Tết muộn của anh xe ôm
Gần Tết, các cửa hàng trên phố đã trang hoàng đèn màu rực rỡ hơn. Những khóm cây ở dải phân cách cũng được chăm chút kỹ hơn, nở hoa. Lẫn giữa dòng người ngược xuôi tấp nập là những xe chở đào quất.
Ngày xuân như đã gõ cửa từng nhà. Anh nghe các chiến hữu trong đội quân xe ôm rỉ tai, ngày Tết ở thủ đô kiếm được khá lắm, gấp bốn, gấp năm thậm chí gấp 10 lần ngày thường. Chỉ cần sau mấy ngày Tết chạy vài “cuốc” là đã giắt lưng được một khoản kha khá. Lúc đó về quê nghỉ bù cũng không muộn.
“Bình thường một nhà mấy người có chung một xe. Tết đến muốn cả nhà cùng đi thăm thú vui chơi thì lại thiếu xe nên phải gọi xe ôm là thường. Lúc đó chặt chém bao nhiêu là tùy mình vì xe rất hiếm”, mấy anh em từng có kinh nghiệm “nằm vùng” khẳng định. Thấy tình hình có vẻ dễ kiếm tiền, lại nghĩ đến khoản nợ mà hai vợ chồng đã phải vay để lợp lại mái ngói từ hồi đầu năm, anh quyết định Tết này sẽ không về quê mà ở lại thành phố chạy xe ôm.
“Anh gửi tiền qua bưu điện rồi đấy. Em nhận về trả nợ cho mọi người đi không Tết nhất mọi người lại đòi thì xui lắm. Đợt rồi anh cũng tích cóp được kha khá, chắc cũng trả được gần hết. Mấy ngày Tết anh cố kiếm thêm để có thêm cái áo cái quần cho các con. Tết này anh không về, mấy mẹ con ở nhà cố gắng chăm nom bảo ban nhau. Anh chúc mọi người ở nhà ăn Tết vui vẻ nhé”.
Chị cứ lặng im nghe chồng nói, cố bình tĩnh dặn dò anh vài câu. Buông máy điện thoại rồi, cảm giác tủi thân không kìm nén được khiến ước mắt chị cứ thế tuôn rơi. Anh đã đi cả năm biền biệt, họa hoằn mới tạt qua nhà một vài ngày rồi lại sấp ngửa lên thành phố kiếm tiền. Ngày Tết những mong cả gia đình vợ chồng con cái được sum vầy mà không thể. Chị biết tính anh đã quyết việc gì thì chị có ngăn cũng không được. Tất cả cũng chỉ vì cái nghèo.
Ngày Tết gần kề, người làng ai cũng dọn dẹp nhà cửa, mua sắm, gói bánh. Nhìn những người xung quanh vui vầy mà lòng chị nặng trĩu, thỉnh thoảng lại thở dài. Rồi bất giác chị nhớ đến lời cô hàng xóm ở thành phố về quê bảo bây giờ trên đấy khan người giúp việc lắm. Mấy ngày Tết, osin nào chịu khó ở lại với nhà chủ thì được thưởng to. Chị cứ nằm trăn trở suốt đêm. Thôi thì chồng đã không ở nhà, Tết nhất giờ cũng coi như ngày thường thôi. Nợ nần phải trả cho xong không cứ kéo dài mãi. Cái xe của anh cũng cũ nát quá rồi. Và chị quyết.
Hôm sau chị nhờ người hỏi xem trên Hà Nội, Tết họ có thuê người giúp việc không. Cô hàng xóm vội vã đi gọi điện. Rồi tìm được một bà bỏ chồng lâu rồi, sống độc thân ở một cái biệt thự to đùng. Hai cô con gái chỉ về chơi Tết một hai ngày đang cần người giúp.
Chị gửi mấy đứa con lại nhà mẹ. Chị dằn lòng lên Hà Nội, không quên dặn mọi người ở nhà không được nói cho anh biết nếu anh gọi về.
Chiều muộn 30 Tết, đường phố đã vãn hẳn. Người ta ai về nhà nấy chuẩn bị ăn bữa cơm tất niên. Lúc này, anh mới có cảm giác hụt hẫng. Anh trở về nhà trọ. Một mình. Căn phòng trọ chín mét vuông trống huơ trống hoác, ở góc nhà có vài gói mì tôm anh đã mua sẵn, một cái bánh chưng bà chủ nhà ghé qua cho anh. Anh đưa miếng mì tôm khô khốc lên miệng nhai trệu trạo. Anh đoán giờ này ở quê, chắc chị đang chuẩn bị bữa cơm cúng gia tiên, mấy đứa trẻ thì ngồi gấp pháo chờ Giao thừa. Anh sợ cứ ngồi nghĩ sẽ lại buồn nên lại vùng ậy dắt xe đi. Gần 12h đêm mới có một thằng nhóc choai choai thuê anh đưa ra Hồ Gươm. Đến hồ, nó vứt cho anh tờ 50 ngàn rồi chạy thẳng.
