Tết sớm bản Dao
PTĐT - Tháng 12 âm lịch, khi những cành đào bắt đầu khoe sắc tô điểm thêm cho bản làng như một bức tranh núi rừng lung linh, huyền ảo cũng là thời điểm bà con người Dao khu Tảng, xã Tam Thanh, huyện Tân Sơn chuẩn bị đón Tết sớm…
Trong ngôi nhà mới xây khang trang, thầy mo Lý Văn Thọ cẩn thận kiểm tra các đồ dùng, vật dụng để chuẩn bị cho ngày lễ trọng của làng, các họ và những gia đình sẽ được tổ chức vào cuối năm. Ông cho biết: Người Dao quần chẹt đến sinh sống, định cư ở đây từ rất lâu đời. Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, thay đổi và những ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại nhưng bà con nơi đây vẫn luôn gìn giữ bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc. Điều này được thể hiện rõ nhất trong dịp cuối năm, dịp Tết Nguyên đán và đầu năm mới. Đặc biệt, vào dịp cuối năm, bà con, dân làng thường tổ chức lễ cấp sắc, tết nhảy, khao tổ theo đúng phong tục, truyền thống ông cha để lại…
Cùng với lễ cấp sắc, vào dịp cuối năm, bà con người Dao khu Tảng còn tổ chức lễ khao họ (khao tổ). Đây là một tục lệ được lưu truyền từ xa xưa của dân tộc Dao, vừa chứa đựng giá trị văn hóa truyền thống lại vừa mang nét văn hóa tộc người rất đặc sắc, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, nhớ ơn công đức Tổ tiên. Do lễ khao tổ thường rất tốn kém nên thường là cả dòng họ đóng góp tổ chức và mỗi nhà tổ (mỗi họ) chỉ tổ chức khao tổ một lần khi điều kiện kinh tế cho phép.
Trong các nghi lễ lớn được tổ chức vào dịp cuối năm thì một phong tục đậm bản sắc văn hóa truyền thống được bà con khu Tảng duy trì đều đặn hàng năm là Tiệc làng - thường được tổ chức vào đầu tháng 12 âm lịch. Anh Đinh Văn Thắng - Trưởng khu Tảng cho biết: Tiệc làng thường gắn liền với Tết làng và lễ đóng cửa rừng. Tiệc làng có truyền thống từ rất lâu đời, bắt nguồn từ việc xa xưa bà con người Dao thường lên rừng phát nương, làm rẫy. Vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm, thầy mo của làng sẽ đứng chủ cùng bà con, dân làng tổ chức lễ mở cửa rừng, kính cáo thần núi, thần sông, khe suối xin cho một năm mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa, con người mạnh khỏe, chăn nuôi phát triển… Sau đó, bà con mới lên rừng làm rẫy. Đến tháng 12 âm lịch thì thực hiện lễ đóng cửa rừng và trong thời điểm này, không ai được vào rừng nữa. Ngày nay, bà con không còn phá rừng, làm rẫy nhưng lễ đóng cửa rừng và tiệc làng vẫn được duy trì. Đây là dịp để gắn kết cộng đồng, mọi người cùng gác lại một năm vất vả lo toan, người đi xa trở về sum họp với gia đình, làng xóm, mọi người thêm yêu và gắn bó với nhau hơn.
Ông Dương Văn Khái - Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết: Khu Tảng là một trong ba khu đặc biệt khó khăn của xã. Khu có 104 hộ trong đó có 40 hộ là người dân tộc Dao, còn lại là dân tộc Mường. Cách trung tâm xã 4km, đường xá đi lại khó khăn nên đời sống của bà con trong khu còn nhiều thiếu thốn. Để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của khu nói riêng và của địa phương nói chung, đã có nhiều chương trình, dự án được triển khai tới bà con như: Hỗ trợ cây, con giống cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, tổ chức tập huấn về khoa học kỹ thuật cho các hội viên nông dân… Đặc biệt, đầu tháng 11/2020, đường giao thông nông thôn vào khu Tảng có chiều dài trên 1.100m, tổng nguồn vốn trên 7 tỷ đồng do UBND huyện làm chủ đầu tư được thi công, không chỉ giúp thuận tiện cho việc đi lại mà còn có ý nghĩa thiết thực trong phát triển kinh tế của khu. Nhờ có những hỗ trợ đó mà ngày nay, đời sống cho người dân ngày càng được nâng cao, khu Tảng đã có nhiều hộ giàu, khá, thu nhập ổn định, bà con vui mừng, yên tâm đón Tết sớm theo đúng phong tục cổ truyền của người Dao.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dan-toc-mien-nui/202102/tet-som-ban-dao-175404