Tết nghèo của gia đình cựu chiến binh có bốn người nhiễm chất độc da cam
Thấy có khách đến chơi, người con trai 42 tuổi cầm con dao lăm lăm từ bếp chạy ra đuổi chúng tôi. Hai người em gái lẻo khẻo, ốm o chạy theo cản anh lại. Họ là ba đứa con bị nhiễm chất độc da cam của một cựu binh già trở về từ chiến trường Quảng Trị.
Cảnh đời đáng thương ấy được nhóm phóng viên Báo Nhân Dân điện tử tận mắt nhìn thấy trong chuyến đi thiện nguyện chia sẻ khó khăn của những nạn nhân chất độc da cam ở Hà Nam trong những ngày cận Tết.
Căn nhà tuềnh toàng, kê vừa ba chiếc giường đủ hai ông bà và hai đứa con dại. Phía sau đó, căn nhà tình nghĩa được một cá nhân tặng từ thiện ông dành riêng cho cô con gái thứ hai. Cả nhà ông mỗi nó là bị ảnh hưởng chất dioxin ít nhất. Cô mới sinh hạ thêm một đứa con gái trông xinh xắn, khỏe mạnh sau khi đã có đứa con trai đầu bị chậm phát triển.
1. Căn nhà của ông Phạm Văn Điển nằm ở xã Trung Lương, huyện Bình Lục, cách trung tâm huyện chừng 2 km. Khi chúng tôi đến nhà để gửi chút món quà đầu xuân 2020, ông đang bận rộn nấu bữa trưa cho cả nhà, phục vụ cho cả cô con gái vừa mới sinh con thứ hai được đôi ba tháng. Con trai duy nhất của ông - Phạm Văn Thiết đun được phích nước xách lên đầu hồi nhà vứt đó, rồi quay xuống bếp. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn trò chuyện, Thiết cầm dao ra và tuyên bố: “Nhà tao đầy tiền. Nếu muốn nói chuyện tao mang cả vũ khí lên ngồi nói chuyện”. Cô con gái thứ hai Phạm Thị Thoa cùng cô em út bíu lấy tay anh trai, ngon ngọt dỗ dành để giữ con dao lại.
Ông Điền dẫn chúng tôi lên nhà, nghẹn lời bảo “Nó cứ khùng điên thế đấy. Lúc nào nịnh không được, tôi lại phải nhốt, khóa chặt cửa”. Cậu con trai duy nhất là nguồn hy vọng về một người nối dõi tông đường dòng họ Phạm đã từ lâu dập tắt trong tâm trí của ông Điền. Ông chỉ mong đứa con trai đừng gây hậu họa.
Ở tuổi 42,Phạm Văn Thiết là một nỗi sợ hãi mơ hồ với những người dân chung quanh làng. Thiết bị thiểu năng trí tuệ từ nhỏ, không tự lập được, không giao tiếp và không hiểu gì những lời mọi người nói. Thiết hay nổi khùng vô cớ. Thậm chí, có lần cầm dao dọa cả nhà. Nhiều lần, Hội nạn nhân chất độc da cam đến thăm hỏi, nhiều tổ chức thiện nguyện đến tặng quà, đều nhận được lời đe dọa: “Các ông còn đến nhà tôi nhiều, tôi cầm dao chém chết”.
Dù không ít lần bị dọa nạt, nhưng hằng năm, gia đình của anh Thiết vẫn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Theo lời Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Bình Lục Nguyễn Đình Ngự, toàn huyện Bình Lục có hai gia đình có bốn người bị di chứng chất độc da cam gồm nhà ông Phạm Văn Điển và bà Trần Thị Tơ. Mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng nhà ông Điển thật sự đáng thương khi thứ chất độc đáng sợ đó không chỉ ảnh hưởng đến ông với nhiều bệnh tật, mà khiến cả ba đứa con của ông cũng sống vất vưởng, không vui, chẳng buồn và chẳng biết có cuộc sống ngày mai.