Anh vừa định quay xe thì tiếng pháo hoa bụp bụp vang lên. Anh đứng ngây người ngắm. Ở quê, chưa bao giờ anh được nhìn thấy pháo hoa. Công nhận đẹp thật. Giá mà vợ con anh cũng ở đây lúc này, được nhìn thấy cảnh tượng đẹp đẽ lung linh đến nhường này. Anh chợt thấy sống mũi mình cay cay. Tan cuộc pháo hoa, mọi người vội vã đổ về nhà. Anh cũng luống cuống dắt xe thoát ra khỏi đám đông. Bỗng “Rầm!”, một chiếc xe máy phóng nhanh lao thẳng vào hông xe anh làm anh ngã quỵ, ngất đi. Anh tỉnh lại thì thấy mình trong bệnh viện, một bên chân đã được bó chặt. May mắn là có người nhà của một bệnh nhân cấp cứu ở gần khu anh trọ nên giúp chở anh về. Xe anh chỉ bị móp bên hông nhưng vẫn chạy tốt.
Cứ nghĩ mấy ngày Tết sẽ kiếm được tiền, nào ngờ đâu lại bị tai nạn thế này. Anh không dám gọi điện về nhà sợ mọi người sẽ lo lắng. Cả ngày hôm đó anh ăn mì tôm. Buổi tối, anh cắt miếng bánh chưng ra mà ứa nước mắt. Nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con và cô đơn khiến anh không thể cầm lòng. Anh khóc òa lên như một đứa trẻ, nấc lên không thể kìm nén nổi.
Lại một ngày nữa đến. Anh lại nằm nghỉ, chợt anh nghe tiếng gõ cửa khe khẽ. Nghĩ rằng mình nghe lầm nhưng rồi anh vẫn cố nhỏm dậy mở cửa. Anh sững người, đứng trước cửa là chị. Hai vợ chồng cứ đứng như thế nhìn nhau hồi lâu. Mắt chị đỏ hoe khiến anh cũng không giấu được sự xúc động. Mãi hồi lâu, anh hỏi chị: “Em vào đi. Sao em lại ở đây, lên thăm anh à?”. Chị nhìn cái chân bó của anh, thảng thốt hỏi: “Chân anh bị làm sao thế kia?”. “Hôm Giao thừa anh bị xe đâm. Chỉ tiếc là không chạy xe kiếm tiền được”, anh thở dài nói. “Vậy mà anh lại bảo em là anh ở trên này đầy đủ lắm, có nhiều anh cũng ở lại cùng chạy xe ôm. Sao anh cứ phải một mình chịu khổ thế này”, chị vừa nói vừa bật khóc.
Anh lúng túng không biết phải làm sao, cuối cùng cũng tìm ra cách đánh trống lảng: “Thế sao em không ở quê mà lên đây làm gì?”. Chị ngoảnh mặt đi chỗ khác, nghẹn ngào nói: “Em lên đây đi giúp việc cho người ta mấy ngày Tết, cố gom góp để còn mua cho anh cái xe khác. Con ăn Tết với bà ngoại”. “Ai cần em phải làm thế? Một mình anh lo kiếm tiền cho gia đình được rồi. Em xin nghỉ về quê đi, có ngày Tết mà các con lại không có cả bố lẫn mẹ thì còn ra gì”, anh cố lên giọng quát nạt. Chị sụt sùi đáp: “Chẳng cần anh bảo em xin nghỉ đâu, họ đuổi em rồi. Cứ tưởng làm osin nhẹ nhàng, nào ngờ, cái biệt thự của bà chủ to rộng lắm.
Mấy ngày trước Tết, em phải lau dọn 5 tầng gác, giặt giũ dọn dẹp đâu vào đấy, mệt đứt hơi mà vẫn không hết việc. Chiều qua gia đình con gái về thăm bà ấy. Chị ta chê em trông quê mùa sợ em làm xấu mặt mọi người khi có khách khứa đến. Chắc bà ấy nghĩ chả còn việc gì nên bảo em nghỉ luôn. Chị bàn: “Thôi, chiều em chở anh bằng xe máy về quê. Khi nào khỏi chân hẳn thì lại lên Hà Nội. Mai mùng 3 vẫn là Tết. Coi như nhà mình ăn Tết muộn”.
Mấy ngày trời âm u mưa phùn, vậy mà chiều nay trời lại hửng nắng. Con đường cao tốc cứ vùn vụt trôi qua. Anh thấy lác đác những cành đào bích trên vùng núi đá dường như hôm nay mới nở, dịu dàng khoe sắc. Con đường ngày xuân vắng vẻ, chỉ có hai vợ chồng bon bon trên xe. Anh thì thầm, dường như nói với bản thân mình mà không màng chị có nghe thấy hay không: “Đói thì ăn đói, no thì ăn no. Đói no gì mà vợ chồng con cái được sum vầy là hạnh phúc nhất, em nhỉ”.
Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/tet-muon-cua-anh-xe-om-d166209.html