Tết phải có vài ràng bánh tráng trong nhà
Bánh tráng có mặt ở khắp nơi trên đất nước ta và là một loại thực phẩm dân dã vô cùng. Thế nhưng, nếu có dịp về Bình Định, bạn sẽ hiểu vì sao bánh tráng được xem là đặc sản của vùng đất này…
Đó là món ăn không thể thiếu, nhất là những ngày cận Tết, nhà nào cũng chọn mua những ràng bánh tráng ngon nhất “để dành ăn ba bữa Tết” nên các lò làm bánh tráng và các gian hàng ngoài chợ mua bán rất tấp nập.
“Có ràng bánh tráng là yên tâm”
Đó là câu nói của rất nhiều người Bình Định. Tết ở đây giống nhiều nơi khác, cũng bánh tét, bánh chưng, dưa kiệu dưa món, thịt kho măng hột vịt, tai heo ngâm nước mắm... Nhưng lạ lùng, với từng ấy món ăn vẫn không làm người Bình Định yên tâm nếu 3 ngày Tết mà không “thủ sẵn” vài ràng bánh tráng trong tủ bếp.
Là vì má sẽ lăn tăn không biết có nên nấu nồi cơm không, nấu thì sợ rủi con cháu ham đi chơi, ăn bên ngoài với bạn thì bỏ cơm còn không nấu thì lo chúng về không có cơm ăn, nhưng nếu nhà có bánh tráng thì yên tâm, không có cơm chúng sẽ nhúng bánh ăn với thịt kho măng hoặc tai heo ngâm nước mắm.
Họ hàng hay bạn bè đến đột xuất, gia chủ cũng đỡ phải lỡ không mời được họ bữa ăn. Người Bình Định rất quen với kiểu nhúng bánh tráng cuốn cùng với bánh tráng nướng, rau sống và một vài loại “topping” có sẵn - một kiểu ăn nhanh tiện cho cả chủ và khách. Mọi người đều ăn vui vẻ, chẳng ai câu nệ ngon dở, giàu nghèo.
Người dân ở đây gần như ăn bánh tráng hằng ngày và cách ăn vô cùng linh hoạt... Bánh tráng thì có gì xa lạ, là loại bánh được pha bằng bột gạo hoặc bột mì, tráng mỏng rồi đem phơi nắng... trông rất “tầm thường”, nhưng chính kiểu ăn của Bình Định đã khiến nó đặc biệt trở thành đặc sản.
Chỉ là bánh tráng thôi, mà cho ra nhiều món ăn khác nhau. Những ngày Tết, trời mát mẻ, gió se se, dạo chợ sẽ thấy ngay những rổ rau sống tươi ngon được bày bán, người Bình Định bèn nghĩ ngay đến món bánh tráng cuốn thịt luộc hoặc tai heo ngâm nước mắm.
Khi ngán đồ ăn trong nhà, những người trẻ thường hẹn bạn bè đi ăn bánh cuốn trẹt hay bánh xèo. Bánh cuốn trẹt là món bánh tráng cuốn với thịt bò lụi, bánh rau sống, chả ram chấm với chén nước tương đậu phộng pha nước mắm tỏi ớt thơm phức, ngon... khỏi bàn cãi.
Người Bình Định không ăn bánh xèo cuốn cải xanh như người miền Nam mà cuốn với bánh tráng. Khi không muốn đi chợ, họ chiên vài quả trứng, lấy bánh tráng cuốn lại hoặc đã có sẵn chén nước cá, nước thịt kho mà không có cơm thì nhúng cái bánh tráng, thậm chí dằm chén nước mắm ớt chấm ăn cũng ăn xong bữa.
Với người Bình Định, bánh tráng có thể ăn chung với hầu hết mọi thứ. Đôi khi bạn sẽ thấy cảnh tượng rất... quái dị, họ bẻ vụn bánh tráng nướng thả vào tô cháo hoặc bẻ bánh tráng chưa nướng thả thêm vào tô miến, tô bún ăn cho “chắc bụng” rồi đi làm.
Món ăn “bình đẳng nhất thế giới”
Nếu những món ăn khác có thể phân biệt “sang-hèn” theo số tiền người ta phải bỏ ra mua chúng, thì bánh tráng lại là món ăn rất “bình đẳng” ở Bình Định. Vài ba chục ngàn một ràng bánh tráng mà người nghèo hay người giàu đều mua trữ sẵn trong nhà vì một thói quen ăn uống qua bao nhiêu đời nay.
