Tết là ngày phục vụ, nối những nhịp cầu vui sum họp gia đình
Đặc thù công việc mỗi ngành nghề một khác và phi công, tiếp viên hàng không cũng vậy, cứ khi nào được điều động họ đều sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bất kể thời gian nào.
Khi những vòng quay của chiếc đồng hồ chuyển khắc sang năm mới để mọi người quây quần bên nhau cùng đón Giao thừa, thế nhưng, những tiếp viên, phi công vẫn miệt mài làm việc để nối những nhịp cầu vui của nhiều người trên mọi miền đất nước.
Tết với họ lắng đọng lại ở những chiếc ôm thật chặt, những giọt nước mắt hạnh phúc và cả nụ cười rạng rỡ của sự sum họp.
Lên đường làm nhiệm vụ khi nhà nhà đón Giao thừa
Đã thực hiện hàng trăm chuyến bay ngắn dài, nhưng cảm xúc sau mỗi lần hoàn thành chuyến bay an toàn với nữ Cơ trưởng Nguyễn Ly Hương của Vietnam Airlines vẫn như những ngày đầu tiên. Đó là khi chị biết rằng bản thân đã may mắn chọn được nghề nghiệp đúng với đam mê của mình.
14 năm trước, khi tình cờ đọc được một mẩu tuyển dụng phi công trên báo rồi nộp đơn ứng tuyển, chị Hương không ngờ đó là quyết định thay đổi cuộc đời mình. Bằng sự quyết tâm và có phần… liều lĩnh, chị đã từng bước thuyết phục bố mẹ, từ chối một cơ hội nghề nghiệp đúng chuyên ngành từ công ty danh tiếng; vượt qua tất cả các vòng sơ tuyển ngặt nghèo về thể lực và tâm lý để chính thức bước chân vào ngành hàng không. Chị trở thành một trong hai phi công nữ đầu tiên rồi Cơ trưởng đầu tiên của lịch sử Hàng không Việt Nam.
Nhìn lại hành trình đầy đam mê những cũng không ít thử thách đó, chị vẫn nhớ như in lần đầu được điều khiển máy bay trên chuyến bay huấn luyện với 4 người, đó là cảm giác háo hức, phấn khích khi hoàn thành được mơ ước. Rồi chuyến bay chở khách đầu tiên khi chuyển loại ATR72 với 70 khách. Về sau, Hương bắt đầu chuyển loại máy bay A350 từ tháng 6/2021 với kinh nghiệm 10 năm bay máy bay ATR72 và 3 năm bay máy bay A321.
“Nghề phi công vốn không phải là nghề nay làm mai thành công mà đòi hỏi sự kiên trì. Những lúc đi bay 4 chặng mệt mỏi hay thời tiết xấu thì nghề phi công không còn hào nhoáng gì cả. Đến bây giờ, các bạn trẻ đã có sự sàng lọc thông tin rất rõ ràng để đánh giá công việc muốn theo đuổi,” Hương chia sẻ.
Ở thời điểm Tết, hầu như năm nào chị cũng đi bay, nhưng vẫn có thời gian nghỉ để dành cho gia đình. Trong những ngày Tết, các phi công sẽ được linh động sắp xếp để ở nhà 1-2 ngày. Trường hợp giai đoạn Tết bay vất vả thì sau đó sẽ được sắp xếp nghỉ bù.
“Bay Tết là đặc thù riêng trong nghề, đó là điều khó quên đối với mỗi phi công khi đem lại niềm vui cho mọi người. Dù đã quen dần với cảm giác đón Giao thừa trên... trời nhưng vẫn không khỏi nao lòng mỗi khi dịp Tết về... Nếu bảo không buồn thì tự dối lòng nhưng cũng thấy vui khi đã góp phần nhỏ bé giúp các gia đình đoàn tụ,” Hương nhớ lại về cảm xúc trong mỗi chuyến bay Tết.
