Tết nhạt hay lòng ta nhạt?

Minh họa: HƯNG DŨNG

Càng lớn càng thèm được hít hà hương vị tết tuổi thơ. Suốt từ đầu tháng Chạp, không khí tết đã len lỏi trong những tâm hồn con trẻ. Ngày nào, tôi cũng lật giở cuốn lịch treo tường, đếm từng ngày đến tết. Đi học, câu chuyện về tết cứ xì xầm trong lớp, thênh thang dọc hành lang hay tíu tít dưới tán bàng góc sân trường. Giờ sinh hoạt chung, những bài hát mùa xuân cất lên rộn ràng. Buổi học cuối năm, đứa nào đứa nấy bịn rịn cứ như thể sẽ phải xa nhau lâu lắm vậy. Tối hôm ấy, tôi chong đèn làm cho hết bài tập cô giáo giao, dọn dẹp góc học tập tinh tươm, và gắn một chiếc nơ đỏ để làm duyên cho cây đèn bàn.

Ngày ông Công ông Táo, bố quét màng nhện trần nhà, mẹ giặt giũ chăn màn, còn chị em tôi hì hụi lau chùi bàn ghế, tủ kệ. Cái chộn rộn mong đến tết khiến tôi quên cả mệt mỏi. Thích nhất là theo chân mẹ đi chợ tết để được tham lam thu hết vào tầm mắt những sắc màu mùa xuân: câu đối đỏ, lá dong xanh, hoa đào thắm… Chợ tết xưa đông nghìn nghịt. Có lần tôi tuột tay khỏi tà áo mẹ, bị lạc giữa dòng người. Đến lúc được gặp lại mẹ, tôi chỉ biết òa khóc. Còn mẹ, mặt tái nhợt, bế thốc tôi lên vỗ về tôi, và cả cho mẹ.

Tết năm nào nhà tôi cũng gói bánh chưng dù chỉ năm, sáu chiếc. Mẹ bảo cố níu giữ chút hương tết cho đám trẻ con, để chúng biết tiếng tí tách của củi lửa, biết cái vị ấm áp của nồi bánh chưng. Thế nhưng không còn cảnh họ hàng làng xóm, người hùn gạo, người hùn đỗ, người góp cân thịt gói chung nồi bánh chưng hay quây quần thức cả đêm canh củi tàn, nước cạn… Giờ đây, nhịp sống xô bồ, những chiếc bánh chưng mua vội chiều 30 vẫn xanh ngời ngợi nhưng hương tết đã vơi đi ít nhiều.

Nhiều người chọn ùa ra đường đón giao thừa nhưng đứa con xa xứ như tôi lại nâng niu khoảnh khắc thiêng liêng ấy bên gia đình dưới mái nhà tuổi thơ. Nhìn lại năm cũ thấy thương hơn đôi tay cha thô ráp, chai sần và mắt mẹ bao dung in hằn những vết chân chim. Tôi có thói quen khai bút ngay tại khoảnh khắc đất trời giao hòa bằng một vài câu thơ hay đoạn tản văn ngăn ngắn. Nét mực căng tràn nhựa xuân phơi phới.

Nhớ tết xưa, ngồi vắt vẻo trên gác ba ga chiếc xe đạp tróc sơn, tay ôm khư khư chiếc túi vải trước ngực đựng đầy phong bao lì xì, đi chúc tết ông bà. Vừa đến ngõ đã nghe tiếng ông cười khà khà, tiếng bà lộc cộc chống gậy ra thềm đón cháu. Tết này, căn nhà mái ngói thâm nâu vắng lặng, chỉ còn ngan ngát hương trầm. Ngoài vườn, cây đào miệt mài trổ nụ như thể vẫn còn bàn tay bà vun trồng.

Người ta nói, càng lớn tết càng nhạt. Bộn bề lo toan làm nguội dần đi niềm háo hức mong chờ tết. Thế nhưng, ta đâu thể trách tết. Tết vẫn vậy, chỉ có điều chúng ta đã không còn là những đứa trẻ vô lo vô nghĩ ngày nào. Với tôi, tết chỉ gói gọn trong hai chữ đoàn tụ. Chỉ cần được trở về mái nhà tuổi thơ, về bên bố mẹ là thấy tết.

ĐÀO MẠNH LONG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/252148/tet-nhat-hay-long-ta-nhat.html