Tết nhớ thương của hậu phương lính đảo
Tết là dịp gia đình đoàn viên nhưng đối với những cô giáo, vợ của các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời, họ đành gác tình riêng để xứng đáng là hậu phương vững chắc cho chồng yên tâm công tác.
Yêu thương kéo gần khoảng cách
Buổi gặp mặt, tặng quà cán bộ, giáo viên, nhân viên là vợ, con chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại biển đảo nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 của Sở GD&ĐT Hà Nội, ai nấy đều xúc động khi nghe cô giáo Đinh Thị Hường - Trường mầm non Việt Hùng (Đông Anh, Hà Nội) và 2 con tâm sự với chồng qua sóng điện thoại. Cuộc nói chuyện đôi lúc bị gián đoạn vì sóng chập chờn. Chồng cô Hường là thượng úy Trần Văn Sĩ, bác sĩ quân y tại Đảo Đá Tây A (quần đảo Trường Sa). Họ ríu rít hỏi nhau chuyện chuẩn bị Tết ở đảo, ở nhà. Anh Sĩ động viên vợ lo cho con có cái tết ấm áp, chu toàn, còn anh sẽ vững vàng, hoàn thành nhiệm vụ nơi đảo xa.
Cô Nguyễn Thị Mai, giáo viên Trường tiểu học Song Phương, huyện Hoài Đức (Hà Nội) xúc động kể về hành trình 11 năm làm vợ lính đầy gian nan nhưng không thiếu lãng mạn, ngọt ngào. Chồng chị là anh Nguyễn Văn Quang, công tác tại đảo Hòn Khoai, Cà Mau. 11 năm cưới nhau, nhưng rất hiếm khi chị và con hưởng trọn niềm vui, hạnh phúc khi có chồng, bố đón Tết cùng. Hồi đó, cưới nhau được hơn chục ngày, chồng quay trở lại đơn vị công tác. Từ đó, một đến 2 năm anh mới về nhà một lần. “Sinh con đầu lòng, anh đã cắt phép để được đón con nhưng cuối cùng vợ trở dạ sớm, biển động nên mãi 2 tháng sau, anh mới được gặp con”, cô kể.
“Khi yêu dù đã xác định tinh thần lấy chồng bộ đội sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi chồng đi biền biệt. Nhưng, lắm lúc cũng không tránh khỏi cảm giác mủi lòng, tủi thân nhất là dịp lễ, Tết vắng chồng. Nhưng nghĩ lại, thương anh hơn vì ở đảo, điều kiện sống không đầy đủ được như đất liền”, chị Mai chia sẻ. Vì thế, chị ra sức dạy con yêu và tự hào về hình ảnh người lính, những chiến sĩ đang thầm lặng bảo vệ vùng đất, bầu trời quê hương.
Đôi lần, con thắc mắc tại sao bố không về dẫn con đi chơi Ngày quốc tế thiếu nhi. Thương con nhưng chị cố giải thích cho con hiểu, mẹ con ở nhà còn được đi đây, đi đó, bố ở đảo điều kiện sinh hoạt còn thiếu thốn, khó khăn. Những cái Tết chồng xa nhà, chị thay anh lo chu toàn mọi việc.
Xa nhau là thế nhưng cũng may sống trong thời đại công nghệ, chị Mai vẫn thường xuyên kết nối với anh, chia sẻ hết mọi buồn vui trong cuộc sống. Sau mỗi ngày làm việc, anh thường gọi điện về nói chuyện với 3 mẹ con, từ chuyện trường, chuyện lớp đến việc nuôi dạy các con. Mỗi khi được nghỉ phép, anh tận dụng thời gian hiếm hoi để chăm sóc vợ con. “Anh giữ nếp dậy sớm chuẩn bị bữa sáng, đưa đón con đi học. Những ngày anh về, cả nhà cứ ríu rít, rộn ràng vui lắm”, chị Mai kể.
Tự hào vợ lính
Cũng có 11 năm về chung một nhà, nhưng năm nay mới là Tết đầu tiên vợ chồng cô giáo Nguyễn Thị Vy -Trường THCS Phương Trung (Thanh Oai, Hà Nội) được sum vầy đón Tết cùng nhau. Chồng cô Vy là thủy thủ Tàu HQ 658, bảo vệ chủ quyền, biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Với cô Vy, đây là cái Tết vui nhất và hạnh phúc viên mãn nhất kể từ khi hai người nên vợ, nên chồng.
Chồng đi công tác, 3 mẹ con ở với ông bà nội nên cũng được gia đình chia sẻ, động viên nhưng cô giáo Vy cũng không tránh khỏi chạnh lòng những ngày tháng con nhỏ, đau ốm. Bây giờ, 2 con đã 3 tuổi và 6 tuổi nhưng cô nhớ mãi kỷ niệm một lần cả hai bé cùng ốm, vào khám ở Bệnh viện Nhi T.Ư. Một tay cô bế con 1 tháng tuổi, tay kia dắt đứa 3 tuổi. Có bà nội đi cùng nhưng bà cũng già không giúp được gì nhiều. Khi bác sĩ chỉ định cho con đi chụp phổi, mẹ con dắt díu nhau đi được một lúc quay ra lại không thấy bà nội đâu, phải đi tìm. "Lúc đó, nghĩ tủi thân nước mắt lại lã chã rơi ước giá như mình có chồng ở bên sẽ đỡ vất vả. Qua phút yếu lòng, mình lại tự nhủ, phải thật mạnh mẽ, nén cảm xúc riêng để chồng yên tâm công tác”, cô giáo Vy nói.
Làm vợ lính có nhiều nỗi niềm, cảm xúc không giống như những người vợ có chồng thường xuyên bên cạnh. Có khi tủi thân, hờn giận vì nhớ nhung và cũng có khi lo lắng vì chồng đi tuần vào vùng không có sóng cả tháng trời không liên lạc được.
Cô Vy cho rằng, bản thân còn cảm thấy may mắn vì được làm vợ lính đảo. Dù không được gặp nhau thường xuyên nhưng tình yêu anh chị vẫn đong đầy và ngày được bồi đắp thêm bằng những câu chuyện anh kể về những người lính can trường, ngày đêm bảo vệ biển. “Cả cuộc đời này, tôi sẽ dành trọn tình yêu cho anh và nguyện mãi là hậu phương vững chắc để anh vững vàng nơi tiền tuyến”, cô nói.