Tết thời bao cấp

Đối với người Việt Nam, khái niệm Tết cổ truyền (hay còn gọi là Tết Nguyên đán, Tết ta) luôn gắn với những điều thiêng liêng, dễ chạm tới cảm xúc. Tết không chỉ là thời điểm chuyển giao năm cũ sang năm mới mà còn là dịp để các gia đình sum vầy, tưởng nhớ tổ tiên, tri ân các bậc tiền nhân có công với quê hương, đất nước… Tùy từng giai đoạn lịch sử, vùng, miền, dân tộc, Tết cổ truyền mang những sắc thái khác nhau nhưng tựu chung không ngoài ý nghĩa trên.

Các cửa hàng đông đúc người dân đi mua sắm hàng Tết. Ảnh: TTXVN

Các cửa hàng đông đúc người dân đi mua sắm hàng Tết. Ảnh: TTXVN

Với những ai đã từng sống ở miền Bắc, đặc biệt là giai đoạn 1976- 1986 (tức là sau khi đất nước thống nhất cho tới trước đổi mới) thì sẽ thấm thía cuộc sống thường nhật cũng như Tết thời bao cấp. Có thể nói đó là những cái Tết nghèo, thiếu thốn, chứa đựng ở đó bao lo toan, vất vả của người lớn và sự mong chờ, háo hức của con trẻ.

Nói đến thời bao cấp là nói đến chế độ phân phối nhu yếu phẩm do Nhà nước điều hành. Từ gạo, thịt cá, mắm muối đến vải vóc, quần áo, đồ dùng vật dụng trong gia đình, từ thứ nhỏ như bao diêm, hộp cao Sao vàng đến cái lớn như chiếc quạt điện, xe đạp tất thảy đều được cung ứng bằng tem phiếu hoặc phân phối về các cơ quan, đơn vị. Tùy theo tính chất công việc, thành phần, lứa tuổi mà Nhà nước đề ra các hạn mức phân phối khác nhau. Ví dụ người lao động nặng được cấp 21kg gạo/ tháng, người làm công việc nhẹ được 13kg, sinh viên hưởng 17kg. Thịt cũng dao động ở mức trên dưới 1kg/người/ tháng. Tuy nhiên, do sản xuất khó khăn nên hầu như nguồn cung không đáp ứng đủ định lượng. Gạo chỉ được cấp mấy chục phần trăm, còn lại phải kèm khoai, sắn, mì; nhiều khi ngành Thương nghiệp còn bán mắm tôm thay vào ô phiếu thịt.

Là người thuộc thế hệ 6X, có bố mẹ công tác ở cơ quan Nhà nước, tuổi thơ của tôi phải nói là thấm đẫm hơi thở của thời bao cấp. Đó là những mùa đông rét mướt chỉ có mỗi chiếc áo bông, chân trần tới lớp, nẻ tứa máu; là những ngày cùng trẻ con trong khu tập thể dậy từ tờ mờ đất đi xếp hàng mua lương thực, thực phẩm, tới nơi đã có cả hàng dài gạch đá xếp sẵn thay cho người đứng chờ, nhiều hôm đến lượt thì hết hàng; là những hôm sáng đi học, chiều đi lấy củi, kiếm rau lợn giúp đỡ bố mẹ tăng gia sản xuất...

Tháng Chạp luôn là tháng sôi động nhất, thường thì Nhà nước sẽ xoay xở đủ nguồn hàng cung cấp cho nhân dân ăn Tết, từ gạo tẻ, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, rượu, chè, bánh mứt, pháo nổ… Với những cơ quan, nhà máy, xí nghiệp có đông người lao động thì cán bộ công đoàn sẽ phối hợp với ngành thương nghiệp đưa hàng Tết về tận địa bàn. Niềm vui của con trẻ cứ nhân lên khi thấy mỗi ngày đi làm về bố mẹ lại xách theo một vài món hàng Tết, đến ngày 27, 28 tháng Chạp mọi thứ gần như đã đủ. Trên bàn thờ, ngoài nải chuối, quả cam, bao giờ cũng có chai rượu màu (thường là rượu chanh, rượu cam), gói chè khô nhỏ bằng vốc tay, bao thuốc lá Điện Biên, Sông Cầu, SaPa. Chị em tôi cũng mỗi đứa một việc, đứa rửa lá dong, đứa vo gạo, đãi đỗ, quét dọn nhà cửa. Tối đến cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng, vừa sưởi ấm, vừa chuyện trò vui vẻ. Với quan niệm, tiếng pháo lúc giao thừa phải nổ giòn, không bị ngắt quãng thì cả năm mới may mắn nên các gia đình thường đem pháo hong trên gác bếp, nhà tôi cũng vậy, có năm, vì hong nóng quá nên bánh pháo Bình Đà đã nổ giòn trong bếp từ tối 30 Tết khiến mấy đứa em tôi buồn thiu.

