Tết quê chồng

Phòng tập gym ngày cuối năm, Lan vừa chạy huỳnh huỵch trên máy chạy vừa ca cẩm: Ngoảnh đi ngoảnh lại, chưa kịp làm được cái gì thì vèo cái đã hết năm. Chưa kịp tập cho tiêu hết mỡ thừa, hậu quả của giò, nem, măng, mọc… của Tết năm ngoái thì đã lại phải lo chống đỡ với cỗ Tết năm nay.

Mặt Lan đỏ gay. Mồ hôi chảy ướt đẫm áo tập. Lan là bạn đồng nghiệp với Hương. Hai người rủ nhau đăng ký lớp gym dành cho nhân viên công sở để rèn sức khỏe.

- Nhà em sướng thế còn kêu ca gì. Tết năm nào cũng đi chơi khắp đó đây. Đâu khổ như chị.
- Thế Tết năm nay anh Tuấn nhà chị có bắt chị phải về quê ăn Tết nữa không ạ?
- Thoát làm sao được. Còn bà nội thằng cu Tin đấy, năm nào nhà chị chẳng phải về. Mất nguyên cả cái Tết.
- Hay năm nay chị bảo anh đổi mới đi. Về quê lễ Tết trước rồi Tết đi du lịch?
- Khó lắm em ạ.

Ảnh TL

Ảnh TL

Hương thở dài. Là con gái thành phố, lại xinh đẹp, giỏi giang, nghề nghiệp ổn định, xung quanh cô không thiếu gì các chàng đẹp trai, con nhà giàu dập dìu, tán tỉnh. Nhưng chẳng hiểu sao, cô lại chỉ yêu Tuấn, một kỹ sư công nghệ thông tin người Hà Tây cũ. Quê chồng cô cũng không quá xa nhưng vì anh là con trai duy nhất trong gia đình có năm chị em nên không một cái lễ, giỗ, Tết nào anh vắng mặt cả.

Thực sự là cho dù có yêu chồng đến mấy thì cái việc cả chục năm nay, Tết năm nào mẹ con cô cũng phải theo chồng về quê ăn Tết cũng trở thành áp lực và nhàm chán. Tay xách nách mang đồ đạc về đến quê là lao vào dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp đồ lễ thờ cúng. Họ nhà chồng đông. Sáng tinh mơ, gà vừa gáy là cô đã phải lóp ngóp bò dậy để chuẩn bị nấu cơm cúng sớm và làm cỗ thết khách. Ai đến cũng hỏi: “Vợ thằng Tuấn đâu?”. Lại phải lật đật chùi tay vào tạp dề rồi vội vàng chạy lên nhà chào hỏi. Khách đến chúc Tết cứ ăn rải rác cả ngày. Thế nên, mỗi khi năm hết Tết đến là cô lại nản, lại thấy sợ Tết vô cùng. Hay là năm nay cô bàn với chồng theo lời cái Lan tư vấn nhỉ?

Tối đi làm về, sau khi cơm nước xong xuôi, cô ngồi bên chồng thủ thỉ:

- Anh ơi! Em thấy giờ xã hội không còn nặng nề như trước nữa. Hay năm nay nhà mình về ăn Tết với bà nội trước, sau đó sẽ đi du lịch, thử trải nghiệm Tết ở một nơi nào đó khác xem sao nhé? Năm nào cũng cắm mặt vào cỗ bàn, em thấy oải quá!

Tuấn dịu dàng nhìn vợ thông cảm. Anh hiểu và thương Hương. Là con gái thành phố, lại là con một trong gia đình khá giả, Hương vốn được chiều chuộng, chẳng phải động tay vào việc gì. Thế mà từ lúc về làm dâu nhà anh, cô phải cáng đáng hết mọi việc. Nhưng anh còn mẹ già yếu, cả năm chỉ ngóng trông con cháu về ăn bữa cơm đầm ấm, đông đủ.

- Anh biết em lấy anh phải chịu nhiều vất vả, thiệt thòi. Nhưng mẹ già như ngọn đèn trước gió, lay lắt chẳng biết tắt lúc nào. Bình thường mẹ nhớ con thèm cháu chẳng dám gọi về vì sợ ảnh hưởng đến công việc của con. Có mỗi ngày giỗ, ngày Tết chờ con cháu về đoàn viên sum họp thôi em ạ. Chúng mình còn trẻ, sau này còn nhiều dịp để đi chơi. Em chịu khó nhé? Sau này anh sẽ bù đắp cho em.

Nhìn vào đôi mắt tha thiết, đượm buồn của chồng, Hương chợt nhận ra mình thật ích kỷ. Mẹ anh chịu bao vất vả, hy sinh mọi bề để sinh ra anh, nuôi cho anh ăn học, trưởng thành. Đến bây giờ cô là người được hưởng trái ngọt. Cả năm trời, anh đã ở bên cô, yêu thương, chăm sóc cô và hiếu nghĩa với gia đình cô. Mấy ngày giỗ Tết cô vất vả một chút đâu có thấm tháp gì so với những gì cô nhận được từ anh và mẹ chứ? Cô ân hận, ngả đầu vào vai chồng nói nhỏ:

- Em xin lỗi. Em nghĩ nông cạn và ích kỷ quá. Để mai em rủ cái Lan đi vào làng lụa Vạn Phúc mua tặng mẹ cái áo chần bông và tấm khăn nhung để ra Giêng làm lễ mừng thượng thọ cho mẹ, anh nhé?

Anh ôm vợ vào lòng. Ngoài kia, gió mùa đông bắc rin rít thổi nhưng trong nhà anh như có mùa xuân ấm áp đang tràn về.

Phố Hoa

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tet-que-chong-177378.html