Tết qua miền ký ức: Chuyện cũ, chuyện mới về văn hóa đón Tết đất Tràng An
Cũng như những người Việt Nam khác, ai cũng có một quê hương. Tết đến xuân về ký ức xưa lại ào ạt trở về…..Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến được biết đến là một trong những tác giả viết về Hà Nội nhiều nhất hiện nay. Những cuốn sách đem theo những câu chuyện cũ, chuyện mới, chuyện về nếp sống, thói quen, văn hóa của người Thủ đô.
Tôi sinh ra ở Hà Nội, Hà Nội là quê hương của tôi. Cũng như những người Việt Nam khác, ai cũng có một quê hương. Tết đến xuân về ký ức xưa lại ào ạt trở về…
Đó là những lời tâm sự chân thành và mộc mạc của nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, ông được biết đến là một trong những tác giả viết về Hà Nội nhiều nhất hiện nay. Những cuốn sách như “5678 bước chân quanh Hồ Gươm”; “Đi dọc Hà Nội”; “Đi ngang Hà Nội”; “Đi xuyên Hà Nội”…. là những câu chuyện cũ, chuyện mới, chuyện về nếp sống, thói quen, văn hóa của người Thủ đô. Và những câu chuyện ấy, qua ngòi bút của nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến đã để lại một dấu ấn riêng biệt, đó là một Hà Nội đa sắc qua nhiều năm tháng và một tình yêu sâu đậm của người viết dành cho Hà Nội
“5678 bước chân quanh hồ Gươm” hiện lên như mộ cuộc dạo chơi bắt đầu từ tượng Lý Thái Tổ theo chiều kim đồng hồ với những dấu mộc những thay đổi của Hồ Gươm trước những thăng trầm của lích sử. “Đi ngang qua Hà Nội” gồm 31 câu chuyện nhỏ, sinh động tái hiện một Hà Nội cổ kính, xưa cũ nhưng rất hấp dẫn, lôi cuốn. “Đi dọc Hà Nội”là dấu ấn văn hóa Hà Thành theo dòng chảy của lịch sử. Những câu chuyện bình dị trở nên độc đáo qua cảm nhận của người viết. “Đi xuyên Hà Nội” vẫn là những khám phá, những trải nghiệm về Hà Nội, nhưng những xúc cảm của người viết lại làm dầy thêm những hiểu biết và cả những yêu thương dành cho Hà Nội nơi độc giả
Tuy nhiên điều đặc biệt là qua những cuốn sách viết về Hà Nội ấy, tết của miền ký ức hiện lên sinh động và rõ nét. Một dòng chảy với nhiều đổi thay của thời gian có thể làm mờ dần hoặc biến mất nhiều dấu tích vậy nhưng vẫn còn đó những thói quen, nếp sống, phong tục tập quán và đặc biệt là cái tinh thần tết, cái hồn cốt tết thì vẫn hiện hữu ở bất kỳ đâu trên mảnh đất ngàn năm văn hiến. Như một người yêu nét đẹp của Hà Nội, yêu Tết Hà nội tôi muốn cùng nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến trở về Tết Hà Nội xưa trong cảm thức và hình dung của hiện tại.
Dạo quanh 1 vòng chợ hoa ngày Tết, dù cuộc sống hiện đại đến đâu, dù nhiều loại hoa mới xuất hiện, nhưng theo chia sẻ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến thì thú chơi hoa vào dịp Tết của người thủ đô không có nhiều sự thay đổi, khi hoa đào vẫn là loại hoa biểu trưng cho ngày tết sum vầy, đoàn viên và may mắn. Ông chia sẻ, theo quan niệm của dân gian, chơi hoa đào chính là chơi theo tính cách của gia chủ, nếu gia chủ mong muốn một gia đình sum họp đoàn viên thì họ sẽ chọn thế hình chum, hoặc thế long giao, các cành hoa cuốn vào nhau. Còn gia chủ mong trên ấm dưới êm thì họ lại chọn thế phụ tử. Và có những gia đình thích sự hoài cổ thì họ lại lựa chọn gốc đào xù xì. Nhưng dù là sự lựa chọn nào thì vẫn ẩn chứa đằng sau là một ước mong về những điều tốt đẹp trong một năm mới đến .
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến: “Hoa đào là thú chơi truyền thống của người Việt. Vì sao lại chơi hoa đào, thì có một lý do. Ngày xưa theo quan niệm dân gian, ngày 23 tháng Chạp, Ngày ông Công ông Táo các thần cai quản ở dưới đi về trời, trên vũ trụ là vô chủ, không có ai cai quản, có nghĩa là ma quỷ hoành hành, thế lực hắc ám vì thế cho nên người xưa ngoài gắn đào phù ngoài cửa hoặc đôi câu đối hoặc là mua 1 cành đào cắm vào đó, bởi vì ma quỉ hắc ám rất sợ màu đỏ. Nếu có đào phù, có đôi câu đối hoặc hoa đào màu đỏ thì ma quỉ không dám vào nhà. Đó là lý do tín ngưỡng. Nhưng còn có một lý do thứ hai nữa màu đỏ trong quan niệm văn hóa phương đông thì đây là màu của sự tái sinh, màu của sự sống và đặc biệt là màu của sự may mắn. Do vậy, từ xưa cho đến nay người dân vẫn thích chơi hoa đào dù có thể thêm các loại hoa khác nhưng nói chung mỗi gia đình thường có một cành đào hoặc một cây đào”.