Thiết khùng là thế, nhưng hai cô con gái cũng bị chất độc da cam làm cho tàn tạ chẳng kém. Đứa con thứ ba bị áp huyết thấp, thiểu năng trí tuệ, lác mắt, vẹo cột sống, đau dạ dày, viêm xoang mũi. Còn đứa con gái thứ hai nhanh nhẹn nhất cũng bị lác mắt, chậm chạp và sức khỏe kém. Vợ ông, vừa được xuất viện do phẫu thuật ruột thừa nằm nhà dưới. 20 năm nay, căn bệnh thấp khớp cũng hành hạ người phụ nữ ở tận cùng đau khổ này.
2. Ông Điền bảo, cay đắng nhất cuộc đời ông là chất độc dioxin khiến những đứa con của ông không có cơ hội được thành người khỏe mạnh, đủ nhận thức để sống như người bình thường.
Sáu năm tại chiến trường B5 Quảng Trị với nhiệm vụ là chiến sĩ trinh sát tại Đại đội 14, Trung đoàn 38, ông Phạm Văn Điển (sinh năm 1947) may mắn hơn nhiều đồng đội bấy giờ, được phục viên về nhà năm 1974 với một cơ thể lành lặn. Vết hằn chiến tranh, dường như nằm lại sau lưng sau sáu năm ông cùng với các đồng đội đã chiến đấu hết mình tại chiến trường đỏ lửa.
Ngày trở về, cả gia đình, dòng họ reo mừng vì cậu con trai trưởng họ đã không nằm lại chiến trường. Hai năm sau, ông lập gia đình với một cô gái cùng làng. Lần lượt hai cô con gái ra đời, và qua đời chỉ sau đó một thời gian ngắn khiến ông không thôi đau đớn. “Tôi nghĩ hai đứa con này không có duyên với vợ chồng tôi nên đành cắn răng thương xót”, ông Điển bảo.
Năm 1978, ông được bù đắp nỗi đau đớn bằng việc vợ ông hạ sinh một cậu con trai kháu khỉnh, lành lặn. Ông nén khóc cảm tạ trời đất đã thương vợ chồng ông có một cậu con trai nối dõi tông đường. Phạm Văn Thiết - con trai duy nhất của ông đã lớn lên, khỏe mạnh. Sau đó, vợ chồng ông có thêm hai người con gái.
Cuộc sống những tưởng từ đây sum vầy, bình yên. Nhưng càng lớn lên, ba đứa con ông lần lượt có những biểu hiện của bệnh tật. “Chúng đều bị vẹo cột sống, lệch mặt, vẹo cổ, lác mắc và khổ tâm nhất là thiểu năng trí tuệ, nói không hiểu gì. Cho ăn biết ăn, cho mặc biết mặc”, ông Điền kể. Năm 2000, ông được Nhà nước trợ cấp chế độ nạn nhân chất độc da cam. Lúc bấy giờ, những đứa con của ông chừng 8-10 tuổi cũng được công nhận theo chế độ của bố.
Trong số những đứa con của ông, cô con gái thứ hai Phạm Thị Thoa (sinh năm 1983) có vẻ khôn hơn chút, có thể đi làm giúp việc lặt vặt cho bà cô ở chợ. Cô ruột thương tình gán cho một người đàn ông không cha, không mẹ, hy vọng cả hai sẽ bấu víu vào nhau để sống. Cuộc sống vui vầy được chừng 8 năm, khi sinh được cô con gái thứ hai, thì người con rể hụt này của ông Điền cũng bỏ mà đi, để ba mẹ con bơ vơ ở ngoại. Đứa bé trai trông kháu khỉnh chừng 7 tuổi, nhưng Thoa cho biết con cũng học hành rất chậm chạp, không như các bạn cùng trang lứa.
