Tết thanh thản

Ngày xưa, chuyện đi Tết là mỹ tục của dân tộc ta. Thậm chí có hẳn vè để dễ nhớ: 'Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy'. Và quà Tết, ngoài lễ vật tùy tâm, từ gà, nếp, bánh chưng đến rượu, hoa, mứt... còn có cả... phong bì. Nhưng đấy là những phong bì tượng trưng, lấy may, dân ta gọi mừng tuổi hoặc lì xì. Nó là những phong bao hồng điều, trong đấy chứa tờ tiền mệnh giá nhỏ, nhưng mới, mang ý nghĩa tượng trưng lấy may là chính. Nghĩ về Tết ngày ấy, quả thanh thản biết bao.

Và cách chúc Tết, mừng tuổi, lì xì thuở trước cũng sang trọng chứ không xô bồ. Con cháu xúng xính quần áo mới vòng tay nhận phong bao lì xì và ngược lại cũng kính cẩn mừng tuổi ông bà, bố mẹ.

Vậy nhưng, chả biết tự bao giờ, chuyện đi Tết trở thành một “hắc tục” chứ không phải mỹ tục nữa, ấy là sự rồng rắn đi Tết cấp trên, bằng rượu ngoại và phong bì, chứa rất nhiều tiền, cả tiền Việt mệnh giá cao và tiền đô. Nó, thậm chí là sự hối lộ và tham nhũng trá hình.

Vậy nên liên tục nhiều năm Thủ tướng Chính phủ phải ra chỉ thị cấm đi chúc Tết... ngược. Năm nay thì tới Ban Bí thư phải làm việc này “nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức”. Điều ấy chứng tỏ rằng, lãnh đạo cấp cao biết rất rõ cái việc phải đi... Tết cấp trên nó là như thế nào?

Nhiều người thở phào, tất nhiên đông nhất là dân, rồi đến những người đi biếu, có cả một số người được biếu nữa.

Nhớ năm nào đó, một chiều cuối năm, tôi gọi một ông bạn đồng nghiệp ở Hà Nội, ông đang làm gì đấy. "Đang đến nhà sếp chúc Tết". "Chúc gì 25 Tết hả?". "Ông chả biết gì cả, dốt bỏ mẹ nên suốt đời chỉ là... lính, đi Tết thì phải trước Tết chứ trong Tết ai lấy". "Thế mang gì?". "Chai rượu và phong bì". "Phong bì nhiêu". "2 triệu". "Rượu gì?". "Chivas 18". "Rồi, gần 5 củ". Sếp nó là bạn tôi. Hôm sau, tôi gọi sếp nó: "Đang làm gì đấy?". "Đi chúc Tết sếp". "Ơ là sếp rồi còn phải chúc ai nữa". "Mày dốt, trên trời có trời, tao là cái đinh...".

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Cứ như hiệu ứng domino, xã lên huyện, huyện lên tỉnh, tỉnh ra trung ương. Mà ra trung ương mới khổ. Lông nhông ngoài đường như đi... hành khất. Cuối năm bao nhiêu việc, đi cho nhanh rồi còn về, nhưng đâu phải như cái thùng phước sương đâu mà chỉ quẳng vào đấy rồi đi, cũng phải bắt tay chào hỏi vân vi các loại... nhưng hóa ra có hôm tôi hỏi một cô kế toán tháp tùng, cô ấy bảo: Nhiều khi đến nhà gửi lại người nhà, vì túi quà có ghi tên rồi, sếp cũng bận, với lại, việc này, có khi không gặp trực tiếp lại hay hơn...

Tôi quen mấy ông chánh văn phòng cấp huyện ở nhiều tỉnh nên biết. Khối ủy ban thì lo cho ủy ban cấp trên, khối cấp ủy thì lo cấp ủy cấp trên... cứ thế mà thực thi, ai cũng thế, mình không thế không được. Gần Tết là mấy ông chánh văn phòng bạn tôi nghễu nghện lên phố, có khi tiện thể nó kêu tôi chạy đến đâu đấy, dúi cho tí sản vật như cân măng khô, gói hạt tiêu hoặc lít mật ong... Tôi lại tranh thủ biếu lại nó... tờ báo Tết.

