'Tết nhảy' của người Dao

'Tết nhảy', tiếng Dao gọi là 'Nhìang chầm đao' là một nghi lễ mang nhiều yếu tố tín ngưỡng, thể hiện nét đẹp văn hóa của đồng bào Dao ở Tuyên Quang, trong đó phổ biến ở nhóm Dao Quần chẹt. Mục đích chính của nghi lễ 'Tết nhảy' nhằm cúng Bàn Vương – ông tổ của cộng đồng dân tộc Dao và luyện binh mã để bảo vệ cuộc sống và sinh hoạt lao động sản xuất của gia đình.

Đồng bào tổ chức lễ “Tết nhảy” hàng năm vào tháng chạp âm lịch, lúc nông nhàn và cúng liền trong ba năm. Năm thứ nhất và năm thứ hai chỉ mổ gà làm lễ cúng nhỏ, năm thứ ba mổ lợn làm lễ to, cúng trong hai ngày đêm.

Múa Tết nhảy

Múa Tết nhảy

Lễ vật trong lễ cúng “Tết nhảy” gồm có gà, lợn, rượu, bánh…Trong lễ cúng, đồng bào chỉ mời hai thầy: thầy cả (Sliêu họ) và thầy dẫn múa (khoi tàn). Quá trình thực hành các nghi lễ trong “Tết nhảy” cũng trải qua các bước như trong nghi lễ cấp sắc: lập đàn, tẩy uế, làm lễ khấn, mời các thần thánh, Bàn Vương, tổ tiên về dự lễ để nói lý do và khấn mời Ngọc Hoàng xuống chứng giám.

Sau khi làm xong các thủ tục trên thì bắt đầu bằng điệu múa “Tam Nguyên am ham” do thầy “khoi tàn” và tốp thanh niên thực hiện. Tiếp đến là điệu múa “Tết nhảy” – múa kiếm hay còn gọi là múa “ra binh vào tướng”. Múa “Tết nhảy” là điệu múa võ vừa khỏe khoắn, vừa uyển chuyển theo điệu trống, thanh la, chũm chọe. Sau múa “Tết nhảy” là điệu múa màng, các động tác tập trung mô tả quá trình lao động trong một chu kỳ làm nương. Cuối cùng là điệu múa “bắt ba ba” trong tiếng trống, thanh la, não bạt làm nhịp đệm, tạo không khí vui nhộn. Ông “khoi tan” dẫn đầu tốp múa vòng quanh đàn cúng, diễn tả động tác, tìm, bắt, trói, mổ, băm, xào ba ba dâng Bàn Vương, tổ tiên, thần thánh. Tổng cộng các lượt múa trong “Tết nhảy” phải đến hàng trăm lượt.

Sau lượt múa “bắt ba ba” cuối kết thúc, các thầy cúng bắt đầu làm lễ “chiêu binh”: khấn Bàn Vương, tổ tiên, thần thánh rồi niệm phép thu binh tướng vào một thanh kiếm và đặt lên bàn thờ tổ tiên. Thầy cả tiếp tục khấn, cầu mong Bàn Vương, tổ tiên, thần thánh và âm binh luôn phù hộ gia đình chủ trong sản xuất, đời sống và trong các công việc cũng lễ, làm ma… Sau khi thổi tù và tiễn Ngọc Hoàng, tổ tiên, thần thánh về trời, thầy cả làm phép thu thánh tướng và âm binh của mình về nhà. Mọi người làm lễ và dự lễ cúng liên hoan ăn uống vui vẻ.

“Tết nhảy” là một nghi lễ truyền thống có giá trị nhân văn sâu sắc. Thông qua việc thực hành lễ nhằm răn dạy con cháu phải biết nhớ ơn công lao tổ tiên, chăm chỉ lao động, sản xuất xây dựng cuộc sống ấm no.

Hoàng Anh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/dan-toc-mien-nui/phong-tuc-tap-quan/tet-nhay-cua-nguoi-dao-140522.html