Tết trong mắt trẻ thơ
Tết Nguyên đán là nét đẹp văn hóa truyền thống từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Đối với người lớn, bên cạnh niềm vui Xuân mới, Tết còn vương lại đâu đó những bộn bề, lo toan.
Còn trong trái tim trẻ thơ, Tết lúc nào cũng nô nức, rộn ràng và đầy ắp niềm vui. Ngày Tết, các em được thỏa sức vui chơi, được mua sắm quần áo mới, nhận tiền lì xì hay được về quê thăm ông bà, xem bắn pháo hoa và mong ước những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới…
Quên đi nhịp sống hối hả, vội vã với những giờ học miệt mài, những bài thi liên tiếp, những lời giục giã học bài của cha mẹ, Tết của trẻ thơ luôn rộn vang tiếng cười. Các em ai cũng hồn nhiên, vui tươi, háo hức và tràn đầy năng lượng trong các hoạt động đón chào năm mới.
Em Nguyễn Hồng Ánh, ở xã Trung Nguyên (Yên Lạc) chỉ mong đến ngày 28 Tết để được cùng ông bà, cha mẹ gói bánh chưng. Khi đó, em lại lăng xăng, hớn hở giúp ông lấy lá dong, giúp bà đong gạo, giúp mẹ buộc lạt và giúp bố xếp từng chiếc bánh gọn gàng.
Gói bánh xong, cả nhà lại quây quần cùng nấu bánh. Bên ánh lửa sáng rực, bập bùng, reo vui tí tách, ai cũng nói cười rôm rả, thấy Tết bình yên và hạnh phúc đến lạ!
Em Hoàng Minh Ngọc, ở phường Khai Quang (Vĩnh Yên) lại háo hức được bố mẹ dẫn đi chợ hoa, thỏa sức hít hà, chiêm ngưỡng sắc hương ngày Tết. Em hồ hởi chia sẻ: “Chợ hoa ngày Tết rực rỡ sắc màu, từ hoa đào, hoa mai, hoa ly, hoa lay ơn đến hoa hồng, hoa cúc, lan hồ điệp… bông nào cũng tươi thắm và ngọt ngào hương sắc.
Năm nào cũng vậy, cả nhà em luôn chọn mua một chậu quất sai trĩu quả, tươi xanh mơn mởn, một cây bích đào đầy ắp lộc non, cùng rất nhiều hoa tươi để trang trí cửa nhà. Nhìn chiếc xe của bố chở đầy ắp hoa, em những tưởng như chở cả trời Xuân về nhà vui Tết!”.
Vào mùng Một Tết, em nhỏ nào cũng náo nức sửa soạn những bộ quần áo mới nhất, đẹp nhất để đi chúc Tết ông bà, người thân. “Không chỉ vui vì được gặp gỡ mọi người, được vui chơi thỏa thích, em còn được ăn rất nhiều bánh kẹo ngon và được nhận những phong bao lì xì đỏ tươi may mắn. Tiền lì xì, em dùng để mua đồ chơi yêu thích, mua đồ dùng học tập hoặc mua những món quà nhỏ xinh dành tặng những người em thương yêu. Vì thế, ngày Tết với em ý nghĩa và thân thương thật nhiều!” - Em Nguyễn Thu Trang, ở xã Quất Lưu (Bình Xuyên) bộc bạch.
Còn em Nguyễn Việt Cường, ở thị trấn Vĩnh Tường năm nào cũng háo hức, mong chờ khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới để được xem bắn pháo hoa: “Cứ đến Giao thừa, cả nhà em lại cùng nhau ra khoảng sân trước nhà mải miết ngắm nhìn những chùm pháo hoa lung linh, rực sáng, đua nhau bung nở trên bầu trời rộng lớn. Thời khắc linh thiêng ấy, lòng ai cũng phơi phới, hân hoan, tràn đầy niềm tin, hy vọng vào một năm mới an nhiên, hạnh phúc!
Tết còn là dịp để các em được đoàn tụ, sum họp bên gia đình, người thân và trở về quê hương. Chẳng thế mà, em Nguyễn Tuấn Anh, ở phường Liên Bảo (Vĩnh Yên) thích nhất là được về quê thăm ông bà, chú thím và được vui chơi cùng các anh, chị em họ dịp Tết.
“Quê em ở tỉnh Ninh Bình. Năm nào, cả nhà em cũng về quê ăn Tết cùng ông bà, chú thím. Mọi người ở quê em rất gần gũi, thân tình. Cảnh sắc làng quê thì tươi đẹp và thanh bình lắm! Không khí trong lành. Đường làng rợp bóng cây xanh. Dòng sông quê như dải lụa đào uốn lượn quanh làng. Nơi đây còn có cánh đồng lúa mênh mang, những con đường hoa trải dài tít tắp. Mỗi sáng sớm, tiếng chim hót líu lo rộn vang cả khung trời, hân hoan chào đón Xuân mới...”.
Năm nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên Tết trong ánh mắt trẻ thơ còn phác họa đôi nét trầm. Em Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ thêm: Năm nay, để phòng, chống dịch, gia đình em không về quê ăn Tết như mọi năm. Dù có chút hụt hẫng nhưng em vẫn luôn tin dịch Covid-19 sẽ sớm bị đẩy lùi để em lại được về quê đón Tết, quây quần bên gia đình, người thân, thưởng ngoạn cảnh đẹp và hít hà không khí trong lành chốn thân thương ấy!
Với trẻ thơ, Tết như một bức tranh tươi đẹp, rực rỡ sắc màu. Dù có phảng phất đôi nét trầm do dịch Covid-19, nhưng chủ đạo vẫn là sự tươi vui, đầm ấm, nhiều ước mơ, tràn sức sống.
Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/73338/tet-trong-mat-tre-tho.html