Tết ở làng biển
Xuân đến, người dân miền biển được 'ngắt mạch' làm lụng để nghỉ ngơi, sum họp gia đình. Người đón tết sớm, người vui tết muộn, mùa xuân mới thắp lên hy vọng trong mỗi ngư dân về những mùa đánh bắt bội thu.
Người dân quê biển đi sắm tết.
Xuân ấm áp, tết đủ đầy
Những ngày giáp tết, trên triền đê các xã Quảng Nham (Quảng Xương), Ngư Lộc (Hậu Lộc), Hoằng Trường (Hoằng Hóa), hàng trăm tàu cá công suất lớn của ngư dân tấp nập vào bờ bán cá để nghỉ ngơi, ăn tết. Trở về bờ sau nửa tháng lênh đênh trên biển, ngư dân Đinh Văn Sỹ, 35 tuổi, chủ tàu cá TH 90097 TS, xã Ngư Lộc, phấn khởi cho biết, chuyến biển cuối năm tàu của anh trúng một lượng lớn cá thu, cá mú... “Năm nay thời tiết thuận lợi, giá bán cá cao hơn từ 1,5 - 2 lần ngày thường nên chuyến biển này đã được coi là thành công. Nếu trừ chi phí xăng dầu, đá, chuyến này anh em bạn thuyền được chia mỗi người hơn 15 triệu đồng ăn tết” - anh Sỹ cho biết.
Trên các bến, nhiều tàu đánh bắt “no” cá, mực vào giao hàng nhưng cũng nhiều tàu công suất lớn đang chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Đón tết trên biển với nhiều ngư dân cũng vui không kém khi đón tết trên đất liền. Cũng bánh chưng, bánh tét, cũng rượu, thịt, dưa hành... nhưng họ đón giao thừa nơi boong tàu giữa trùng khơi và không quên chúc nhau một năm mới no đủ. Anh Sỹ cho biết: “Những chuyến biển cuối năm kết thúc muộn nhất vào sáng sớm ngày 30 Chạp. Vì thời tiết thuận lợi và lợi nhuận những ngày tết cao hơn bình thường nên một số tàu tranh thủ ra khơi những ngày này. Họ nhanh chóng cập cảng, tranh thủ bán cá, tiếp nhiên liệu rồi lại ra khơi, bám biển. Cái tết của họ bận rộn nhưng gia đình họ những ngày sau cái tết đó lại được ấm no. Sang năm, sớm nhất là mùng 4 tết, ngư dân lại bắt đầu chuyến biển đầu năm. Chợ cá lại bắt đầu trở nên đông đúc, nhộn nhịp”.
Kết thúc chuyến biển cuối cùng, việc đầu tiên ngày cuối năm của những ngư dân vùng biển là sửa soạn nhà cửa, đun phích nước nóng thật tươm tất để chuẩn bị đón khách. Một số ngư dân thì sơn, sửa lại tàu để chuẩn bị cho chuyến ra khơi đầu năm mới. Trẻ nhỏ, người lớn sum vầy bên nhau cùng gói bánh chưng, bánh tét để chuẩn bị cúng năm mới. Tết đến, với ngư dân làng chài, nhà nào có điều kiện thì sắm sửa thêm cây tắc, cây mai, chậu cúc để đón tết cho “hoành tráng”. Còn với những hộ gia đình khó khăn hơn thì tập trung chuẩn bị mâm cơm ngày tết thật đủ đầy. Chị Triệu Tuyết Mai, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngư Lộc, tâm sự: “Khoảnh khắc tạm biệt năm cũ đón năm mới không chỉ là dịp để ăn uống, chúc tụng... mà trên cả là giá trị về hạnh phúc, khi người người nhà nhà được quây quần bên nhau. Sau chuyến ra khơi, dù cho ngày về có đầy ắp cá, tôm hay lỡ chuyến đánh bắt chưa may mắn thì người thân ở nhà cũng chỉ mong chờ được thấy người chồng, người cha trở về bình an, cùng nhau đón tết”.
