Tết ông Táo : Chuyện giữ lửa gia đình
Cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm (23-12 âm lịch) là tập tục tín ngưỡng dân gian đã có từ lâu đời. Người Việt gọi ngày này là ngày Tết ông Công ông Táo (Táo quân, hay Định phước Táo quân). Đây là một trong những nét văn hóa cổ truyền của người Việt.
Cá chép cúng ông Táo - nét tín ngưỡng dân gian của người dân
Về tín ngưỡng, dân gian tin rằng có vị thần bếp (Táo quân) coi việc bếp - vốn là nơi giữ lửa, mang lại sự no ấm cho gia đình. Không chỉ thế, thần bếp còn có nhiệm vụ coi việc thiện ác của những người trong ngôi nhà mà mình đang an vị ở đó. Đến cuối năm, vào ngày 23 tháng Chạp (tháng 12 âm lịch), thần bếp về thiên giới chầu Ngọc Đế (gọi đủ là Ngọc Hoàng Thượng đế ở cõi trời Tam thập tam thiên - theo tín niệm dân gian xưa) và trình tấu việc nhân gian, báo cáo lại những việc thiện ác của gia đình nơi mình "công tác" để Ngọc Đế phân định tội phước.
Về ý nghĩa khác của văn hóa thờ cúng thần bếp là nhắc nhở nhau về tầm quan trọng của tổ ấm gia đình, trong đó vấn đề ẩm thực giữ vai trò không thể thiếu.
Theo Duy thức học Phật giáo, mọi hành vi việc làm của con người đều được lưu giữ trong Tàng thức A-lại-da dưới dạng chủng tử (hạt giống - nhân). Khi đủ điều kiện nhân duyên thì những năng lực hạt giống này sẽ hiện khởi thành quả báo (quả) mà con người phải nhận lãnh.
Thuyết Nghiệp cảm duyên khởi thì nói dễ hiểu hơn, những hành vi việc làm có động cơ, có dụng tâm, cố ý được gọi là nghiệp. Khi con người tạo nghiệp thông qua thân, miệng, ý, tức nói năng, hành động, suy nghĩ, thì sẽ chiêu cảm quả báo (gọi là nghiệp báo) trong hiện tại và trong tương lai đời này hoặc những đời sau.
Như vậy không cần ai ghi chép lại hành vi thiện ác, lối sống tốt xấu của con người, và cũng không cần ai định đoạt tội phước cho con người, vì đã có quy luật Nhân quả Nghiệp báo quyết định.
Cho nên Phật giáo không nói đến chuyện Táo Quân chầu Trời, báo cáo tình hình hạ giới và Ngọc Hoàng Thượng Đế quyết định tội phước nhân gian. Đây chỉ là niềm tin dân gian chịu ảnh hưởng phần nào Đạo giáo. Tư tưởng văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam ta ngày xưa chịu ảnh hưởng rất lớn ba truyền thống: Phật giáo - Đạo giáo (biến thể của Lão giáo) - Nho giáo.
Thật ra tập tục tín ngưỡng cúng ông Táo trên căn bản xuất phát từ tâm lý thông thường của dân gian, đó là mong cầu sự bình an, tốt lành và lo sợ những điều không may, không tốt. Nhưng theo Phật giáo, chỉ cần hành thiện tích đức (tạo Nghiệp lành) thì không cần phải lo sợ họa tai vì họa tai không đến; không mong cầu phước báu vì phước báo tự đến theo quy luật Nhân quả vận hành.
Chúng ta nên xem ngày Tết ông Táo nhắc nhở chúng ta về bếp núc là nơi giữ lửa mái ấm gia đình, dù đi đâu và làm gì, chúng ta cũng đừng quên những bữa cơm gia đình, những ngày quây quần bên bếp lửa.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//vanhoa/2020/01/16/165299/