Tết sớm của người vô gia cư ở Hà Nội
Đôi bàn tay nhăn nheo run rẩy, bà Hòa đón nhận chiếc bánh chưng xanh còn đang nóng hổi như một tín hiệu của những ngày vui sắp đến gần. Đã lâu lắm rồi bà chẳng được về quê vì không còn ai nữa, khóe mắt bà bỗng rớm nước bởi món quà nhỏ làm bà nhớ những ngày ấu thơ, đói khát, thèm thuồng hít hà vị bánh chưng.
“Mắt không nhìn thấy nữa, tôi ngửi mùi bánh chưng là thấy Tết về rồi”
Ở độ tuổi gần 70, bà Trần Thị Hòa (mọi người còn gọi là bà Hòa mù vì đôi mắt bà không nhìn thấy gì nữa) vẫn ngày ngày miệt mài đi bán những chiếc trống bỏi tí hon trên phố Hai Bà Trưng với giá 7.000 đồng/ chiếc để kiếm miếng ăn. Với mỗi sản phẩm bà lời ra được 2.000 đồng, ngày nào bán nhiều cũng được tầm hơn chục cái, kiếm hơn hai chục ngàn tằn tiện cũng lo đủ 3 bữa ăn. Nhưng mấy nay Hà Nội trở rét, lũ trẻ ít đi chơi nên có ngày bà chẳng bán được cái nào cả.
May mắn bà vẫn cầm cự được bởi những suất cơm, suất cháo từ thiện của những nhà hảo tâm đi ngang qua tặng. Nay bà còn nhận được cả tấm bánh chưng còn nóng hổi, thơm mùi gạo nếp mới nên mừng lắm. Bà khẽ đưa lên mũi ngửi, hít hà mùi đặc chưng ấy, mãn nguyện: “Đúng là hương vị ngày Tết rồi. Năm nay tôi mong được về quê vì lâu lắm rồi tôi chưa về”.
Cùng cảnh “ngủ đường” như bà Hòa, ông Nguyễn Văn Hồng (Hòa Bình) may mắn hơn khi đôi mắt dù có kèm nhèm nhưng vẫn nhìn thấy đường đi. Với công việc hàng ngày là thu lượm ve chai, ông kể tháng cũng kiếm được hơn 1 triệu đồng nhưng phải gom góp gửi về quê cho con ăn học. Chắt bóp đủ kiểu, ông dành ra khoảng 300.000 đồng chia đều ra là ăn hết 10.000 đồng/ ngày cho 3 bữa cơm. Vật vờ, quen cảnh ngủ đường, ông bảo ngày nào được cho 1 suất cơm là chia ăn cả ngày, thế là đỡ được 10.000 đồng hôm đó.
Không chỉ có một mình, dưới mái hiên nhà ở mặt đường Tràng Thi, chị Nguyễn Thị Thảo (Lạng Sơn) còn phải đèo bòng cả đứa con ngớ ngẩn. Bản thân tự nhận có thể đi làm được nhiều việc nhưng vì không có ai trông con nên ngày ngày vừa cho con bám theo, vừa đi nhặt các chai, vỏ nhựa bán đồng nát. Niềm mong chờ cuối ngày của họ đó là được cho, tặng các suất cơm, suất cháo, bánh… để được ấm lòng giữa thời tiết khắc nghiệt của mùa đông lạnh giá ở Hà Nội.
Mỗi chiếc bánh chưng trao tặng là đong đầy bao bài học cho thế hệ sau
Ngoài cả trăm hộp cháo gà tự tay nấu, đêm nay chị Phạm Thị Hoàn, anh Nguyễn Quang Vinh cùng các anh chị trong trong hội doanh nghiệp BNI Chapter Pro còn mang tặng những người vô gia cư bánh trưng, chăn ấm và nhiều phần quà khác. Tận mắt chứng kiến những mảnh đời bất hạnh và lắng nghe những câu chuyện của họ khiến anh, chị vô cùng xúc động.
Chị Hoàn cho biết: “Những chiếc bánh chưng này là do chính tay các con trong Chapter Pro đã gói ngày hôm qua. Khi chúng tôi có hoạt động gói bánh chưng, tôi đã kể cho các bé nghe rằng những chiếc bánh này sẽ được mang tặng các ông, các bà, các bác kém may mắn hơn, họ phải ngủ ngoài đường và thiếu thốn rất nhiều thứ. Biết được điều đó, các con của chúng tôi đã rất nỗ lực gói bánh và gửi gắm rất nhiều tình cảm cũng như những lời cầu chúc đến mọi người một năm mới thật nhiều sức khỏe”.
Nhận những chiếc bánh chưng, bà Hòa, ông Hồng, bà Thảo và nhiều người khác đều xúc động khi biết đây là sản phẩm của các cháu nhỏ gửi đặc biệt tặng đến ông bà. Một mùa xuân mới đang về đến ngang cửa cùng hương vị ngày Tết đầy ắp trong chiếc bánh chưng xanh...
Đêm Hà Nội, nhiệt độ xuống càng thấp, khẽ kéo chiếc chăn ngang người, những nụ cười mãn nguyện và lời cám ơn đến các nhà hảo tâm của những người vô gia cư khiến không gian như kéo hẹp lại để những đôi bàn tay được xiết lại gần nhau hơn...
Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/tet-som-cua-nguoi-vo-gia-cu-o-ha-noi-d166033.html