Tết Nhân ái - Tết trao yêu thương
Khi mỗi góc phố trên khắp đất nước Việt Nam đều hòa mình vào khúc ca mừng Xuân mới, tại những gia đình chính sách, khó khăn, Tết cũng đủ đầy.
Có được điều này là nhờ chương trình Tết Nhân ái - sáng kiến của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được kiên trì thực hiện mỗi dịp Tết Nguyên Đán. Không chỉ là những phần quà, Tết Nhân Ái còn mang theo những thông điệp yêu thương, sự chia sẻ và hy vọng, như một làn gió ấm áp đến với những ngõ hẻm lạnh lẽo, những mái nhà thiếu vắng niềm vui.
Tết về trên từng nếp nhà
Chủ tịch Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, sáng kiến "Tết Nhân ái" được Trung ương Hội triển khai sau 23 năm thực hiện "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam". Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Hội Chữ thập đỏ cả nước đã vận động hơn 1,2 triệu suất quà để trao tặng những hoàn cảnh khó khăn, giúp họ đón một cái Tết ấm áp, đủ đầy hơn.
Phong trào "Tết Nhân ái" đã được tổ chức rộng khắp các địa phương, góp phần quan tâm, chăm lo Tết cho hàng ngàn lượt gia đình nghèo, người già neo đơn, trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam... có điều kiện vui Xuân, đón Tết.
Phong trào này đã huy động sự chung tay của cộng đồng, nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ, trao những món quà Tết ý nghĩa, thiết thực cho người dân trên địa bàn; tạo nguồn quỹ để hỗ trợ xây dựng thêm nhiều ngôi nhà Chữ thập đỏ cho các gia đình khó khăn về nhà ở tổ chức các hoạt động khám và cấp phát thuốc miễn phí.
Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, hộ có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là hộ nghèo, giúp người dân đón Tết đoàn viên, đầm ấm, sung túc và nghĩa tình. Tổng kinh phí dự kiến tổ chức các hoạt động và chăm lo Tết là hơn 915 tỷ đồng, tăng 34 tỷ đồng so với năm Quý Mão 2023. Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Huỳnh Lê Như Trang, trong Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Thành phố thực hiện tốt chăm lo Tết cho các diện chính sách, hưu trí, bảo trợ xã hội, người cao tuổi, trẻ mồ côi, thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn với khoảng 475.459 suất.
Là tỉnh miền núi, biên giới với trên 83% là người dân tộc thiểu số, Lạng Sơn luôn quan tâm đến người có công, đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, đặc biệt là đồng bào các dân tộc. Lạng Sơn đã tổ chức chương trình Tết Nhân ái trao tặng tại chỗ 12 phần quà cho các gia đình chính sách, trao tặng 200 suất quà cho 200 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Tại Chương trình, nhiều hoạt động được tổ chức như: khám, chữa bệnh nhân đạo, cấp thuốc miễn phí cho người dân, cấp phiếu đổi quà cho các hộ nghèo… và các hoạt động vui Xuân, đón Tết.
Dù ở các thành phố lớn hay những vùng nông thôn hẻo lánh, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam luôn sẵn lòng tổ chức, thực hiện các hoạt động Tết Nhân ái. Những hoạt động này không chỉ mang lại niềm vui và sự ấm áp cho những người nhận được sự giúp đỡ, còn tạo ra tác động tích cực đối với xã hội; qua đó, thể hiện và nuôi dưỡng tinh thần tương thân tương ái, làm sâu sắc thêm giá trị nhân văn trong cộng đồng.
Sáng tạo trong các phong trào
Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Tết Nhân ái thường gắn liền với các hoạt động tại các bản làng. Chương trình tổ chức phát chăn ấm, quần áo, và thực phẩm, đồng thời tổ chức các buổi học về văn hóa và trò chơi dân gian cho trẻ em. Sự kết hợp giữa hỗ trợ vật chất và giáo dục văn hóa giúp người dân nơi đây có một cái Tết đầy đủ và phong phú hơn.
Các tỉnh miền Trung, nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai như lũ lụt, Tết Nhân ái không chỉ là dịp để chia sẻ, còn là cơ hội để tái thiết, phục hồi. Nhân dịp Tết Nhân ái, Hội chữ Thập đỏ trao tặng các căn nhà tình nghĩa, xây dựng các bếp ăn tập thể, bếp ăn bán trú cho các trường học.
Các hoạt động của Tết Nhân ái vô cùng phong phú, hiệu quả, đổi mới, sáng tạo, phù hợp và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, như: xây dựng “Nhà Nhân ái”, “Quỹ bầu bí”, “ Nồi cháo yêu thương”, “Bữa trưa, sữa, cho trẻ mầm non vùng sâu xa”, “Tủ lá lành”, “Hòm nhân ái”, “Tết nhân ái”, “Chợ tết không đồng”, “Trung thu cổ tích”, “Tết thiếu nhi cho trẻ em nghèo”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, đây là chương trình có ý nghĩa hết sức thiết thực, có tính nhân văn sâu sắc, tạo sự gắn kết cộng đồng, cùng chung tay lan tỏa tình yêu thương, lòng nhân ái, mang đến cho nhân dân không khí Tết đầm ấm, vui tươi.
Trong những năm gần đây, Tết Nhân ái còn hướng tới việc phát triển các chương trình bền vững, nhằm đối phó với những thách thức mới, như: biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Hội Chữ thập đỏ không chỉ nhìn vào nhu cầu trước mắt, còn chú trọng đến việc xây dựng củng cố cộng đồng để chống chọi với những khó khăn lâu dài. Tùy theo từng năm, từng địa phương, các hoạt động của chương trình có thể khác nhau nhưng không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ về vật chất. Các hoạt động này còn góp phần quảng bá tinh thần tương thân tương ái và sự quan tâm đến cộng đồng, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội trong mỗi cá nhân.
Nơi đây, Tết không chỉ là dịp để sum vầy, còn là cơ hội để mỗi trái tim biết hướng về nhau, để những tấm lòng nhân ái được bày tỏ qua những hành động thiết thực. Tết Nhân ái, không chỉ là một chương trình từ thiện thông thường, còn là một biểu hiện sâu sắc của văn hóa chia sẻ và quan tâm đến cộng đồng trong dịp Tết truyền thống.
Trong bức tranh rực rỡ của mùa Xuân, những hoạt động Tết Nhân ái vẽ nên những nét chấm phá tinh tế, màu sắc của lòng nhân ái và sự đồng cảm, làm đẹp thêm cho ngày Tết. Từ thành thị sầm uất đến những vùng quê yên bình, từ những ngôi nhà khang trang đến những mái ấm nghèo nàn, Tết Nhân ái đã trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi mùa xuân Việt Nam, một nghĩa cử cao đẹp mà mỗi người dân Việt Nam đều tự hào, trân trọng.