Trải nghiệm gói bánh chưng ngày Tết. Ảnh: Minh Quang

Ngoài những thứ được Nhà nước phân phối, gia đình tôi còn chăn nuôi thêm chục con gà để cải thiện bữa ăn. Việc nuôi gà được giao cho từng đứa, mỗi đứa nhận 1-2 con nên rất có trách nhiệm, từ việc cho ăn đến theo dõi đẻ trứng. Tuy nhiên, Tết đến thì không ai muốn con gà của mình bị làm thịt, dù được ăn thịt gà luôn là niềm ước ao của con trẻ ngày đó, phải tới khi bố mẹ đọc "lệnh" thì cuộc tranh cãi trong chúng tôi mới chấm dứt nhưng trong lòng vẫn còn chút ấm ức.

Cuộc sống thời bao cấp tuy khó khăn, thiếu thốn nhưng đời sống tinh thần không vì thế mà cằn cỗi. Còn nhớ, trước cửa nhà tôi ngày đó bao giờ cũng có vườn hoa nhỏ, trồng đủ vi-ô-lét, đồng tiền, hồng nhung, thạch thảo… Tuy còn bé nhưng tôi đã biết đi xin hoặc trao đổi với bạn bè để có được những giống hoa yêu thích, cũng nhờ đó mà tôi đã biết cách trồng lay ơn, thược dược, tuốt lá đào để có hoa chơi Tết.

Với con trẻ vui nhất là được mua giày dép, quần áo mới. Ngày thường thì đứa bé dùng thừa của đứa lớn nhưng ngày Tết bố mẹ luôn phải tính toán để mỗi đứa có một thứ mới. Có khi quần áo mua trước cả tháng nhưng vẫn phải để dành Tết mới được mặc. Sáng mùng Một, bố mẹ dậy sớm chuẩn bị cơm cúng gia tiên, mâm cơm có đủ thịt gà, nem rán, giò lụa, thịt đông, canh măng khô nấu móng giò - những món xa xỉ của ngày thường… Vậy nên trẻ con đứa nào cũng mong đến Tết vì vừa được ăn ngon, vừa được chơi, vừa được diện đồ mới. Sau này, khi lớn lên tôi mới hiểu để mọi người, mọi nhà được "no 3 ngày Tết" là cả sự cố gắng, lo toan, chắt chiu của ông bà, cha mẹ cũng như của Nhà nước, nhất là trong những năm đầu sau giải phóng...

Ngày nay, khi nền kinh tế nước ta đã phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên thì việc lo cho cái Tết đủ đầy không còn là gánh nặng của mỗi gia đình. Hàng hóa tràn ngập khắp nơi, đáp ứng đủ mọi nhu cầu của người dân từ thành thị tới nông thôn. Nhiều người nói vui chỉ cần có tiền đi một lúc là sắm đủ Tết, thậm chí chỉ vài cuộc điện thoại là người ta ship đến tận nhà. Niềm vui của con trẻ giờ đây cũng khác, chúng háo hức với điện thoại, Internet hơn là áo mới. Nói như vậy để thấy mới mấy chục năm mà xã hội đã biến chuyển nhanh thế nào, theo đó nhiều tiêu chí, quan niệm về ăn Tết, chơi Tết cũng có thay đổi. Nhớ về ngày hôm qua cũng để trân quý hơn những gì mình đang có, để có thêm động lực, phấn đấu để ngày mai tốt đẹp hơn hôm nay.

Hà Trang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tet-thoi-bao-cap/d20230112091014465.htm