Tết năm nay ít tiếng pháo đì đùng

Mấy ngày Tết năm nay lạ quá, tiếng pháo nổ, pháo bông lặng ngắt.

 Hình ảnh "thủ phủ" pháo nổ ở xã Lương Điền (Cẩm Giàng) mùng 1 Tết Kỷ Hợi 2019 (ảnh trên) và mùng 1 Tết Canh Tý 2020 (ảnh dưới)

Hình ảnh "thủ phủ" pháo nổ ở xã Lương Điền (Cẩm Giàng) mùng 1 Tết Kỷ Hợi 2019 (ảnh trên) và mùng 1 Tết Canh Tý 2020 (ảnh dưới)

Tôi giữ thói quen năm nào cũng thế, cứ thời khắc giao thừa là đứng từ tầng 2 để hít hà cái hương vị của đất, của trời đang cựa mình "tống cựu nghinh tân". Giao thừa năm nay, chỉ lác đác xa xa một vài tiếng pháo đì đùng vụng trộm, một ánh pháo bông vội vã lóe lên không trung rồi rụng rơi lạc lõng, chứ không râm ran thách thức như nhiều năm trước. Không gian tĩnh mịch hơn nên đủ để nghe trong gió tiếng chuông chùa xa xa vọng lại, tiếng mẹ tôi rì rầm bên mâm cỗ cúng giao thừa với làn hương trầm vương vấn. Xong lễ, mẹ tôi quay ra bảo "Tết nay đã ít rượu bia lại còn ít pháo. Thế mới lành con ạ!".

Hồi bé trong ký ức của tôi, không chỉ giao thừa, mùng 1 Tết mà có khi đến rằm tháng giêng, tiếng pháo vẫn râm ran từ làng trên về xóm dưới. Xác pháo đỏ phủ đầy một góc sân rêu mốc, đầy những con đường làng lát gạch nghiêng lởm chởm. Đủ các loại pháo, pháo tép nhỏ hơn đầu đũa, còn pháo cối to như bắp chuối đủ làm lõm một góc sân trát vữa. Trước Tết cả tháng, câu đầu tiên cánh thanh niên, trẻ con trong xóm hễ gặp nhau là hỏi đã mua thuốc pháo chưa, giá cả thế nào, giấy lấy ở đâu? Rồi hì hục sấy thuốc, cuốn pháo, tra thuốc, tra ngòi, tết bánh. Vào thời ấy, nhà nào ở quê có nhiều bánh pháo, bánh dài, cuộn to vừa vặn lòng mâm thì mới là "đẳng cấp".

Nhưng đã không ít người vì pháo mà nhẹ thì rám mặt, dập ngón tay, nặng thì chỉ còn một con mắt, một cánh tay đón Tết. Không ít gia đình áp Tết phải sang hàng xóm ở nhờ vì ông chồng lóng ngóng sấy thuốc pháo làm cháy đùng đùng chái bếp rồi lan lên căn nhà lợp rạ. Đốt pháo kéo theo một khoản chi phí khổng lồ nếu tính cả làng, cả xã rồi cả nước cộng lại. Cái chi phí không đáng có ấy rơi đúng vào Tết - thời điểm vốn phải chi tiêu nhiều thứ...

Từ những hạn chế ấy mà ngày 8.8.1994, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 406 về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Trong đó nêu rõ: Kể từ ngày 1.1.1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước. Tuyên truyền rộng rãi về tác hại và nguy hiểm của việc sản xuất, buôn bán và đốt pháo, vận động, thuyết phục, giải thích cho mọi người thông suốt và đồng tình với chủ trương cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo của Chính phủ...

Đã 25 năm kể từ ngày Chỉ thị 406 được thực thi. Dù là một nét cổ truyền nhưng tục đốt pháo đã dần dần biến mất. Chỉ còn đâu đó một số ít người lén lút đốt vụng trộm rồi chối bay chối biến khi có người hỏi tại sao có xác pháo đầy trước cổng? Một số đối tượng vì món lợi trước mắt mà bất chấp buôn bán, vận chuyển pháo trái phép. Biết bao kẻ bị xử phạt, phải đón Tết trong nhà tạm giam, tạm giữ vì liên quan đến pháo. Sự kiên trì trong tuyên truyền, vận động, xử lý nghiêm minh, sự phản đối của đa số quần chúng đã khiến các hành vi liên quan đến pháo giảm mạnh. Tiếng pháo ngày Tết bây giờ đã thành vô duyên, lạc lõng.

Ngay sáng mùng 1 Tết, tôi đã lái xe một vòng dạo qua các "thủ phủ" đốt pháo những năm trước, nhưng hiếm lắm mới gặp một đám xác pháo. Còn lại, đường làng, đường phố tinh tươm sạch sẽ. Bạn tôi ở nhiều nơi trao đổi vẫn còn tiếng pháo, nhưng ít hơn hẳn năm trước. Vừa rồi, trong bữa cỗ hóa vàng, nói chuyện về pháo năm nay giảm hẳn, mẹ tôi lại bảo: "Thế là đúng. Chả ai dại gì đùa với pháp luật. Tết thì cứ có con cháu vui vầy, khỏe khoắn, gọi dạ bảo vâng là đủ, là đầy. Tết thì cứ gì pháo nổ mới vui!".

CẨM GIANG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/tet-nam-nay-it-tieng-phao-di-dung-126888