Cách ăn như đã nói ở trên, người giàu - người nghèo đều ăn theo những kiểu như vậy. Thêm một lý do nữa khẳng định “tính bình đẳng” của bánh tráng, cũng vì thói quen ăn uống mà người Bình Định hay đem bánh tráng đi xa.
Nếu nhà có con đi học hoặc đi làm xa nhà thì một người “giàu nứt đố đổ vách” hay người “nghèo rớt mồng tơi” đều gửi bánh tráng cho con ăn. Con cái có sẵn bánh tráng nơi xa, ba má ở quê cũng yên tâm vì không sợ con lỡ bữa không có gì ăn.
Người Bình Định đi đâu cũng đem theo bánh tráng nhiều khi chỉ vì nhớ, không thấy vài ràng bánh tráng trong bếp cảm giác cứ thiếu thiếu điều gì.
Họ nhớ không khí quây quần cùng gia đình, bạn bè bên mâm bánh tráng, gắp gắp cuốn cuốn, vừa ăn vừa chuyện trò vui vẻ. Bánh tráng có thể ăn một mình qua loa cho nhanh để còn làm công việc nhưng cũng có khi ăn cà kê với mọi người cho vui.
Đôi khi không đói nhưng thấy không khí ăn uống rôm rả, người ta cũng nhào vô gỡ vài miếng bánh tráng ăn góp chuyện cho vui. Rõ ràng, mâm bánh tráng chào đón tất cả mọi người, không ai sợ tốn kém khi có thêm người ăn cùng.
Khách đến nhà gặp bữa mà nồi cơm còn ít quá cũng không sao, thiếu cơm thì ăn thêm bánh tráng, không sợ khách đói. Xa nhà, bôn ba mưu sinh, đôi khi ngồi nhìn mâm bánh tráng cũng khiến tâm trạng của những người con Bình Định quá đỗi ngổn ngang.
Khi vui thì mời bạn bè bữa bánh tráng và khoe: “Đặc sản quê mình đó”, khi thấy cuộc mưu sinh sao nhọc nhằn mệt mỏi quá, nhìn mâm bánh tráng thấy nhớ hơi ấm quê nhà, nhớ những ngày ba má gắp cho từng miếng rau, miếng thịt bỏ vào cuốn bánh tráng rồi thầm nghĩ: “Ở với ba má đúng là không có gì phải lo”.
Nhân nói chuyện ăn bánh tráng, người viết lại nghĩ lan man gần xa nên xách xe chạy một vòng đến các lò bánh tráng. Nếu các làng nghề ở Bình Định phần nhiều đem lại nỗi lo lắng ngày càng mai một thì có lẽ nghề làm bánh tráng nằm ngoài danh sách ấy. Thói quen ăn bánh tráng không có lý do gì để mất đi và các lò làm bánh tráng vì vậy vẫn nổi lửa hằng ngày.
Bánh tráng làm bằng tay cung cấp không đủ hoặc vào mùa mưa khó làm, người ta đã “tiến lên” làm bánh tráng bằng máy. Nhiều gia đình đầu tư luôn dàn máy để nhào bột tráng bánh, làm ra loại bánh vuông mỏng dễ ăn và thu nhập đủ để cả nhà sống tương đối thong thả.
Với đa số người Bình Định, bánh tráng máy chỉ dùng tạm, muốn ăn ngon phải là loại bánh được pha bột gạo và bột mì theo tỉ lệ nhất định, tráng dày vừa phải và phơi đủ nắng. Bánh ngon là loại mới nhúng thì giòn, để thêm một chút sẽ dẻo chứ không dai.
Đến thăm các lò bánh tráng, thấy ai làm cũng vui. Công việc không quá nặng nhọc nên họ vừa làm vừa nói chuyện, trêu đùa vui vẻ. Nếu tin rằng, một món ăn không bao giờ là thứ vô tri, nó gói ghém trong đó tâm trạng của người làm ra, thì bánh tráng là món thường được làm ra cùng với tiếng cười và sự thoải mái. Phải chăng năng lượng vui vẻ ấy đã lan tỏa đến bữa ăn của người Bình Định?.
Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/tet-phai-co-vai-rang-banh-trang-trong-nha-417137.html