Tết muộn và Tết sớm
Vì lý do công tác hoặc sống xa quê, do lỡ tàu, lỡ xe, sau ngày mùng 3 mới về nhà ăn tết, thiết nghĩ đó là chuyện thường tình vẫn gặp. Song, cả một đơn vị, không vì những lý do trên mà phải ăn tết muộn hoặc không có tết mà ăn lại là điều hiếm gặp.
Rồi nữa, vì nhiều lý do mà những ngày tết không có mặt ở nhà, gia đình tổ chức tất niên sớm hơn cũng là chuyện bình thường. Nhưng cả một đơn vị mấy chục người, gom tiêu chuẩn mấy ngày tết dồn cho bữa tất niên vào chiều 28 tháng Chạp lại là chuyện ít có. Vậy mà, hai “trạng thái” tết nêu trên, run rủi thế nào lại rơi cả vào tác giả bài viết này, thế mới lạ!
Tết muộn
Năm 1966, Cụm Tình báo chiến lược B48 của chúng tôi bám trụ tại rừng Vĩnh Lợi, vùng giáp ranh giữa hai huyện Bến Cát và Châu Thành, tỉnh Bình Dương, địa bàn thuận lợi cho công tác liên lạc với các lưới điệp báo nội thành qua cửa ngõ Dĩ An và Phú Chánh. Từ đầu năm, đơn vị đã được bổ sung thêm 9 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 5 cán bộ tập kết trở về. Cấp ủy đảng và lãnh đạo đơn vị họp bàn và đề ra kế hoạch chuẩn bị một cái tết thật chu đáo.
Bộ phận trinh sát “cửa ngõ” có sáng kiến nhờ gia đình người thân, nơi thì nuôi con heo, nơi thì nuôi giúp đàn gà. Tất nhiên, tiền mua con giống từ nguồn tiết kiệm, bớt chế độ ăn mấy tháng, kể cả tiền phụ cấp của anh em, để khỏi mang tiếng là xin của bà con. Giai đoạn đó, quân Mỹ mới vô, còn đang “làm quen với chiến trường nhiệt đới”, chưa mở những cuộc càn lớn nên tình hình chưa căng thẳng, việc tiếp cận đồng bào vùng địch kiểm soát dễ dàng hơn.
Với suy nghĩ để “chắc ăn” đề phòng những ngày cận tết xảy ra sự cố, nên đêm 25 tháng Chạp, tổ trinh sát đã khiêng về một con heo chừng 5-6 chục ký cùng gần chục con gà. Cả đơn vị mừng rơn, nhanh tay mỗi người một việc - tốp sửa hầm cũ thả heo, tốp sửa hầm nhốt gà, tốp kiếm đồ làm máng cho heo và gà ăn. Một cái tết “hoành tráng” đang đến gần.
Vậy mà, một sự cố không tưởng đã xảy ra tại căn cứ của cụm vào đúng buổi trưa ngày 28. Chiếc “đầm già” (máy bay trinh sát) tỷ tê nhiều vòng trên bầu trời rừng Vĩnh Lợi, bỗng nó hạ thấp độ cao, nhào xuống, phóng một trái pháo màu vàng phủ kín khu vực căn cứ. Chỉ mấy phút sau, 2 chiếc phản lực cơ F-105 lao tới, cả một vùng nghi ngút khói bom. Trút hết cơ số bom, cả hai tên giặc lái chuồn thẳng về phía Biên Hòa.
Anh em nhanh chóng lên khỏi hầm, kiểm tra quân số đều an toàn. Về cơ sở vật chất, lán và hầm họp lĩnh trọn một trái bom, may là anh em đã kịp tản về hầm cá nhân. Lán nhà bếp lửa cháy ngùn ngụt. May là khu vực “hầm chăn nuôi” còn nguyên. Trong khi toàn đơn vị tập trung dập lửa, chuẩn bị củng cố lại căn cứ thì chiếc “đầm già” xuất hiện ở tầm thấp, từ phía Dĩ An sang tới rừng Vĩnh Lợi nó nhào xuống, lướt sát khu vực lửa khói rồi ngóc đầu lên chuồn thẳng. Đơn vị quyết định sửa lại căn cứ tá túc qua tết sẽ di chuyển.