Lại có năm, chú em tôi kể, huyện ấy chủ trương không đi chúc Tết ngang, tức chúc Tết huyện, thị, thành phố đồng cấp. Đùng cái, lù lù một cái xe của huyện bạn đến chúc Tết. Thế là họp khẩn, phân công đi chúc Tết lại. Mà chả phải chúc lại huyện ấy, mà tiện thể chúc tất như mọi năm.

Thế nên có thời cái nghề gói quà Tết rất hot. Đơn giản bởi quà mà lại... không phải quà. Cái túi quà ấy chỉ là cái vỏ, cái cớ để mà chứa cái phong bì bên dưới. Mua túi quà gói sẵn 500 ngàn đồng, mà thực sự thì giá trị nó chừng... 200 ngàn đồng, và sự thực nữa là chả ai thèm mở nó ra bởi trà thì mốc, rượu thì chua và mứt thì quá đát. Nhưng vẫn mua để có cái cớ bưng vào. Giờ “đổi mới”, chỉ ôm cái cặp hoặc mặc áo vét, các túi trong ấy là... phong bì, mỗi túi một loại. Nhiệm vụ của anh là... phải nhớ túi nào phong bì bao nhiêu để đã rút ra là không đổi lại được. Nhiệm vụ này hóa ra cũng... khó phết!

Nói thế không có nghĩa là Tết không đi đâu. Cấp trên xuống chúc Tết cấp dưới là tốt quá đi chứ ạ. Hình ảnh các đồng chí lãnh đạo đêm 30 đi thăm công nhân vệ sinh, những người có lẽ là vất vả nhất trong dịp Tết, rồi rút phong bì ra lì xì cho họ, đẹp và ấm lòng biết bao trong cái đêm cuối năm ấy. Hoặc trước khi nghỉ Tết, thủ trưởng gặp mặt chúc Tết nhân viên rồi cũng... lì xì. Phong bì đỏ rực, có khi chỉ tờ 2 chục tiền mới thôi, nó cũng làm nhau xúc động.

Sẽ là rất bình thường nếu ngày Tết, bạn bè, bà con cho nhau chai rượu, cái bánh chưng, cành đào, chậu mai, con gà, cân thịt... của nhà hoặc kể cả mua để cho nhau. Nhưng đi biếu sếp là chuyện rất bất bình thường. Và hiện thì nó đang trở thành bình thường. Quyết định của Ban Bí thư là việc làm bắt cái bình thường trở lại bình thường chứ không bất bình thường nữa.

Thật, cấm quà cáp biếu ngược lên ấy, ngoài chuyện tiết kiệm ngân sách rất lớn thì còn một thứ rất quan trọng, ấy là làm cho con người nó sang hẳn lên, chứ cứ dấm dúi, thấy nó hèn hèn thế nào ấy, nó rất là mặc cảm thân phận, rất là day dứt, áy náy, rất là thiếu tự trọng... Những người nhận quà, không phải ai cũng lấy làm sung sướng đâu, cũng áy náy day dứt lắm, nhưng mọi người thế cả, mình biết làm sao. Không nhận lại thành lập dị, lại thành “anh không thương em rồi, đây là lòng thành của em” (nhưng thực ra là tiền của cơ quan), lại thành “gây sự” với đồng cấp, với cấp trên của mình đang thản nhiên nhận.

Vậy nên, lệnh không đi biếu Tết cấp trên của Ban Bí thư năm nay sẽ làm nhiều người thanh thản. Và mong nó sẽ duy trì được mãi để sự thanh thản nó kéo dài nhiều năm!

Và vì thế, có thể gọi, Tết năm nay là Tết thanh thản, Tết vui tươi, tiết kiệm và không… áy náy, bởi không phải lo mình đã đi Tết đủ chưa?

VĂN CÔNG HÙNG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202201/tet-thanh-than-5763639/