Tết này, mẹ con ta lại về quê!
Mẹ không ủng hộ con nhưng cũng không kịch liệt phản đối. Con gái mẹ tốt nghiệp đại học, đi làm có thu nhập độc lập rồi, nên mẹ tôn trọng và muốn con tự quyết định lựa chọn của mình. Mẹ không cổ hủ đến mức không chấp nhận sự khác biệt trong suy nghĩ của con.
Mấy năm liền con gái toàn cùng bạn đi chơi xa dịp Tết. Mẹ dỗ dành nàng ở nhà thì nàng bảo: "Ui mẹ ơi, thanh xuân vèo trôi như chiếc lá, sau này chồng con vào, làm sao được bay nhảy nữa. Nên phải tranh thủ những ngày tươi đẹp mẹ à".
Nàng ấy còn động viên: "Bố mẹ còn khỏe mạnh, sung sức, cũng nên đi chơi thật nhiều vào. Mà mẹ cứ mạnh dạn đi du lịch một năm không về quê ăn Tết nữa. Trải nghiệm Tết ở nơi xa cũng thú vị vô cùng. Giờ hiện đại, mẹ phải tân tiến lên, đừng có cứ ngày cúng kiếng mấy lần, cơm dọn ra rồi lại dẹp vào, mệt người. Mẹ bạn con á, hiện đại cực, cũng "dâu thứ" như mẹ nên cứ Tết đón Giao thừa xong là cả nhà dắt nhau đi du lịch từ mùng Một đến hết Tết mới về. Vậy mà mẹ cứ thân làm tội đời, buộc mình vào việc Tết ở quê, lo toan đủ thứ. Sau này con đi lấy chồng á, quên đi. Thời đại 4.0, không lạm dụng sức người. Cứ cái gì thấy vui vẻ, hạnh phúc thì mình làm thôi, mẹ ạ".
"Cha bố cô, giờ lại còn "lên lớp" dạy mẹ yêu bản thân cơ đấy", mẹ nhủ thầm trong lòng, chỉ mỉm cười với nàng ấy rồi thôi. Thực ra thì lúc đầu nàng ấy "đòi" đi du lịch vào Tết, mẹ cũng chẳng thích đâu. Vì mẹ vẫn nếp nghĩ của người truyền thống, ấy là Tết phải đủ đầy cháu con trong nhà mới là trọn vẹn. Tết người người tìm về nhà, mình lại tính chuyện đi xa, thật chả thuận tai chút nào.
Mẹ không ủng hộ con nhưng cũng không kịch liệt phản đối. Con gái mẹ tốt nghiệp đại học, đi làm có thu nhập độc lập rồi, nên mẹ tôn trọng và muốn con tự quyết định lựa chọn của mình. Mẹ không cổ hủ đến mức không chấp nhận sự khác biệt trong suy nghĩ của con. Giống như con không thích năm nào mẹ cũng về quê, cùng các bác lo toan Tết nhất, dù chúng ta sống ở thành phố, ông bà cũng đều đã thành người thiên cổ. Nhưng mẹ lại thích và hạnh phúc vì điều đó. Vì mẹ yêu không khí Tết quê, mẹ thích sự sum vầy, thích cảnh làng quê rộn ràng đón Tết, thích cảnh mấy chị em dâu tám chuyện quanh nồi bánh chưng...
Bố con nhất định không đồng ý, mắng mẹ chiều con. Mẹ phải giải thích, làm công tác dân vận mãi bố mới đồng ý để "bình rượu mơ" được tự do bay nhảy.
Kết thúc chuyến đi đầu tiên trở về, gương mặt con rạng ngời vì được trải ngiệm những điều mới mẻ. Và thay vì về quê dịp Tết, rằm tháng Giêng, con chủ động đề xuất thay bố mẹ về quê thắp hương các cụ, "chúc Tết muộn" họ hàng. Con tự nghĩ và làm được điều ấy, mẹ an tâm trong lòng.
Năm nay, cứ nghĩ cô nàng đã có kế hoạch vi vu dịp Tết, nhất là sau mấy mùa Covid cuồng chân. Nhưng không, ngạc nhiên chưa, con gái mẹ lại thì thầm: "Tết năm nay con về quê sớm với mẹ. Bố và thằng Còi về sau cũng được. Con sẽ chụp cho riêng chị em dâu của mẹ một bộ ảnh Tết quê thật đẹp". Mẹ không tin nổi tai mình, tròn mắt nhìn con: "Không có lẽ, dấu hiệu của... đại hỉ năm rồng?".
Nàng ấy mặt đỏ ửng: "Chưa chưa, gì mà nhanh thế! Đi xa, "trốn Tết" rồi lại muốn được trở về mẹ ạ. Trải nghiệm cho biết thôi, con nhận ra, con vẫn muốn sự quây quần. Hôm trước con nhắn tin cho anh chị ở quê, năm nay bảo bác Cả gói bánh chưng sớm, con sẽ về cùng mấy anh chị trang hoàng nhà cửa thật đẹp đẽ. Tết phải đẹp, phải rực rỡ, rộn ràng"... Tiếng con gái cười giòn tan. Còn tim mẹ, lặng đi vì yêu con, vì cảm động.
Rất có thể, đến thời của các con, Tết rồi sẽ khác, vì mỗi thời, mỗi người, mỗi gia đình một cách nghĩ, cách làm. Ngày xưa thế hệ mẹ trân quý, mong chờ Tết vì cả năm có mỗi mấy ngày được no đủ, sung sướng hơn những ngày thường thiếu thốn. Một bộ quần áo mới diện Tết, một quả bóng bay, một cái kẹo mừng tuổi từ người thân cũng đủ làm những đứa trẻ thế hệ của mẹ thèm và nhớ Tết.
Vẫn biết, thời nào cảm xúc ấy. Mẹ không ép tư duy của thế hệ gene Y, gene Z các con giống "mấy bà già" gene X ngày xưa của mẹ. Nhưng những giá trị của hạnh phúc gia đình, của sự đoàn viên thì mẹ tin, thời nào cũng thế. Con gái ơi, mẹ hạnh phúc vô cùng, vì mẹ cảm nhận được sự biết trân trọng gia đình, nguồn cội và trưởng thành nơi con.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tet-nay-me-con-ta-lai-ve-que-2024020815034346.htm