Tết ông Công ông Táo về thăm làng nghề nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm
Làng nghề nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) nổi tiếng về giống cá chép đỏ để phục vụ lễ cúng tết 'ông Công ông Táo'.
Thủy Trầm là một làng thuộc xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Đây là một xã nằm ven sông Hồng có hệ thống nước ngọt thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Cá chép đỏ xuất hiện ở đây vào những năm 60 của thế kỉ XX.
Từ xa xưa, người dân xã Tuy Lộc ra sông Hồng đo bột cá tự nhiên như cá trôi, trắm, măng, nhồng, chép, mè… và thả vào ao nuôi. Qua quá trình đo bột để ương nuôi cá chépđ ỏ lẫn trong các loại cá khác.
Lúc đầu người dân thấy cá có màu sắc đẹp nên giữ lại làm cảnh, sau này khi phong tục tín ngưỡng truyền thống tết ông Công ông Táo phát triển, người dân thay thế cá chép trắng bằng cá chép đỏ để cúng dịp 23 tháng Chạp. Từ đó hình thành làng nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm.
Cá chép đỏ có thân hình thoi, mình dây, dẹp bên, viền lưng cong. Đầu cá thuôn, cân đối, mõm tù, có hai đôi râu. Đặc trưng của cá chép đỏ Thủy Trầm là toàn thân có màu sắc đỏ sặc sỡ (một số con màu đỏ ánh vàng), màu sắc đẹp và không bị khoang màu như các vùng khác. Cá để phục vụ chủ yếu trong dịp tế tông Công ông Táo, thường được nuôi từ tháng 5 âm lịch.
Những năm gần đây, tên loại cá này được nhiều người biết đến và hiện tại nghề nuôi cá đỏ đã trở thành một sản phẩm chính được chú trọng phát triển kinh tế của xã Tuy Lộc. Hiện tại diện tích nuôi cá ở làng Thủy Trầm khoảng 40 ha, tăng 1ha so với năm trước đó.
Với sự đồng lòng của bà con cũng như sự chỉ đạo, quan tâm sát sao của chính quyền địa phương. Cá chép đỏ đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng. Ngày 30/10/2018 làng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận: Hợp tác xã cá chép đỏ và dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thủy Trầm xã Tuy Lộc.
Ông Bùi Công Chữ, giám đốc HTX cá chép đỏ và dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thủy Trầm chia sẻ: “Trước kia làng Thủy Trầm chủ yếu nuôi cá đỏ theo hướng tự cung tự cấp, quy mô nhỏ. Hiện nay, diện tích đã nhân rộng hơn, đồng thời làng cung cấp cá giống cho nhiều nơi trên tỉnh Phú Thọ.
Cá chép đỏ là loại cá dễ nuôi, phàm ăn, thức ăn chủ yếu là rau củ quả, cám công nghiệp, bèo tấm và các loại rau lá mềm. Năm 2018 làng cung cấp cho thị trường gần 40 tấn cá, giá bán buôn nếu được giá thì từ 120 nghìn đồng đến 150 nghìn đồng/kg, mỗi kg từ 50 đến 60 con. Thu nhập trung bình mỗi hộ dân từ nuôi các chép đỏ khoảng vài chục triệu đồng/năm”.
Hằng năm người dân làng Thủy Trầm bắt đầu nuôi cá từ tháng 5, tháng 6 âm lịch. Các thương lái bắt đầu đến mua cá từ ngày 15 tháng chạp. Trước kia người dân trong làng thường mang cá đến các nơi bán, 3 năm gần đây đã có nhiều người từ các vùng khác đến mua trực tiếp nhiều hơn, khoảng 30% tổng số cá được bán ra.
Cá chép đỏ không chỉ mang đến cho người dân làng Thủy Trầm cơ hội phát triển kinh tế địa phương, mà còn giúp cho đời sống, văn hóa của bà con tốt lên rõ rệt. Bên cạnh cánh đồng là những ngôi nhà cao tầng to đẹp, mọc sát nhau.
Ông Trần Văn Sanh, Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc cho biết: “Sự kiện ngày 4/10/2018 làng nghề được cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu là Hợp tác xã cá chép đỏ và dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thủy Trầm xã Tuy Lộc có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển nghề nuôi cá này trong tương lai. Năm 2019, UBND huyện Cẩm Khê đầu tư con đường bê tông nối dài từ trung tâm xã đến làng cá Thủy Trầm để thuận tiện đi lại và vận chuyển cho bà con.
Làng nghề đã và đang được Nhà nước quan tâm đào tạo nghề và nhiều chính sách hỗ trợ vốn cho bà con nông dân trong làng. Thời gian tới địa phương sẽ tích cực hỗ trợ bà con mở rộng quy mô sản xuất cũng như nghiên cứu các phương tiện để quảng bá thương hiệu, đưa thương hiệu cá chép đỏ Thủy Trầm phát triển hơn nữa."