Tết Nguyên đán có thể trở thành ngày lễ liên bang mới nhất của Mỹ
Tết Nguyên đán có thể trở thành ngày lễ liên bang của Mỹ theo dự luật do hạ nghị sĩ Grace Meng đề xuất. Đây là một bước quan trọng để công nhận ngày lễ được nhiều cộng đồng châu Á trên thế giới chào đón.
Chủ cửa hàng giúp khách chọn đồ trang trí cho Tết Nguyên đán ở khu phố Tàu của Los Angeles vào ngày 28.1 - Ảnh: AP
Nếu dự luật này được thông qua, Tết Nguyên đán sẽ trở thành ngày lễ liên bang thứ 12 của Mỹ. Con số này vẫn ở mức 10 trong gần 4 thập niên, trong đó có lễ kỷ niệm sinh nhật của mục sư Martin Luther King Jr. được thiết lập vào năm 1983. Điều đó đã thay đổi vào tháng 6.2021 khi Tổng thống Biden ký dự luật chọn ngày 19.6 (lễ Juneteenth) là ngày lễ liên bang thứ 11, nhằm kỷ niệm sự kiện giải phóng những người Mỹ da đen bị bắt làm nô lệ trong quá khứ.
Grace Meng là người Mỹ gốc Đài Loan, lớn lên ở quận Queens, TP.New York. Bà nói với The Washington Post hôm thứ Ba rằng việc đưa Tết Nguyên đán trở thành ngày lễ liên bang sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ về sự hòa nhập cho người Mỹ gốc Á và cả người Mỹ không phải gốc Á. Dù triển vọng thành công của dự luật là không rõ ràng, nhưng Meng cho biết bà đã không gặp phải trở ngại trong giai đoạn đầu.
“Điều này thực sự gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới cộng đồng người Mỹ gốc Á - với tư cách là cộng đồng có dân số tăng nhanh nhất ở Mỹ - rằng họ được đánh giá cao và được coi là một phần tạo nên đất nước này. Nó cũng gửi đi một thông điệp quan trọng đến những người Mỹ không phải là gốc Á rằng truyền thống và văn hóa này là một phần của nước Mỹ”, Meng nói.
Judy Tzu-Chun Wu, giáo sư nghiên cứu về người Mỹ gốc Á tại Đại học California ở Irvine, cho biết bên cạnh lý do truyền thống và văn hóa, Tết Nguyên đán cũng rất quan trọng đối với người Mỹ gốc Á vì các lý do kinh tế và chính trị.
Dự luật của bà Meng được đưa ra vào thời điểm phức tạp đối với nhiều người Mỹ gốc Á. Việc dân số ngày càng tăng đã thúc đẩy tầm nhìn và quyền lực chính trị của người Mỹ gốc Á. Bên cạnh đó, nó cũng khiến làn sóng chống lại người châu Á gia tăng, dẫn đến sự phân biệt đối xử, cô lập và bạo lực đối với họ.
Bà Meng cho biết việc nâng cao tầm nhìn về các truyền thống văn hóa được tôn vinh rộng rãi trong cộng đồng người châu Á, có thể đóng vai trò đối trọng với tình trạng bị gạt ra ngoài lề xã hội mà nhiều người châu Á và người Mỹ gốc Á phải đối mặt trong hai năm qua.
“Một phần nguyên nhân của tình trạng này là do sự thiếu giáo dục và hiểu biết về một cộng đồng thường bị coi là người nước ngoài và không thực sự là người Mỹ”, Meng nói. “Và điều tuyệt vời ở đất nước này là chúng ta có thể tiếp tục tìm hiểu về các cộng đồng khác nhau, cho dù họ đến đây từ nhiều thế hệ trước hay chỉ mới gần đây”.
Dự luật nói trên đã được bà Meng đề xuất tuần trước, với 44 người đồng bảo trợ. Bà Meng cho biết dự luật vẫn đang trong giai đoạn đầu và thừa nhận: “Tôi phải thuyết phục được 51% đồng nhiệm của mình”.
Nhiều người thắp nến cầu may mắn vào đêm giao thừa tại đền Leng Noei Yi ở Bangkok, Thái Lan
Tết Nguyên đán đã trở thành một kỳ nghỉ được chỉ định ở các trường công lập của New York kể từ năm 2015. Các trường học có cộng đồngg người châu Á lớn trên khắp đất nước cũng làm theo: các trường công lập quận Montgomery ở Maryland đã cho học sinh nghỉ Tết Nguyên đán kể từ năm 2020, trong khi các trường công ở Iowa đã chấp thuận việc nghỉ Tết Nguyên đán trong ba năm tiếp theo.
“Trong khoảng thời gian trưởng thành ở New York, tôi luôn phải cắt ngắn lễ kỷ niệm Tết Nguyên đán của mình. Cha mẹ không muốn tôi đi ngủ quá muộn vì còn phải đi học vào ngày hôm sau”, bà Meng nói.
Dự luật của bà Meng đã được tổ chức phi lợi nhuận Hiệp hội Phát huy công lý người Mỹ gốc Á (AAJC) tán thành. Theo Chủ tịch John C. Yang của AAJC, việc công nhận Tết Nguyên đán là một ngày lễ liên bang không chỉ giúp đỡ rất lớn cho những người Mỹ gốc Á từ lâu đã bị gạt ra ngoài lề xã hội, mà còn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng nước Mỹ chấp nhận sự đa dạng của mình.
“Thật thú vị khi nghĩ về cách các ngày lễ liên bang được tạo ra và điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với đất nước chúng ta. Hãy nghĩ xem phải mất bao lâu để Ngày Martin Luther King Jr. (MLK day) trở thành một ngày lễ liên bang và bây giờ tất cả chúng ta, dù thuộc đảng phái nào, đều trải qua ngày đó để suy ngẫm về những di sản của ông ấy”, Yang nhận xét.
Người phụ nữ Việt Nam đang làm món bánh chưng để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán ở Đông Anh, Hà Nội - Ảnh: EPA
Yang lưu ý rằng một khía cạnh quan trọng khác của việc đưa Tết Nguyên đán trở thành một ngày lễ liên bang là để xóa tan quan niệm sai lầm phổ biến rằng người châu Á chỉ là một cộng đồng. Tết Nguyên đán có lẽ là thuật ngữ bao hàm nhất cho lễ kỷ niệm, nhưng nó được đánh dấu bằng những tên gọi, lời chúc và truyền thống khác nhau tùy theo quốc gia. Và trong khi nổi bật ở các quốc gia như Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc và Việt Nam, nó không được tổ chức ở Nhật Bản.
“Các nền văn hóa thiểu số thường bị quên lãng trong xã hội của chúng ta. Bất cứ khi nào có cơ hội kể những câu chuyện hay nền văn hóa của mình - mà điều đó phù hợp với văn hóa nước Mỹ - chúng ta nên trân trọng và coi đó là một điều tuyệt vời”, Yang nói thêm.