'Tết nông thôn mới' ở vùng cao

Phụ nữ xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa tự dệt áo truyền thống mặc trong dịp Tết. Ảnh: NGÔ XUÂN

Những ngày cuối năm, trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ nối từ miền xuôi lên miền núi và ngược lại lúc nào cũng tấp nập người và xe cộ. Những chuyến xe chở hàng hóa, nông sản của bà con nối đuôi nhau đi về. Mọi hoạt động trở nên nhanh chóng, thuận tiện hơn nhờ những đổi thay của các vùng đất này trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Đến nay, 3 huyện miền núi có 15/33 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Việc xây dựng thành công các tiêu chí nông thôn mới giúp đời sống của người dân nơi đây cải thiện rõ rệt.

Miền núi khởi sắc

Ông Sô Minh Chung ở xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa, hồ hởi khoe: Những năm trước, tuyến đường bê tông từ Trà Kê (xã Sơn Hội) về trung tâm xã Cà Lúi, mùa nắng bụi mù mịt; mùa mưa thì nhão nhoẹt, lầy lội bùn đất. Năm nay, đường này được Nhà nước đổ bê tông khang trang, thẳng tắp khiến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng, thuận lợi rất nhiều. Nhờ vậy, mọi người đều rộn ràng sắm sửa, trang hoàng nhà cửa, trồng cây hoa rực rỡ sắc màu. Tết năm nay, người dân Cà Lúi được đón “Tết nông thôn mới” sớm, phấn khởi lắm!

Không chỉ đầu tư kiên cố hóa đường giao thông liên thôn, liên xã, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển kinh tế dân sinh cũng như các công trình công cộng như trường học, trạm y tế, lưới điện, các công trình văn hóa… đã làm cho bộ mặt nông thôn, miền núi thay đổi đáng kể; đời sống của người dân ngày càng nâng cao.

Ông Ksor Y Chung ở xã Ea Bar, huyện Sông Hinh, chia sẻ: Những năm gần đây, ngoài chợ Trung tâm thị trấn, chợ xã cũng được nâng cấp khang trang, nhiều siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng Việt… mọc lên khắp nơi. Tết về, các chợ miền núi không thiếu mặt hàng nào. Hàng nông sản được các thương lái đến tận vườn thu gom, chở ra các chợ đầu mối để xe đưa đi tiêu thụ, không tốn nhiều thời gian và chi phí như trước nữa. Bên cạnh đó, ý thức của người dân về vệ sinh môi trường, làm sạch nhà cửa, đường làng ngõ xóm cũng được cải thiện.

Có dịp đến các xã miền núi đặc biệt khó khăn của Phú Yên làm công tác từ thiện vào những ngày cuối năm, ông Nguyễn Xuân Châu, chủ một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh ngạc nhiên trước những đổi thay của vùng đất này. Ông Châu cho biết: Chúng tôi mới có cuộc hành trình đi qua các xã miền núi đặc biệt khó khăn như Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), Ea Bar, Ea Lâm (huyện Sông Hinh), Ea Chà Rang, Suối Trai (huyện Sơn Hòa)… thấy đường bê tông thẳng tắp; những công trình, nhà cửa, chợ, cửa hàng, cây xăng mọc lên khắp nơi. Ý thức giữ vệ sinh môi trường trong cộng đồng được nâng cao. So với 10 năm trước, cuộc sống ở những nơi này thay đổi rõ rệt.

Tất bật đón Tết

Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các huyện miền núi đã sớm triển khai các hoạt động vui xuân đón Tết cho người dân, trong đó đặc biệt quan tâm đến đồng bào DTTS. Các tuyến đường từ trung tâm huyện, xã đều được sửa sang, trang trí, treo băng rôn mừng Đảng mừng xuân rực rỡ. Các chương trình văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao chào xuân mới cũng được chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ bà con. Bên cạnh đó là các hoạt động thăm, chúc Tết gia đình chính sách, thương bệnh binh, cán bộ lão thành, già làng, trưởng thôn/buôn…

Tại xã vùng cao Xuân Long, huyện Đồng Xuân, không khí Tết đang rộn ràng trên từng đường làng, xóm nhỏ. Theo bà Ngô Thị Gắng ở xã Xuân Long, nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, gia đình bà được hỗ trợ vốn nuôi heo rừng lai để phát triển sản xuất. Thấy hiệu quả, bà Gắng mở rộng chuồng trại, gầy thêm đàn, thu nhập gần 300 triệu đồng/năm. “Thời điểm này heo rất có giá nên cuối năm nay gia đình tôi có thu nhập rất khá. Sau khi xuất lứa heo cuối, tôi sẽ đi sắm sửa thêm một số đồ dùng trong nhà. Tôi cũng đã gieo mấy rẻo cúc vạn thọ trước nhà; khi thấy vạn thọ nở vàng rực là thấy Tết về”, bà Gắng nói.

Đối với người đồng bào dân tộc thiểu số, Tết cũng là dịp để cộng đồng được vui chơi, sinh hoạt, tổ chức các lễ hội cồng chiêng, mặc những bộ trang phục truyền thống đẹp. Chị Hờ Uôn ở xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa, cho hay: Người đồng bào Ê Đê ở Suối Trai vẫn giữ được các phong tục, lễ hội truyền thống như lễ cúng lúa mới, lễ bỏ mả, lễ cúng bến nước, lễ trưởng thành, lễ nhà mới… Năm nay, sau gần 2 tháng học cách dệt thổ cẩm, tôi đã tự dệt được cho mình bộ trang phục truyền thống đầu tiên. Tôi rất vui và mong đến Tết để được diện đồ này.

Còn anh Hóa, chủ trang trại Hoa Mai ở xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, chia sẻ: Mùa xuân là thời điểm những cánh đồng cỏ hồng, hoa dền cát ở miền núi nở rộ, thu hút rất nhiều du khách. Nắm bắt xu thế, tôi đã đầu tư một trang trại nhỏ để người dân dừng chân, chụp ảnh, trải nghiệm và thưởng thức các món đặc sản của đồng bào. Nhờ đường sá được đầu tư hoàn chỉnh, thuận tiện nên mấy năm nay, lượng khách đến vào dịp Tết rất đông.

Trước thềm Tết Nguyên đán, địa phương chỉ đạo các xã rà soát lại địa bàn, quan tâm tình hình đón Tết của người dân; đặc biệt là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn; quyết không để ai bị thiếu ăn trong dịp Tết. Đặc biệt, trước diễn biến còn nhiều phức tạp của dịch bệnh COVID-19, năm nay, tất cả hoạt động mừng xuân đều được tổ chức trên tinh thần đảm bảo an toàn, sẵn sàng ứng phó với tình hình dịch bệnh.

Ông Tô Phương Bắc, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa

NGÔ XUÂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/251946/-tet-nong-thon-moi--o-vung-cao.html