'Tết mà...'
Tết đến xuân về, người dân du xuân chiêm bái đền chùa, thăm thú thưởng ngoạn cảnh sắc núi sông để cảm nhận trọn vẹn không khí xuân căng tràn vốn dĩ là vui vẻ. Vậy nhưng, không ít người kinh doanh, làm dịch vụ vì cái lợi trước mắt, lại sẵn sàng lợi dụng dịp lễ tết để 'móc túi' khách hàng.
Sau nhiều lần lên lịch, cuối cùng vào một ngày đầu năm mới cả gia đình tôi cũng có chuyến du xuân. Nhân tiết trời ấm áp, mọi người đồng tình với ý kiến đi gần, đi xa chi bằng việc sang đền thờ phía bên kia sông, vừa để ngắm cảnh sông nước, vừa đi lễ.
Quê tôi bên bờ sông Mã, nhìn sang bên kia sông là thấy ngôi đền thiêng soi bóng nước. Vậy nhưng cũng vì cách trở sông nước, lại chưa có cầu, nếu không muốn vòng đi đường bộ thì đứng bên này sông, gọi đò sang chở, chưa đầy 5 phút sẽ sang đến bên kia sông. Thời tiết ấm áp, gió lộng, ngồi trên đò ngắm cảnh kể cũng thi vị. Và vì thế, mọi người quyết định ra bờ sông để... gọi đò.
Hành trình du xuân thật nhiều xúc cảm, ai nấy đều vui vẻ, thoải mái, cho đến khi người đàn ông lái đò báo giá tiền dịch vụ. Tôi cứ nghĩ mình nghe nhầm, nên bối rồi hỏi lại: “Nhà cháu đi có từng này người, bác có tính nhầm không?”.
“Không nhầm đâu cháu, mỗi người hết 40 nghìn, nhà cháu 10 người cả người lớn và trẻ em, tổng là 400 nghìn”, người lái đò nhắc lại số tiền một cách chắc chắn.
“Mọi lần cháu đi chỉ hết có 20 nghìn, hôm nay sao lại tăng giá đột ngột vậy? Bác xem tính lại tiền đò cho cháu, có tăng thì cũng chút ít thôi, làm gì đến mức tăng gấp đôi?!”. Tôi cố giải thích, lại như “điều đình” với mong muốn người chủ đò tính giá hợp lý hơn.
“Không bớt được đâu cháu, mọi lần cháu đi là ngày thường, hôm nay đang là dịp tết - tết mà, giá cả phải khác chứ” - người chủ đò nói dứt khoát.
Đến đây thì tôi đi từ “sốc” đến... buồn. Thì ra, tết đâu chỉ là để nghỉ ngơi, vui chơi, tết còn là dịp để người ta tranh thủ nâng giá thu lời, bất chấp khách hàng sử dụng dịch vụ có đồng ý hay không. Còn đang bần thần, còn chưa kịp nói lại thì chồng tôi bên cạnh đã rút tiền ra trả, rồi dẫn cả nhà rời đò lên bến sông nơi đậu xe. Vừa đi, chồng tôi vừa bảo: “Ông chủ đò ấy đâu có ý muốn giảm tiền đò cho mình đâu, em cự cãi với họ làm gì, vừa mất thời gian, lại thêm bực. Lần sau trước khi xuống đò thì mình hỏi giá cẩn thận cho khỏi bất ngờ... Cả nhà mình về thôi, đừng để chuyện tiền nong làm ảnh hưởng niềm vui du xuân”.
Nghe chồng nói vậy, tôi thôi không nói thêm gì, nhưng lòng thì nghĩ: “Làm gì có lần sau nữa, tôi tự hứa, dù có phải đi đường bộ xa hơn, cũng không đi đò của bác nữa. Bác đã mất đi, chí ít là một khách hàng”.
Nghĩ đến đây, tôi lại chợt nhớ đến người bán hàng gần nhà. Cô bán tạp hóa, rau dưa, mắm muối... Thường ngày khi nhà thiếu gì, tôi đều chạy ra cửa hàng cô mua, cũng là ủng hộ hàng xóm. Vậy nhưng, suốt một năm qua, tôi gần như không mua bất cứ hàng hóa gì của cô, mặc cho bao lần gặp tôi đi qua, cô đều đon đả: “Sao dạo này ít mua hàng vậy cháu, hôm nào cần gì ra đây mua ủng hộ cô nhé”.
Nguyên do cũng bởi, vào ngày đầu xuân năm ngoái, mới sáng ra, mẹ tôi sai đi mua gói muối với vài thứ lặt vặt. Tôi chạy ra hàng cô hàng xóm, đến khi tính tiền thì mới giật mình, các mặt hàng đều lên giá, riêng túi muối cô tính giá gấp đôi. Số tiền chênh không quá nhiều, nhưng cũng từ sau lần đó, tôi không còn ghé quầy hàng cô mua đồ nữa...
Kinh doanh dĩ nhiên phải có lời. Nhưng tranh thủ kiếm lời mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm... Hẳn ai đó sẽ cho rằng, “vắng mợ thì chợ vẫn đông”, tôi không mua hàng thì người bán cũng chẳng vì thế phải đóng cửa?! Bị “móc túi” một cách không vui vẻ, không chỉ tôi, nhiều người có thể cũng không ghé quầy mua hàng, không sử dụng dịch vụ nữa.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/cau-chuyen/tet-ma/30374.htm