'Tết Phở' Hà Nội
Vào những thời điểm đặc biệt, khiếu hài hước của dân ta lại được dịp phát huy. Chẳng hạn 22/6 được gọi là 'ngày giải phóng thủ đô', 'ngày hội toàn dân ăn phở' hay 'Tết phở'. Chỉ vì đó là ngày đánh dấu sự trở lại của hàng quán (trong nhà).
Một hàng phở phố cổ mở cửa sáng 22/6Ảnh: Như Ý
Như mọi người, tôi cũng thử ra ngoài ăn sáng xem sao. Vào tầm 9h hơn, hàng phở gần nhà hết, cháo lòng thì còn. Nhưng khách cũng chả có mấy, chủ nhà bày lác đác bàn ghế trên vỉa hè (bên đường nội bộ khu đô thị). Bên trong còn chưa kịp dọn. Nhưng nếu mà chẻ hoe ra thì hàng quán ở vỉa hè còn chưa được phép mở.
Nếu Việt Nam ưu tiên quán trong nhà thì một số nước lại ưu tiên hàng quán ngoài trời. Như ở Đức, người ta cho khu vực ngoài trời của hàng quán được đón khách thoải mái, còn muốn vào bên trong thì phải tiêm đủ hai mũi hoặc có chứng nhận âm tính với COVID-19.
Cũng có thể do hàng quán vỉa hè ở ta thường sử dụng các không gian lấn chiếm công cộng, ít đảm bảo vệ sinh cũng như giãn cách. Nhưng dù sao ngồi ngoài trời thông thoáng, khả năng lây nhiễm ít hơn nhiều. Tương tự với cắt tóc ngoài trời.
Tuy gần như không dựa trên cơ sở pháp lý, nền kinh tế vỉa hè vẫn là một thành phần quen thuộc với đô thị. Nếu không kịp chuyển đổi công việc, nhiều người ở thành phần này sẽ gặp khó khăn trong đại dịch. Họ cũng không có khả năng vi phạm quy định chống dịch của thành phố vì chỉ cần ló ra vỉa hè sẽ bị phát hiện ngay. Không như một số hàng cắt tóc trong nhà vẫn lách lệnh bằng cách đóng cửa hành nghề với khách quen hẹn trước.
Tối 19/6, tôi dừng xe trên đường để nghe điện thoại, tình cờ liếc sang bên đối diện và… giật cả mình. Một khung cảnh rất đỗi thân thương đã lâu không gặp: người ta cắt tóc công khai mà không thèm đóng cửa. Hàng cắt tóc tuềnh toàng có mặt tiền rất hẹp và chắc là cũng chẳng có điều hòa nên chơi liều.
Một kiểu lách luật khác trên một con đường xa trung tâm, dẫn ra bãi sông Hồng. Khi hỏi có bán ăn tại chỗ không, bà chủ quán phở gà sẽ chỉ bạn sang vỉa hè bên kia đường để đậu xe trước một nhà cửa đóng then cài. Ở đó, hai chiếc ghế nhựa chờ sẵn. Ghế thấp để ngồi, ghế cao để bát. Thế là bạn được ăn bát phở ngon nhất mùa giãn cách giữa thanh thiên bạch nhật (thực ra là xâm xẩm tối). Phải nói là bà chủ cũng “khéo”. Vì rõ ràng bà không bán hàng trong phạm vi quán mình. Khách mang đi đâu ăn bà làm sao quyết được.
Vẫn con đường ấy đi tiếp chừng hai cây số nữa bạn sẽ đến khu bảo tồn những gì còn hoang dã nhất của Hà Nội. Đó là bãi tắm ven sông Hồng, phục vụ nam phụ lão ấu, cả người nuy và người mặc nguyên quần áo. Cứ như thể COVID bị cấm cửa chốn này. Ngoài bơi lội, người dân còn đạp xe, chơi bóng chuyền, bóng đá… Tất nhiên đeo khẩu trang làm tất cả những việc này thì có mà chết ngạt.
Âu cũng là những cách rèn luyện nâng cao sức khỏe, giải nhiệt và giảm stress. Đều là những thứ có thể giúp phòng chống COVID. Nhưng nếu làm điều đó trong thành phố, bạn cứ chuẩn bị vài triệu nộp phạt. Một người quen cho hay vẫn tập gym đều vì phòng tập nào đó gần phố cổ vẫn mở chui. Việc tập thể dục trong phòng kín nếu lại đông người nữa thì nguy cơ lây lan sẽ cao. Hy vọng là phòng tập liều lĩnh kia không dám đón nhiều khách.
Không ai cổ súy những hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch nhưng rõ ràng là với một địa bàn rộng lớn và phức tạp như Hà Nội, khó lòng mà quản lý hết. Nên vẫn phải trông chờ vào sự tự giác và chủ động của người dân. Ngoài việc phải tuân thủ quy định (để không bị phạt), người dân cũng phải tự ý thức giữ an toàn cho bản thân và gia đình. Nhưng chữ “an toàn” ở đây hẳn cũng bao gồm cả về kinh tế. Chắc hẳn những người bán phở, cắt tóc “lách luật” cũng phải nghĩ chán về kế sinh nhai trong giai đoạn khó khăn và cũng phải chọn khách quen, khách an toàn để phục vụ.
Người Đức có cách đo độ an toàn như sau: Trong vòng 7 ngày trước đó, nếu số ca nhiễm mới tính trên 10 vạn dân dưới 35, thì các cửa hàng được mở thoải mái ở các khu vực ngoài trời, hạn chế trong nhà. Nếu dưới 20 ca thì khách thoải mái vào bên trong mà không cần trình hộ chiếu vắc -xin hay chứng nhận âm tính.
Nếu áp dụng tiêu chuẩn Đức thì người Hà Nội có thể tha hồ ăn chơi được rồi. Nhưng tất nhiên còn phải xem xét tỷ lệ người được tiêm vắc-xin cũng như khả năng đáp ứng của bộ máy y tế khi lâm sự.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tet-pho-ha-noi-post1348440.tpo