Tết ký ức
Tết là phải phơi phới xuân. Xuân là trẻ, là mới mẻ và theo quy luật thường là đón những khởi đầu mới. Nhưng có một thứ không thể cưỡng, cứ găm mãi trong tâm hồn, đó là ký ức. Ký ức ẩn trong đời sống và lưu luyến trong dòng chảy vồn vã, để rồi được chuyển vào đáy sâu tâm hồn một cách sâu lắng, đến nỗi thành 'kho ký ức', thành một gia tài đẹp của con người mà nếu thiếu, cuộc sống chẳng còn trọn vẹn.
Bởi vậy mới có những kiểu đón Tết theo phong cách xưa cũ, “ôn cố tri tân”, hoặc cũng có thể theo những xu hướng khác nhau. Người ta muốn trở về đời sống xưa, tham dự những phiên chợ theo phong cách cũ, nhìn cảnh bán mua những món đồ, nơi chợ phiên dân dã được tổ chức nơi góc làng, nơi ngã tư đường, ven sông vùng ngoại thành Hà Nội. Có khi hòa vào không khí mặc cả, bán mua, ăn quà, lắng nghe cuộc sống sinh động chảy tràn trong tiết xuân cứ rộn ràng quyện với lo lắng của người quê. Để từ trong thớ nghĩ của người yêu làng quê có thể cảm nhận niềm vui trong mắt người già, sự no đủ trong nụ cười trẻ con và đôi má ửng hồng, cặp mắt duyên của cô thiếu nữ bán hàng hoa.
Tôi có những người bạn, xuân nào cũng phải đi chợ quê, sắm đồ, dạo trong tiếng ồn ã ấy để không quên quê mình, để lưu giữ những vẻ đẹp giản dị rất đỗi thân quen cũng đang dần mất hẳn nơi phố xá. Những người bạn ấy cũng thích dạo chợ hoa, ngắm đào ngắm quất Nhật Tân, Quảng Bá, tận thấy xuân nhuộm từng cánh hoa, lộc nõn, xuân bén trong đôi bàn tay anh thợ cắt tóc, hay trong cái thoăn thoắt của chị gói hộp quà. Đó như một cái thú để anh giữ lại trong mình những tiếng đời vồn vã mê say. Anh bảo, con người đang dần bị trơ lì, vơi bớt sự rung động, thì ký ức là cái có khả năng làm sống lại, đánh thức, nhắc nhớ, để cuộc sống này vừa có quá khứ, hiện tại và tương lai, như là những mốc thời gian ước lệ nhưng đầy thi vị và ý nghĩa. Vậy nên, ký ức nên được làm sống lại và con người cần phải biết vịn vào, sống tốt cho hiện tại và thắp sáng tương lai.
Có lúc sâu xa ngồi ngẫm, Tết ký ức cũng đang nằm trong sự chen lấn của cuộc sống hiện đại. Tết đang nhạt dần trong dòng chảy xô bồ và thói thực dụng. Nhiều người đã quá no đủ, giàu có. Người bình thường từng trải cũng đều được quay lại giây phút muốn đón Tết cổ truyền, bình dị, thân thương, như hòa vào không khí đụng lợn, chia hoa, gói bánh, đón giao thừa và hái lộc… thuở nào. Nên có người chỉ cần tham gia vào một buổi gói bánh chưng cùng gia đình. Có người chỉ cần tham gia vào một bữa tất niên quê. Ngoài ra chẳng cần gì to tát. Có người muốn trốn đi đâu đó thật xa trong những hành trình trải nghiệm xuân trên nẻo đường xa. Những điều đó đang tưới cảm xúc lên nhiều thứ vốn đang bị chai sạn. Những điều đó sẽ làm chúng ta giữ lại nhiều vẻ đẹp.
Lúc này, đang có những người cuồng ký ức. Cuồng quá nên người ta đôn đáo đi tìm, khơi gợi. Họ chỉ muốn nhanh chóng được đắm trong không gian ký ức, chạm tay vào cảm giác “xưa như trái đất” và được lột bỏ vẻ bụi bặm của cuộc mưu sinh, đua tranh. Nên người ta đang “rước” không khí ký ức về những tòa cao ốc, những khu dân cư hiện đại ở trung tâm thành phố. Các phiên chợ quê với nhiều gian hàng xưa cũ, được bài trí theo phong cách làng quê được tổ chức giữa những sân chung cư bóng láng hiện đại. Người bên dưới chợ quê với không khí hào hứng, có thể ngước nhìn sự lấp lánh của những tòa nhà cao tầng hiện đại. Hai sự trải nghiệm diễn ra trong cùng thời điểm. Hai luồng gió cũ mới chảy dọc cuộc sống. Bao toan tính đã chảy trôi. Bao nhiêu cuộc đời đã trôi đi trong vô định, đôi khi vượt xa khỏi tầm kiến thức con người. Cũng có khi, phải như thế chung cư hiện đại mới có hồn cốt. Bởi sự hiện đại vốn mang lại cho con người sự tiện nghi, nhưng cũng làm tiêu hao cảm xúc, vốn là năng lượng nhiệt thành mà con người ngày xưa có thừa. Có thể nào chính hình ảnh nhà quê đó, phải được diễn ra ở nơi phố xá? Có thể nào chính con người hiện đại vẫn cố gắng níu kéo những vẻ đẹp xưa cũ ấy như là món ăn tinh thần của cuộc sống, chứ không chỉ coi đơn thuần là một thứ gia vị? Ở các vùng miền, những phiên chợ Tết tái hiện không khí xưa cũ, như Tết xưa phố cổ Hội An, Tết miền Tây, Tết thời bao cấp, chợ Tết đất kinh kỳ, Nét xưa Hà Nội… đã diễn ra trong háo hức. Đó chẳng phải con người đang cố tạo dựng cho mình không gian xưa cũ, để được tắm táp trong ký ức?!
Ngày bình thường, nhiều người đã tìm đến những hàng quán được bài trí theo kiểu xưa cũ ở Thủ đô. Họ tham gia vào những buổi trò chuyện, nghe nhạc xưa, ngẫm nghĩ về những điều xưa cũ. Họ cũng tham gia mua sắm bằng tem phiếu, như là một cơ hội trải nghiệm. Bởi có người chẳng biết tem phiếu là gì, tàu điện trên phố ra sao, thậm chí ngày xưa người Hà Nội thưởng Tết lớn hay nhỏ, cầu kỳ hay đơn giản, uống nhiều bia hay rượu. Ngày Tết cũng vậy thôi. Bao đua chen xếp lại, hòa quyện vào không khí của quán hàng xưa cũ, nhấn nhá theo cách ngày hôm nay. Cũ mới đan xen. Biết đâu sau này, con người còn nghĩ ra cả dịch vụ đón Tết trọn gói theo phong cách cũ? Bởi sẽ có ngày rất nhiều cái mất đi, một cách âm thầm, nhiều giá trị tuyệt chủng, sẽ cần phương cách mạnh mẽ hơn để giữ ký ức. Đó không chỉ là làm khác đi cái Tết, mà làm giàu có văn hóa một cách căn bản.
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/43022402-tet-ky-uc.html