8 giờ sáng ngày 29, chiếc “đầm già” lại xuất hiện theo đúng lộ trình cũ, động tác cũ - tầm thấp, nhào xuống sát khu vực đánh bom hôm trước rồi ngóc đầu bay thẳng. 3 giờ sau, bầu trời Vĩnh Lợi náo động bởi tiếng gầm rú của 2 chiếc F-105, 2 chiếc F-4H thi nhau nhào xuống dội bom, nã rốc két vào trận địa cũ. Căn cứ tan hoang, hầm chăn nuôi bị một trái bom đìa nuốt chửng.
Hầm lương thực, thực phẩm chung số phận, chỉ có mỗi ruột tượng gạo cá nhân mỗi người 5 cân mang theo là còn. Sở dĩ có cuộc đánh bồi là do không ảnh của “tên đầm già”. So sánh bức ảnh trưa 28 và sáng 29 khác nhau nhiều, có nghĩa là VC (Việt cộng) vẫn còn tồn tại ở đó. Kiểm lại quân số, trinh sát Hai “mẹo” bị một miểng bom chặt vào cánh tay trái, đơn vị phải khiêng gấp tới trạm cấp cứu tiền phương.
Không thể duy ý chí quyết tâm bám trụ bằng mọi giá, lãnh đạo đơn vị quyết định chuyển cứ sang địa bàn Bắc Bến Cát và phải hành quân ngay trong đêm, bám theo quốc lộ 13 qua An Lợi, Chánh Lưu, vượt Bông Trang, Nhà Đỏ trước khi trời sáng. Trưa 30 tết mới tới rừng Bào Chữa, may gặp được căn cứ cũ của một đơn vị nào đó đã bỏ từ lâu, chỉ cần sửa sang là có thể ở tạm trong lúc đi tìm và xây dựng căn cứ mới. Công việc đầu tiên là phải lo cho cái bao tử đói meo.
Cơm nước xong, tất cả tập trung tu sửa căn cứ. Tổ trinh sát nhanh chóng đi khảo sát cửa ngõ Chánh Lưu, Nhà Đỏ, nhờ gia đình cơ sở bí mật mua lương thực, thực phẩm. Mấy đêm liền đều nhận ám hiệu không an toàn (vì có lính bảo an thực thi nhiệm vụ “chống Việt cộng xâm nhập ấp chiến lược” trong những ngày tết) nên phải rút êm. Đêm mùng 4 mới tiếp cận được gia đình cơ sở.
Bởi quá đột xuất nên gia đình dốc hết lương thực, thực phẩm dự trữ được mấy chục cân gạo, mấy hộp thịt, mắm muối, bột ngọt, cá khô, 2 con gà và 3 đòn bánh tét. Chừng đó thôi cũng là quá may mắn để sáng mùng 5 đơn vị quây quần ăn tết. Cái tết của tình dân trở thành kỷ niệm sâu sắc đối với chúng tôi thời đó.
Tết sớm
Từ địa bàn Đông Bắc, tôi nhận quyết định của lãnh đạo Đoàn tình báo J22 bổ sung quân số cho cụm H67, căn cứ bám trụ tại mật khu Bời Lời - địa bàn ác liệt nhất thuộc chiến trường Tây Bắc Sài Gòn. Mọi sinh hoạt - hội họp, làm việc, ăn, ngủ đều dưới hầm. Không khí tết ở mật khu hầu như không có. Năm nào cũng vậy, mấy tháng cuối năm đều bớt tiêu chuẩn ăn, dành chút tiền cho bữa tất niên vào chiều 30 tết - ngày hai bên tuyên bố ngừng chiến tới hết mùng 2.