Ngày nay, tết ở làng biển cũng tấp nập xe cộ, rộn ràng tiếng hỏi thăm, chúc tụng... chẳng khác gì ở phố. Đêm giao thừa, cùng với cúng gia tiên, các gia đình còn bày lễ cúng đất trời, sông nước, mong một năm mưa thuận gió hòa, đi biển thuận lợi. Theo phong tục truyền thống của ông cha ta từ ngàn đời để lại “Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”, nhưng làng biển ăn tết ngắn nên ngày này những người dân làng biển sẽ tranh thủ chúc tết, thăm hỏi hết lượt từ người thân đến bạn bè, xóm giềng. Chỉ có những ngày tết, người ta mới thấy ngư dân diện được bộ đồ sạch đẹp, chân đi giày mới. Sau đó tới đình chùa và miếu thờ các thần linh tọa lạc nơi lạch sông, cửa biển để thắp nén hương tỏ lòng thành kính. Bởi họ quan niệm, đình chùa và miếu thờ là những nơi rất linh liêng. Đây là tín ngưỡng có liên quan đến nghề nghiệp, công việc làm ăn trên sông nước của họ.
Tri ân “người bạn” cùng vượt sóng
Với người dân miền biển, tết không chỉ dành cho bản thân mà còn dành cho “người bạn” gắn bó với họ trong những chuyến ra khơi. Vì thế, nó không còn là việc người ta ăn tết như thế nào, mà còn là việc để những chiếc tàu được đón tết ra sao. Bởi cả một năm lênh đênh trên biển, chiếc tàu không chỉ là phương tiện mưu sinh, mà dường như đã trở thành người bạn hữu với bà con. Sóng to gió lớn, cũng nhờ những chiếc tàu kiên cố mà người thân của các ngư phủ ở nhà cũng đỡ phần lo lắng. Chỉ tay về phía con tàu đang dập dềnh theo sóng nước, anh Sỹ nói: “Cái tết nghèo khó hay đầy đủ đều phụ thuộc vào con thuyền đó”.
Vì thế ngay sau chuyến biển cuối cùng của năm cũ, hầu hết các gia đình đều chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn đưa xuống thuyền để thực hiện nghi thức cúng thuyền, cúng biển. Những lão ngư cả đời sóng gió biển khơi được chọn đứng ra chủ trì buổi cúng thuyền, cúng biển. Họ mang lên mâm cúng những sản vật tốt nhất trong mùa vụ vừa qua cùng các lễ vật truyền thống, như: bánh chưng, trái cây, rượu, gạo, cháo trắng, muối, trầu cau, nhang đèn... Ông Đoàn Văn Đông, xã Quảng Nham (Quảng Xương), nói rằng, cúng thuyền xôi, bánh chưng... là cảm ơn ngày tết, còn cúng hải sản để cảm ơn biển mẹ. “Với mâm cỗ có cả vị đất liền và vị biển, chúng tôi muốn báo cáo đến tổ tiên rằng dù trong những ngày thu tàu về nhà đón tết chúng tôi vẫn không quên biển giây phút nào. Cầu xin những bậc tiên hiền phù hộ cho chúng tôi năm mới đánh cá được bội thu”.
Những hạt gạo, muối được rải khắp sàn thuyền, thể hiện lòng biết ơn chiếc thuyền đã cho gia đình mình cuộc sống. Ông Đông tâm tình: “Cúng thuyền, cúng biển xong, dọp dẹp ghe rồi chuẩn bị ăn tết. Người dân biển ăn tết chủ yếu để có thời gian bên vợ con chứ chúng tôi không bao giờ ăn tết quá dài vì còn phải ra khơi sau lễ mở cửa biển”.
Mấy ngày tết vội, chóng vánh qua đi rất nhanh. Với ngư dân, dù lấm tấm mồ hôi, dù trên áo đẫm mùi tôm, cá nhưng có lẽ ai cũng vui vì sau những chuyến đi biển, cái tết sẽ được tròn đầy, vợ chồng con cái sẽ cùng sum họp cho thỏa những ngày xa cách. Trong những câu chuyện về biển, họ lảng không nói về cái xấu, cái rủi ro mà toàn nói điều tốt lành, như cách họ chúc nhau năm mới ra khơi gặp nhiều may mắn.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/tet-o-lang-bien/130058.htm