Tết Thanh minh, nét văn hóa nhớ về tổ tiên
Tết Thanh minh tuy không phải là cái tết lớn, nhưng với đạo lý 'uống nước nhớ nguồn', từ xa xưa Tết Thanh minh đã trở thành ngày lễ quan trọng, thiêng liêng, đi sâu vào tiềm thức của biết bao người Việt Nam trong và ngoài nước. Đây là dịp mọi người tổ chức lễ tảo mộ, quây quần để nhớ về người đã khuất…
Thanh minh là tiết thứ năm trong “nhị thập tứ khí” và đã được người phương Đông coi là một lễ tiết hàng năm. Tiết Thanh minh đến sau ngày lập xuân 45 ngày. Theo nghĩa đen, thanh là khí trong, còn minh là sáng sủa. Khi tiết xuân phân qua, những cơn mưa bụi của trời xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa là sang Tiết Thanh minh.
Người dân mua bông, trái cây trong dịp Tết Thanh minh
Năm 2023 Tết Thanh minh rơi vào ngày 5/4. Theo phong tục truyền thống, vào ngày lễ này con cháu cùng nhau về thăm mộ của tổ tiên, cùng nhau dọn dẹp quét rửa mộ phần, làm bánh trôi, bánh chay cúng, mong tổ tiên phù hộ cho luôn khỏe mạnh bình an.
Cũng bởi vậy trong ngày Thanh minh, các khu nghĩa địa trở nên tấp nập dòng người. Ông Nguyễn Hồng – khu phố 11, phường Phú Thủy (TP. Phan Thiết) cho biết: Ngày xưa, đa số mồ mả chỉ được đắp đất, dựng bia nên hàng năm, con cháu phải tổ chức dẫy cỏ và giặm đắp thêm để giữ cho nấm mộ luôn được tôn cao trước sự bào mòn của mưa gió. Mộ nào có bia thì kẻ lại chữ cho rõ ràng. Ngày nay, mộ mới và mộ cải táng đều được xây bằng các loại vật liệu kiên cố, được trang hoàng đẹp đẽ. Đơn sơ thì trát xi măng, ốp gạch men, sang trọng phú quý thì sử dụng đá phiến cẩm thạch. Nhiều ngôi mộ còn được chạm khắc, cất mái che... Tuy nhiên, người dân vẫn giữ phong tục xưa, đến tiết Thanh minh lại cùng nhau tảo mộ, quét vôi, kẻ bia, dọn dẹp, thắp hương để chốn yên nghỉ của người thân trong gia đình, dòng họ được tinh tươm, ấm cúng.
Chăm sóc phần mộ ông bà tổ tiên
Sau khi tảo mộ các thành viên cùng nhau về làm mâm cơm dâng lên bàn thờ gia tiên và ăn uống sum vầy. Anh Đặng Thanh Tuấn (phường Phú Trinh - TP.Phan Thiết) chia sẻ: Bao năm nay, các anh em trong gia đình đều làm lễ đón Tết Thanh minh. Lễ vật cúng kính vừa phải, chủ yếu là bánh trái, hoa, rượu trà và thịt heo quay. Việc cúng Thanh minh có phần đơn giản không phải vì không hiếu thảo với ông bà, cha mẹ mà anh em của anh Tuấn tâm niệm rằng, đó chỉ là hình thức bên ngoài. Điều quan trọng nhất là con cháu đông đủ, yêu thương nhau và luôn hướng về những đấng sinh thành...
Ngày nay những nghi thức bài bản của người xưa đã thay đổi ít nhiều để ngày lễ vừa được tổ chức một cách tiết kiệm. Dẫu vậy, ý nghĩa nhân văn thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn của con cháu với ông bà tổ tiên, những người quá cố trong ngày Tết Thanh minh vẫn luôn là nét đẹp tạo nên nếp nhà, gia phong, góp phần bảo tồn trong dòng chảy văn hóa của dân tộc.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tet-thanh-minh-net-van-hoa-nho-ve-to-tien-106989.html