Nói thế nhưng có những năm địch đâu chịu chấp hành. Tết vẫn càn quét, lấn chiến như thường. Vì vậy, hưu chiến mà vẫn phải sẵn sàng chống địch. Như thường lệ, chiều 29, tổ trinh sát ra cửa ngõ Suối Bà Tươi đón chuyến tài liệu từ Sài Gòn chuyển về, kết hợp nhờ bà con dân ấp mua giùm đồ tết.
Vào một ngày trước tết Mậu Thân, sau cuộc họp các cụm trưởng từ “tổng hành dinh” Đoàn J22 về, Cụm trưởng Bảy Vĩnh họp toàn đơn vị. Hôm đó ông rất vui, sau khi phổ biến tình hình chiến sự, ông thông báo một quyết định thật “giật gân”: “Thưa các đồng chí, tình hình sắp tới có thể có những biến động lớn. Vì vậy, ta sẽ tổ chức ăn tết sớm hơn. Vì trong những ngày tết tôi và một số đồng chí phải đi công tác. Tết gói gọn một bữa vào chiều 28.
Bộ phận hậu cần chuẩn bị menu (thực đơn) giao tổ trinh sát ra cửa ngõ nhờ bà con sắm giúp. Nhớ là phải có “nước cay” để còn chúc nhau. Chiều 29, tôi và Cụm phó Năm Tuyến cùng trinh sát Hai Hiệp sẽ lên đường, sau tết mới về. Các đồng chí ở nhà phải sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng tư thế khi cần sẽ huy động phục vụ yêu cầu công tác”.
Tình hình khu vực căn cứ mấy ngày giáp tết yên tĩnh, địch không càn quét gì. “Tiệc” tất niên được tổ chức trước “hầm hội trường”. Áo mưa trải xuống đất vừa làm mâm, vừa làm chỗ ngồi. Thực đơn phong phú đến bất ngờ. Có gà luộc, thịt kho tàu, thịt heo quay, bò khô, dưa góp... “chất cay” có tới 2 bịch rượu đế Trảng Bàng rót ra bát sắt cá nhân. Đó là bữa tất niên tưng bừng, hoành tráng nhất đối với chúng tôi sau nhiều năm cố thủ rừng mật khu.
Bí mật chuyến đi chỉ phổ biến tới cấp ủy Đảng. Cụm trưởng vô Sài Gòn trực tiếp chỉ đạo các lưới điệp báo. Năm Tuyến và Hai Hiệp áp tải chiếc xe tải nhỏ hiệu Daihatsu của cơ sở bí mật Năm Bi chở mấy cần xé rau vào thành phố. Dưới lớp rau ngụy trang là vũ khí, đạn dược trang bị cho bộ phận bảo vệ đài vô tuyến “Sài Gòn 2” của đơn vị.
Quốc lộ 22 chiều cuối năm, xe tải cỡ lớn chở đồ hàng bông xếp hàng dài cả cây số ở trạm kiểm soát. Ỷ xe nhỏ, lèo tèo mấy cần xé rau, lái xe quen mặt cảnh sát nên chẳng mấy chốc đã về tới gia đình cơ sở ở quận 10. Chưa đầy nửa giờ sau đã có xe khác chuyển tới địa chỉ tuyệt đối an toàn, đó là tư thất của ông nghị (nghị sĩ quốc hội Sài Gòn) Ba Lễ, điệp viên gạo cội của H67, có bí số là “H9”.
Chuyến đi mạo hiểm ấy đã tạo cho H67 hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần vào chiến thắng Mậu Thân, đánh bại ý chí xâm lược, buộc Mỹ phải rút khỏi chiến trường Nam Việt Nam, tạo tiền đề cho Đại thắng mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước, non sông quy về một mối.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/tet-muon-va-tet-som-577935/