạo của Huyện ủy Triệu Phong, đội văn nghệ tuyên truyền xã Triệu Phước vào tuyến chốt Long Quang làm công tác binh vận. Lúc bấy giờ ở tuyến chốt giáp ranh giữa ta với địch chỉ là ruộng hoang nước đọng, còn lại một mố đất vừa đủ làm sân khấu, chỉ cách chiến hào của địch khoảng 20 mét.

Lời đầu tiên chúng tôi giới thiệu: “Đây là chương trình văn nghệ của xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong. Xin gửi lời chào đến các anh sĩ quan, binh lính Sài Gòn, chúc các anh đón Xuân Quý Sửu vui tươi, với tinh thần “Hòa hợp, hòa giải dân tộc”. Cứ mỗi lần tết đến xuân về, theo truyền thống của người Việt, gia đình đoàn tụ, chúc tết, mừng tuổi, chắc các anh cũng nhớ gia đình, cha mẹ, vợ con. Hôm nay, đội văn nghệ xã Triệu Phước chúng tôi đến thăm các anh, có cả cụ già, bà mẹ, các em thanh thiếu niên, là những diễn viên văn nghệ, mang lời ca tiếng hát đến thăm các anh, với tinh thần mừng xuân mới, xin mời các anh đến gần với chúng tôi, xem văn nghệ, vừa dùng bánh tét, bánh chưng, mứt, trà, bánh ngọt, thuốc lá. Gọi là hương vị đầu xuân”.

Mẹ Trịnh Thị Đờn nói sang sảng trên loa rằng: “Hòa bình rồi, các con hãy về với gia đình, vợ con, nhất là tết đến xuân về. Các mẹ, các cụ già, thanh thiếu niên diễn viên văn nghệ vào đây; mời các con, các chú sang đây ăn tết với quê nhà, gọi là tình thân dân tộc”. Chương trình văn nghệ cứ được phát đi theo nội dung đã được chỉ đạo. Tiêu biểu có bài hát “Ánh trăng hòa bình” do em Thúy Diễm trình bày, bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” do em Hồng Diệu trình bày. Cứ mỗi bài hát vừa dứt, các anh lính Sài Gòn vỗ tay cổ vũ nhiệt liệt, hát xong một bài các em lại có lời nhắn gửi: “Ba ơi hãy về với các con, mẹ và các con nhớ ba nhiều lắm”, hai em bé này đều có cha đang ở bên kia chiến tuyến.

Mẹ Trịnh Thị Đờn hò binh vận, mà tôi còn nhớ rõ từng ý, từng lời cho đến hôm nay: “Con theo ai mà hóa ngây hóa dại/ Con theo ai mà phản lại giống nòi/ Đêm nằm nghĩ lại mà coi/ Con đi hướng đó chẳng khác thể rước voi đạp mồ” và “Hòa bình rồi sao con còn đi mãi/ Cha mẹ già trăm tuổi nay mai/ Vợ hiền nét sắc tàn phai/ Trẻ thơ mong đợi con theo ai không về”. Giọng hò ngọt ngào, âm sắc vang vọng, cuốn hút người nghe, dễ đi vào lòng người, làm cho một số sĩ quan, binh lính Sài Gòn lúc đầu thì ngồi cách xa chúng tôi khoảng 10 mét, dần dần xích lại gần nhau, kê mũ đồng ngồi nghe và xem văn nghệ, không khí diễn ra đầm ấm thân thương. Chương trình văn nghệ kết thúc bằng tổ khúc dân ca Trị Thiên “Cối gạo đêm trăng”. Các diễn viên cầm từng bánh lương khô của quân giải phóng mời sĩ quan, binh lính Sài Gòn cùng ăn, uống nước chè; sĩ quan, binh lính Sài Gòn thì mời các diễn viên kẹo Nô ga, thuốc lá Sa lem. Những con người giữa hai chiến hào tâm sự với nhau, càng lúc càng thân tình hơn, với tinh thần thực hiện đúng chính sách “hòa hợp, hòa giải dân tộc”.

Một anh lính Sài Gòn vui tính hỏi tôi rằng: “Máy phóng thanh của các anh chỉ một micro, sao tiếng hát lẫn tiếng đàn đều phát ra loa rõ ràng, trong trẻo, dễ nghe đến vậy?”. Tôi mới trả lời rằng: “Cái máy này là máy thông tin C10 của các anh, thuộc loại chiến lợi phẩm, chúng tôi cải tiến, độ lại, gắn vào hai con sò, đủ công suất phát hai loa sắt, còn micro được buộc vào cành đàn, do vậy giọng hát và tiếng đàn đều được phát ra loa”. Anh lính Sài Gòn lắng tai nghe và rất ngạc nhiên, rồi tấm tắc khen.

Sau cuộc hội ngộ ở tuyến chốt Long Quang khoảng 5 ngày, dọc tuyến chốt từ xã Triệu Trạch, Triệu Hòa, Triệu Thành lần lượt có hàng chục binh lính Sài Gòn bỏ ngũ trở về với cách mạng, với nhân dân, với quê hương vùng giải phóng.

Ngày nay ai có dịp về thăm xã Triệu Trạch sẽ đi qua tuyến chốt Long Quang. Chính nơi đây mùa xuân năm 1973 đã diễn ra một cuộc chiến đấu trên mặt trận tâm lí, không tốn một viên đạn, một giọt máu nhưng đã làm nên một chiến công kì diệu. Nơi ấy, bây giờ là Di tích quốc gia “Chốt thép Long Quang”.

Trong quá trình hoạt động văn hóa, văn nghệ có biết bao nhiêu kỉ niệm, câu chuyện thú vị, bổ ích. Riêng cuộc hội ngộ hai bên chiến hào ở tuyến chốt Long Quang giữa đội văn nghệ xã Triệu Phước và sĩ quan, binh lính Sài Gòn mãi mãi là một sự kiện không bao giờ quên…

Trương Kim Quy

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=145649