Hình ảnh nói chuyện của nhân vật ngồi chỗ hoa hải đường Không chỉ hoa đào là thú chơi của người Hà nội xưa và nay, mà hoa hải đường cũng là một trong những loại hoa được lựa chọn vào mỗi dịp tết. Nếu như hoa đào mang ý nghĩa sum vầy, đoàn viên thì hoa hải đường mang ý nghĩa đủ đầy.
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến: “Hoa hải đường người xưa coi là biểu trưng cho sự ăn ở như bát nước đầy, biểu trưng cho sự phúc hậu và người xưa thường chơi hoa hải đường hoặc là để trên bàn thờ hoặc cắm ở bình, để trên bàn nước thì cũng rất là đẹp. Ngắm càng kỹ càng lâu thì ta lại thấy chiều sâu của bông hoa và ta thấy một điều gì đó mà ta không thể nói ra bằng lời mà ta còn phải khám phá thì đấy cũng là 1 thú để chơi hoa”.
Với nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, mặc dù hình ảnh Tết Nguyên đán vẫn là hoa đào, hoa mai, vẫn bánh chưng và không khí nhộn nhịp của ngày Tết, nhưng Tết của ngày xưa và ngày nay đã khác nhau rất nhiều. Khác ở chính sự thay đổi trong quan niệm của con người.
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến: “Thú chơi hoa một thời là hoa truyền thống, thế nhưng xã hội thay đổi thì thú chơi hoa cũng khác. Ví dụ như ngày xưa, có một thời người ta rất thích chơi cành đào càng to càng tốt và người ta lên tận rừng để lấy đào… không có cái gì là vĩnh cửu và khi quan niệm thay đổi thì mọi thứ thay đổi, trong đó chơi hoa Tết cũng sẽ thay đổi”.
Tiếp tục hành trình khám phá tết xưa tết nay và những câu chuyện Tết qua miền ký ức, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đang từng bước đưa chúng tôi trở về với ký ức của ông. Ông chia sẻ người Hà nội xưa sành về mọi thứ, từ chơi ra sao rồi ăn như thế nào nhưng tất cả đều rất dung dị và đời thường. Kỉ niệm về Tết thời bao cấp đã trở thành một phần ký ức không bao giờ phai màu trong tâm trí của ông.
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến: “Chữ đối với người xưa vô cùng quan trọng, anh biết chữ anh đi thi anh đỗ đạt, làm quan thì cuộc đời anh thay đổi, gia đình anh thay đổi, họ hàng anh thay đổi, làng xã anh thay đổi. Vì thế chữ rất quan trọng và chữ không phải chỉ là chữ bình thường mà đối với những nhà nho thì người ta viết ra chữ và người ta để ở bàn nước. Tết đến người ta mời rượu bạn và mời rượu khách rồi họ sẽ bình về chữ ấy, đó là một thú rất là tao nhã. Còn đối với người bình dân thì họ lại đi ra chợ chữ và cái chữ cũng là mong muốn, tôn trọng tri thức.”
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến: "Ăn Tết đối với người Hà Nội xưa thì bất kể giàu hay nghèo, nghèo đến mấy cũng phải vay tiền để ăn Tết. Một mâm cỗ tối thiểu cũng phải có 4 bát 6 đĩa, 4 bát không thể thiếu được trong các cái bát và các đĩa đấy phải có đủ sản vật của 3 vùng tức là vùng núi gồm có măng, mộc nhĩ, nấm hương; vùng biển thì có tôm, tôm he, mực khô, vi cá và nước mắm ngon; và vùng đồng bằng thì có gà, thịt lợn và các loại rau củ. Rõ ràng ăn tết ở đây rất là cầu kỳ, tỷ mẩn và cách chế biến cũng phải đạt đến độ tinh tế.
Không phải ngẫu nhiên mà người dân Hà Nội chọn Hồ Gươm là nơi để đón giao thừa. Với rất nhiều người, việc chờ đợi thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới ở Hồ Gươm, đã trở thành một điều vô cùng quen thuộc và tự nhiên. Những dòng người chật ních, hồ hởi đón mừng năm mới là những hình ảnh vừa thân thuộc, đời thời, vừa thiêng liêng ở chốn linh thiêng của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến: “Sau năm 1954, bộ đội, cán bộ, bà con miền Nam tập kết ra Bắc rất là đông thì vào Đêm 30 sau khi liên hoan chờ Bác Hồ chúc Tết, nghe xong, qua Giao thừa rồi thì bà con nhớ quê đi dạo quanh Hồ Gươm cho khuây khỏa nỗi nhớ quê và lúc đó người Hà Nội rất là đồng cảm với tâm tư của những người bà con miền nam, họ đã hòa chung vào với bà con đi chơi quanh Hồ…”
Hà Nội hôm nay đã có nhiều đổi khác, ngay cả khi đại dịch đã làm vơi bớt cái nhộn nhịp sôi động của Hồ Gươm và 36 phố phường Hà Nội thì hồn cốt và cái tinh thần tết vẫn ấm nóng, vẫn âm thầm chảy trong lòng người dân Hà Nội, với những ai được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà Thành và cả với những ai coi Hà Nội là quê hương thứ hai của mình. Tinh túy, chắt lọc của đất trời quyện trong những cánh hoa, chồi biếc, sức sống của thiên nhiên hiện hữu trong sắc xanh và miên man của cây lá. Còn tinh hoa của người Hà Nội, của người Việt hiện trong những sản vật ngày Tết. và trong tất cả những gì đẹp đẽ mà con người đang muốn dành cho tết. Và xuân của thiên nhiên, xuân của lòng người đang hòa vào làm một…
Thực hiện : Việt Hòa Ngô Trang