Bao nhiêu năm nay, cả nhà ông sống bằng bốn chế độ trợ cấp, cao nhất là của ông được 1,9 triệu đồng/tháng và hai đứa con gái được chừng 900 nghìn đồng/đứa/tháng. Trước đây, năm miệng ăn sống bằng số tiền trợ cấp chỉ 5,6 triệu đồng. Giờ đây, chỉ với số tiền đó, ông phải gánh thêm nuôi hai đứa cháu, một đứa vẫn còn đang tốn kém tiền bỉm sữa.
3. Ở tuổi 75, ông Điền vẫn phải nhanh nhẹn để thu vén nhà cửa. Ngôi nhà có được chút khang trang này là do các cô, chú trong nhà có điều kiện giúp đỡ. Làm trưởng họ, nhưng ông cũng thấy tủi khi không thể lo được mọi thứ chu toàn. Đôi mắt trũng sâu cùng năm tháng thi thoảng lại ngấn nước mắt kể: “Gia cảnh khó khăn, không ai làm gì để tăng được thu nhập. Mọi việc trong nhà từ đi chợ, nấu cơm, giặt giũ cũng đến tay ông. Nhà có bảy miệng ăn nên tôi phải đặt ra chỉ tiêu là ăn hạn chế, chỉ đủ ăn bảo đảm cuộc sống. Các công việc giỗ chạp, cưới hỏi cũng phải thắt lưng buộc bụng”.
Một ngày cuối năm Kỷ Hợi, chúng tôi có cơ hội được phối hợp Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Bình Lục tổ chức gặp mặt và trao tặng gần 300 suất quà “Tết ấm” cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam trong huyện. Rưng rưng cầm món quà “Tết ấm” trị giá 3 triệu đồng, ông Điền tâm sự, có tiền trợ cấp, có được sự chia sẻ của nhiều tổ chức, cá nhân với gia đình ông Điền nhiều năm qua cũng đã giúp gia đình ông vượt qua được nhiều khó khăn. Điều ông lo nhất, giờ đây cơ thể có chút bệnh tật đau đầu, phì đại tiền liệt tuyến có thể không quật ngã được ông. Nhưng mai kia, khi ông già yếu, nằm xuống, những con ông, ai sẽ là người chăm lo cho chúng. “Tôi chỉ đau đáu mỗi điều đó, các cô ạ”, ông Điền chua xót nói.
Căn nhà tuy nhỏ, tuy toàn những mảnh ghép vốn chẳng ăn nhập với nhau, không ai hiểu ai, không chia sẻ được với ai, nhưng những năm gần đây đã thêm phần ấm cúng. Đứa con gái thứ hai của ông, tuy thiệt thòi vì bị chồng bỏ bê, nhưng với ông, hai đứa cháu ngoại là niềm hy vọng sống kỳ diệu. Mỗi ngày ông đưa đón cháu trai đi học, với mong nuốn nó sẽ là một đứa trẻ bình thường, không như anh Thiết, bác ruột nó.
Nỗi đau da cam đã đi theo ông cả một đời người, đã làm tàn tạ cả thế hệ con cái của ông. Nhưng hy vọng sống vẫn chưa hề tắt trong ông. Ông chỉ mong ông sống thêm thật lâu nữa, những đứa cháu lớn lên khỏe mạnh, để ít nhất, sau này còn giúp ông bà làm chỗ dựa cho mẹ chúng, cho bác và dì của chúng.
Tết Canh Tý năm nay, gia đình ông Điền có thêm thành viên mới. Cô bé kháu khỉnh có lẽ là bông hoa Tết đẹp đẽ nhất giữa ngôi nhà mùa xuân chưa kịp về. Số tiền nhỏ nhoi mà chúng tôi quyên góp được và tặng cho gia đình ông nhân dịp trước khi Xuân về, hy vọng sẽ mang thêm chút hơi ấm trong ngôi nhà nhỏ đã gánh chịu nhiều bất hạnh bởi chiến tranh.