Sau mỗi chuyến bay, có thể đưa hành khách hạ cánh an toàn, đi đến nơi về đến chốn chính là niềm vui lớn nhất. Dù là chuyến bay ngày thường hay là chuyến bay Tết, an toàn hành khách luôn được đặt lên hàng đầu. Được phục vụ hành khách trên mỗi chuyến bay không chỉ là nghĩa vụ mà còn là niềm vui của tổ bay. Vì vậy, dù khi mọi người đang đón Giao thừa, những người phi công hay tiếp viên vẫn sẵn sàng xách vali lên và đi để mang cái Tết trọn vẹn đến mọi nhà.
Ăn Tết xa nhà mãi rồi cũng... quen
Gắn bó với nghề hàng không được 5 năm, tiếp viên hàng không Trần Ngọc Trung kể về duyên cớ dấn thân và ngã rẽ theo nghiệp bay.
Năm 2017 khi đang làm việc ở mảng ngân hàng, Trung lướt Facebook tình cờ thấy một bài đăng của bạn học chung Đại học trong bộ đồng phục tiếp viên Vietnam Airlines. Lúc đó, trong đầu chàng trai trẻ bỗng nảy ra suy nghĩ sao mình không thử để có môi trường làm việc cùng bạn.
Trải qua quá trình sàng lọc và đi thi tuyển. Khi ngày cầm tờ giấy thông báo đỗ vào năm 2018, điều đầu tiên anh làm là hét thật to và gọi về nhà thông báo “Con làm được rồi.”
Nhớ lại khoảng thời gian đầu mới vào làm việc tại Đoàn Tiếp viên Vietnam Airlines, Trung cho hay đã mất một khoảng thời gian để lấy lại cân bằng và làm quen với áp lực công việc.
“Các thầy cô trong trường Học viện Hàng không khi giảng dạy vẫn thường nói tiếp viên hàng không là những lao động cảm xúc bởi mỗi ngày đi bay tiếp xúc với cả nghìn hành khách. Mỗi một khách sẽ mang đến cho mình những cảm xúc khác nhau vui, buồn hay bực cũng có nên việc khó khăn là phải cân bằng được cảm xúc để mang đến giá trị đầu tiên mà Vietnam Airlines đang hướng tới là chất lượng dịch vụ và khách hàng là những ‘Thượng đế’,” Trung chia sẻ.
Đặc thù công việc mỗi ngành nghề một khác và tiếp viên hàng không cũng vậy, cứ khi nào được điều động họ sẽ sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bất kể thời gian, thời tiết. Bởi thế, đi làm trong ngày lễ Tết với nhiều người đã trở thành niềm vui khi giúp được nhiều hành khách đi đúng chuyến, đúng giờ, an toàn, về đón Tết quây quần bên gia đình.
Năm nay được xếp lịch bay Tết và sẽ đón năm mới xa gia đình ở Nhật Bản, đây cũng là năm thứ 3 mà chàng trai trẻ này không được đón Giao thừa cùng gia đình ở nhà. Tuy nhiên, Trung tâm sự mỗi một lần đón Giao thừa trên không ở độ cao 36.000 feet đều là những lần đáng nhớ bởi cũng có bánh chưng, dưa hành, hoa đào và lì xì.
“Mình còn giữ tờ tiền lì xì của tổ tiếp viên và tờ 10 Nhân dân tệ (Trung Quốc) của một bác gái hành khách để mỗi lần nhìn lại thì là một lời nhắn đến bản thân về không khí đón Tết trên không. Điều đặc biệt trên những chuyến bay Tết là tổ bay và tổ tiếp viên sẽ được cấp thêm bánh chưng cho những chuyến Giao thừa. Bên cạnh đó, các bạn nữ tiếp viên sẽ được mặc áo dài tự chọn, làm cho chuyến bay rất sặc sỡ sắc xuân và vui tươi,” Trung hồ hởi nói./.